Đảng ta trong giai đoạn hiện nay, với nền tảng lý luận đúng đắn, khoa học và niềm tin ngày càng được củng cố từ Nhân dân, đã thường xuyên trăn trở đổi mới phương thức lãnh đạo, đồng thời không khoan nhượng trước các thói hư, tật xấu trong Đảng, trong xã hội.
Sứ mệnh của “ngọn đèn pha”
Trong hành trình 93 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sự trưởng thành vững mạnh của Đảng luôn gắn liền với công tác “thanh lọc” đảng viên. Vì sự nghiệp của cách mạng, Đảng ta cương quyết loại trừ những đảng viên suy thoái, biến chất.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay trong Điều lệ vắn tắt của Đảng thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng ngày 3/2/1930, đã ghi rõ mục “Kỷ luật” (mục V). Mục này quy định: “Trách nhiệm của các đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của Đảng”. Trường hợp không chấp hành những nghị quyết của Đảng, hoặc phạm những điều mà Đảng cho là sai lầm thì: “do đảng bộ mình lấy quy luật mà xử phạt chỉ trích, giải tán ủy viên, giải tán cả đảng bộ, tạm thời không cho làm việc trọng yếu của Đảng, khai trừ tạm thời hoặc vĩnh viễn”.
Tiếp đó, trước sự lớn mạnh của tổ chức Đảng và yêu cầu nhiệm vụ thời kháng chiến, BTV Trung ương Đảng đã ban hành Quyết nghị số 29/QN/TW, ngày 16/10/1948 về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan Kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Đến nay, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ngày càng được quan tâm, củng cố với nhiều giải pháp đồng bộ cả về lý luận và nghiệp vụ.
Với dũng khí của một đảng chân chính, cách mạng, công tác kiểm tra của Đảng đã luôn khẳng định được vai trò là “ngọn đèn pha” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá trong “Sửa đổi lối làm việc” (1947). Vụ án Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu bị tử hình (năm 1950) vì phạm tội tham nhũng là minh chứng rất rõ về giữ vững kỷ cương bất luận thời kỳ nào, đối mặt với gian khó ra sao.
Ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Tòa án Binh Tối cao đã tuyên án Trần Dụ Châu tử hình về tội tham nhũng (Ảnh Vietnamnet).
Ngày nay, trong bối cảnh mới, Trung ương khẳng định “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để bảo vệ Đảng, vì sự tồn vong của chế độ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói rõ quan điểm này tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội) ngày 23/6/2022: Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm là bài học răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo để những người khác không vi phạm. “Chứ không phải thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy cắt một vài cành sâu, mọt để cứu cả cây”.
Riêng năm 2022, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước).
Sáng 12/1/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).
Với quyết tâm xây dựng Đảng “trong sạch, vững mạnh”, Đảng ta luôn coi trọng “thanh bảo kiếm để chữa lành vết thương”. Dẫu biết kỷ luật cán bộ, đảng viên là việc đau xót và thường xuyên bị các lực lượng thù địch bóp méo sự thật để nói xấu Đảng, nói xấu chế độ, nhưng một Đảng chân chính, vì Nhân dân, luôn tự sửa mình thì Đảng đó không sợ bất cứ luận điệu xuyên tạc nào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo
Trong điều kiện một đảng cầm quyền, việc thực thi nghiêm ngặt các nguyên tắc trong Đảng và nỗ lực đổi mới có ý nghĩa quyết định lãnh đạo sự nghiệp cách mạng thắng lợi. Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện bước phát triển quan trọng về đổi mới tư duy lý luận, nhấn mạnh phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo trong điều kiện mới.
Toàn cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa X, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).
Trong nghị quyết quan trọng này, Trung ương tiếp tục đề cao nội dung “đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ”. Đảng ta xác định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó, yếu tố con người là quyết định, công tác cán bộ là then chốt của then chốt.
Do vậy, cùng với các giải pháp hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, vận hành thông suốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, các giải pháp về chính sách đối với cán bộ, Trung ương nêu rõ: “Kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện”có vào, có ra, có lên, có xuống“trong công tác cán bộ”; “thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở giúp cán bộ nhận diện nguy cơ, không mắc sai lầm, kịp thời khắc phục khuyết điểm”.
Sáng 9/1/2023, Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII và một số quy định, chỉ thị, kết luận của Trung ương.
Trung ương tiếp tục đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực chất, đây là đòi hỏi tất yếu. Bởi, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Một đảng như vậy thì đảng viên phải luôn gương mẫu, đi đầu để quần chúng noi theo.
Từ trong gian khó của đấu tranh cách mạng, tinh thần, nhuệ khí của người cộng sản không hề lung lạc dù đối mặt với họng súng, lưỡi lê của kẻ thù. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên càng phải trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng, không ngừng nỗ lực đóng góp để Đảng ngày càng vững mạnh, đất nước càng phát triển.
Ngày sinh nhật của Đảng đã tới gần, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải có trách nhiệm nhớ lại những tình thế cam go của lịch sử dân tộc, nhất là nhiều thời điểm quan hệ quốc tế phát sinh mâu thuẫn buộc chúng ta phải đưa ra lựa chọn rất ngặt nghèo, những thành tựu vẻ vang của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng suốt 93 năm qua. Hãy nhớ lấy để nhắc nhở lòng biết ơn, đồng thời soi vào nhận thức, hành động để “ngọn đèn pha” trong trái tim mình luôn sáng tỏ, luôn đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và chỉnh đốn Đảng vì sự phồn vinh của đất nước.