Giáo viên, học sinh các lớp cuối cấp bắt nhịp với chương trình mới

(Baohatinh.vn) - Hơn 2 tuần sau lễ khai giảng, giáo viên, học sinh các lớp cuối cấp (5, 9 và 12) ở Hà Tĩnh đã ổn định nền nếp, bắt nhịp với chương trình sách giáo khoa mới.

Giờ học Tiếng Việt tìm hiểu về bài Bến sông tuổi thơ của lớp 5A2 - Trường Tiểu học 2 Tân Lâm Hương (Thạch Hà) trở nên sôi nổi khi cô giáo triển khai nhiệm vụ cho học sinh theo cách thảo luận nhóm.

1.3.jpg
Học sinh lớp 5A2 - Trường Tiểu học 2 Tân Lâm Hương (Thạch Hà) thảo luận nhóm.

Với phương pháp này, tất cả học sinh đều phải suy nghĩ, thảo luận về bài học. Sau đó, các nhóm sẽ lần lượt cử đại diện trình bày quan điểm, suy nghĩ của mình về chủ đề mà bài học yêu cầu. Cứ như thế, tất cả học sinh đều được tiếp cận kiến thức, đều được rèn luyện tính tích cực, chủ động đối với việc nắm bắt kiến thức bài học. Các em cũng được rèn luyện khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm trong quá trình học tập.

Em Trần Hà Anh, học sinh lớp 5A2 cho biết: “Phương pháp học tập này giúp chúng em hào hứng trong các giờ học, việc tiếp thu kiến thức từ sách mới cũng trở nên dễ hiểu hơn”.

1.2.jpg
Môn Tiếng Anh lớp 5 có sự đổi mới, tăng cường các kỹ năng giao tiếp cho học sinh.

Được biết, sách giáo khoa lớp 5 - Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có khá nhiều nội dung đổi mới so với sách cũ. Đặc biệt, nhiều kiến thức ở các bộ môn Toán, Tiếng Việt, Ngữ văn, Đạo đức… gắn liền với thực tiễn đời sống, giúp học sinh phát triển tư duy, sáng tạo và nhớ lâu, nhớ sâu hơn những kiến thức được học.

“Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của chương trình sách giáo khoa mới, trước đó trường đã chú trọng lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy lớp 5; tăng cường tập huấn, chuyên đề, khuyến khích giáo viên nghiên cứu kỹ chương trình để xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp. Nhà trường cũng tham mưu với chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh huy động nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Nhờ thế, đến nay, giáo viên, học sinh lớp 5 của trường đã vận hành chương trình sách mới hiệu quả như mong đợi”, cô Lê Thị Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 Tân Lâm Hương cho biết.

1.5.jpg
Giáo viên Trường THCS Đồng Lộc áp dụng công nghệ thông tin, khai thác các học liệu điện tử, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Tại Trường THCS Đồng Lộc (Can Lộc), quyết tâm triển khai hiệu quả chương trình sách mới cho lớp cuối cấp để chuẩn bị hành trang cho các em trong kỳ thi vào lớp 10 THPT cũng trở thành một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của nhà trường. Trên tinh thần ấy, trường đã chú trọng chuẩn bị đội ngũ, quan điểm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm đã được các giáo viên nỗ lực thực hiện thông qua các hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu kỹ bài giảng.

Cô Hoàng Thị Ấn, giáo viên Tiếng Anh Trường THCS Đồng Lộc cho hay: “Để làm quen với sách mới, trước thềm năm học, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ nội dung chương trình, tổ chức các giờ dạy thể nghiệm để đúc rút kinh nghiệm. Chương trình mới có sự giảm tải về kiến thức, tăng cường các kỹ năng giao tiếp như: đọc, nghe, nói cho học sinh thông qua các hoạt động thuyết trình theo chủ đề, đối thoại… giúp các em mạnh dạn hơn khi giao tiếp, tích lũy thêm vốn từ mới. Cùng với việc giúp học sinh lĩnh hội kiến thức cơ bản, chúng tôi cũng đã lồng ghép thêm các bài tập, kiến thức nâng cao để chuẩn bị hành trang cho các em trước kỳ thi vào lớp 10 THPT”.

1.4.jpg
Giáo viên, học sinh lớp 9 ở Trường THCS Đồng Lộc tăng cường tương tác trong mỗi giờ học.

Đối với các trường THPT, đây năm đầu tiên thực hiện chương trình sách mới ở lớp 12, nhưng là năm thứ 3 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nên học sinh, giáo viên đã thích ứng với phương pháp dạy học theo hướng đổi mới. Tuy nhiên, để giúp các em tiếp cận nhanh với chương trình, tiếp cận phương án thi tốt nghiệp THPT mới, ngoài sự chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn của ngành, các trường học đã có sự thay đổi trong chỉ đạo chuyên môn để vận hành tốt chương trình, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh.

Thầy Hoàng Quốc Quyết – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Từ sự hướng dẫn của ngành và trách nhiệm của nhà trường, chúng tôi đã chỉ đạo các tổ chuyên môn thường xuyên sinh hoạt, trao đổi, chủ động thống nhất phương pháp, nội dung dạy học. Sắp tới, các trường THPT trên địa bàn cũng sẽ tổ chức sinh hoạt chuyên đề, trao đổi chuyên môn, phương pháp, nghiên cứu chương trình để biên soạn ngân hàng đề, giúp học sinh học tập hiệu quả, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

1.1.jpg
Giờ học của học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên).

2 tuần trôi qua sau ngày khai giảng, giáo viên, học sinh các lớp cuối cấp ở Hà Tĩnh đã bắt nhịp tốt với chương trình sách giáo khoa mới. Từ nội dung sách giáo khoa, các thầy cô đã mở rộng vấn đề liên quan đến bài học, tăng cường sự tương tác với học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác có hiệu quả các học liệu điện tử vào bài giảng, tạo không khí hào hứng, sôi nổi trong những giờ học.

Năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 5, 9 và 12 theo đúng lộ trình. Đây cũng là năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ 1 đến 12.

Phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm của các năm học trước, ngành đã triển khai thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn bồi dưỡng giáo viên, sinh hoạt chuyên môn để xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học… Qua 2 tuần đầu của năm học cho thấy, việc tổ chức dạy học ở các cơ sở giáo dục đi vào nền nếp, các lớp cuối cấp đã bắt nhịp khá tốt với chương trình sách giáo khoa mới.

Thầy Đậu Quang Hồng - Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông Sở GD&ĐT.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.