Thầy giáo Nguyễn Công Trạng (SN 1982), Khoa Cơ khí chế tạo – Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh được phân công giảng dạy nghề hàn. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, thầy Trạng luôn chịu khó tự học, nghiên cứu tài liệu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn; xây dựng giáo án phù hợp giúp cho học sinh, sinh viên tiếp thu bài hiệu quả nhất.
Tại hội giảng "Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh" năm 2024, thầy Trạng thực hiện trình giảng loạt bài “Hàn góc ở vị trí 3F bằng công nghệ hàn mag”, “Hàn góc ở vị trí 2F bằng công nghệ hàn mag” và bài “Hàn góc ở vị trí 2F bằng công nghệ hàn tig”.
Để bài trình giảng đạt kết quả cao, thầy Trạng đã tự lựa chọn, nghiên cứu và điều chỉnh, thiết kế bổ sung về thiết bị, dụng cụ phù hợp. Đồng thời, thầy còn đầu tư thời gian, trí tuệ và tranh thủ ý kiến đóng góp của đồng nghiệp để hoàn thiện giáo án một cách tốt nhất.
Điểm nhấn trong bài giảng của thầy Trạng là sử dụng phương pháp tích hợp trong giảng dạy, giúp học sinh, sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ và tiếp thu được nhiều kiến thức hơn so với phương pháp trước đây. Bài trình giảng đã được Hội đồng Giám khảo, Ban Tổ chức hội giảng nhận xét đạt thành tích tốt nhất với số điểm lần lượt 91, 92, 94/100 điểm, đạt giải nhất tại hội giảng.
Thầy Nguyễn Công Trạng chia sẻ: “Trong các bài giảng, tôi thường sử dụng phương pháp tích hợp, kết hợp lý thuyết và thực hành giúp học sinh, sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ, tiếp thu được nhiều kiến thức và rèn luyện từng kỹ năng cụ thể”.
Là một nhà giáo trẻ tham gia hội giảng, cô giáo Trần Cẩm Anh (SN 1991), thuộc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh) gây ấn tượng với Hội đồng Giám khảo bởi sự tự tin, sáng tạo trong loạt bài giảng “Biển báo cấm phương tiện tham gia giao thông” và “Các nguyên tắc xử lý trên sa hình”.
Tại hội giảng, với sự chuẩn bị đề cương giáo án một cách chi tiết, rõ ràng, chuẩn bị slide trình chiếu, ngắn gọn, truyền tải đầy đủ thông tin đến người học, cùng với tác phong chững chạc, tự tin khi giảng dạy, cô Cẩm Anh đã giành giải nhất.
“Lần đầu tiên tham gia hội giảng cấp tỉnh, tôi thực sự vui mừng khi được vinh danh ở giải thưởng cao nhất và trở thành thành viên trong đội tuyển của tỉnh tham gia hội giảng "Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc" được tổ chức tới đây tại tỉnh Quảng Ninh” - cô giáo Trần Cẩm Anh chia sẻ.
Với thâm niên 12 năm giảng dạy ở Khoa Điện, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh, cô giáo Nguyễn Thị Hoa (SN 1986) tự tin bước vào hội giảng với loạt bài giảng “Thiết kế, lắp đặt mạch điện điều khiển điện khí nén một xi lanh”, “Mạch điều khiển điện khí nén một xi lanh theo thời gian” và bài “Mạch điều khiển điện khí nén một xi lanh nhiều chu trình”, vượt qua nhiều thí sinh khác, phần thi của cô đã đạt giải ba.
Cô Nguyễn Thị Hoa cho hay: “Tham gia “sân chơi” nghề nghiệp cấp tỉnh chính là một trải nghiệm thú vị, để cọ xát, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. Từ đó có sự đổi mới trong phương pháp truyền đạt nhằm thu hút, tạo sự hứng thú, phát hiện tính sáng tạo, tương tác của học sinh, sinh viên. Nếu không có sự đầu tư, đổi mới mà cứ dạy theo mô tuýp có sẵn sẽ khó để đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng”.
Năm nay, Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh có 5 nhà giáo tham gia hội giảng và cả 5 nhà giáo đều giành giải thưởng (gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba và 1 giải khuyến khích). Với những thành tích xuất sắc của các nhà giáo, Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh đã giành giải nhất tập thể.
Cô Vương Thị Mận - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh cho biết: “Trước khi tham dự hội giảng cấp tỉnh, nhà trường đã tổ chức hội giảng cấp trường để lựa chọn những hạt nhân ưu tú nhất. Sau đó, thành lập tổ tư vấn chuyên môn để hỗ trợ thầy, cô xây dựng bài giảng đúng chuyên môn và phương pháp truyền tải phong phú, lôi cuốn. Đồng thời, đầu tư thêm trang thiết bị dạy học, đồ dùng thực hành nhằm hỗ trợ tối đa thầy, cô tham gia hội giảng”.
Hội giảng được tổ chức định kỳ 3 năm/lần, là một trong những hoạt động chuyên môn thiết thực góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, vừa là dịp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tổ chức đào tạo nghề.
Những kinh nghiệm quý báu và phương pháp giảng dạy sáng tạo cả lý thuyết và thực hành tại hội giảng sẽ được nhân rộng trong công tác giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.