Đường đến Sài Gòn 30 tháng Tư

(Baohatinh.vn) - Khi cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập bị húc đổ bởi những chiếc xe tăng của quân giải phóng vào trưa ngày 30 tháng tư cũng là lúc lịch sử đất nước mở ra trang mới hào hùng...

Kết thúc một chặng đường qua bao gian khó, hy sinh, qua bao địa hình hiểm trở, qua bao cuộc chiến tàn khốc, qua bao khúc ngoặt của chiến trường để đến ngày toàn thắng về ta đúng như lời tiên đoán của Bác Hồ kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

duong den sai gon 30 thang tu

Quân giải phóng đã đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Ảnh: Getty

Giờ đây, trong khuôn viên của Dinh Độc Lập năm xưa, chiếc xe tăng vẫn nằm đó như một chiến tích oai hùng, nhắc nhớ các thế hệ về một thời oanh liệt. Cỏ đã lên xanh, len lỏi vào từng bánh xích. Những khách du lịch đến đây chụp ảnh kỷ niệm khi cuộc chiến đã lùi xa, nhưng âm vang của ngày 30 tháng Tư vẫn còn vọng lại. Rặng me Sài Gòn mướt nắng tháng tư, tiếng ve vẫn úp mặt vào cây như dàn nhạc mùa hè. Trời Sài Gòn chợt mưa, chợt nắng. Mưa như mưa đền cây, nắng như rút ruột mà xanh để cây như vặn mình mà biếc (ý thơ của Thi Hoàng).

Đại lộ 30 tháng Tư mở ra bát ngát chân trời. Thành phố mang tên Bác từng ngày đổi thay với bao công trình mới, với những gương mặt người rạng rỡ, với những thế hệ tương lai cùng tuổi với ngày giải phóng Sài Gòn. Chúng ta làm sao quên được những con đường đến Sài Gòn ngày 30 tháng Tư. Con đường ấy có thể bắt đầu từ những xóm làng xa xôi của hậu phương lớn miền Bắc. Nơi những bà mẹ giấu tờ tin báo tử của chồng, lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong để tiễn đưa con trai lên đường. Khi mà những sư đoàn từ đó ra đi: “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn – Mừng thì mừng, thương mẹ biết bao nhiêu” như nhà thơ Hữu Thỉnh - một người lính xe tăng đã từng viết. Đường đến Sài Gòn 30 tháng tư có thể bắt đầu từ ngổn ngang kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long với những thuyền ba lá, những chiếc khăn rằn đặc trưng của Nam Bộ, hợp sức hiệp đồng với 5 cánh quân vào giải phóng Sài Gòn như 5 cánh sao của ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ tươi – Quốc kỳ.

Đường đến Sài Gòn 30 tháng Tư bắt đầu từ sự rung chuyển: “Chặt Buôn Mê Thuột, rụng cả Tây nguyên/ Quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng…”. Với khí thế “Thần tốc, thần tốc hơn nữa/ Táo bạo, táo bạo hơn nữa”. Chắc khi ký bản mệnh lệnh truyền lệnh quan trọng này, anh Văn – Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại nhớ tới trận Điện Biên Phủ năm nào với phương châm: “Đánh chắc, thắng chắc” thì nay “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Lịch sử có những bước đi, những cung bậc bất ngờ như thế. Những chiếc xe tăng mà cành ngụy trang rung gió cả ba miền đã hội tụ về đây tạo thành quả đấm thép sức mạnh vô biên, phá vỡ phòng tuyến của giặc. Vẫn những vành mũ tai bèo lá sen, vẫn mang trên vai chiếc tăng, cánh võng chung chiêng hai đầu đất nước, vẫn đôi dép lốp cao su quen thuộc, những người lính từ cánh rừng Trường Sơn đổ xuống, từ đồng bằng phía biển tràn lên. Ta lại nhớ những ngày xe đạp thồ đi chiến dịch Điện Biên, kéo pháo bằng tay “Hò dô ta nào”. . .

Đường đến Sài Gòn 30 tháng Tư là con đường mà dân tộc ta đã đi qua từ những cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung đại phá quân Thanh, của những cuộc hành binh gian khổ “nếm mật, nằm gai” của Lê Lợi chiến thắng giặc Minh. Đó là Con – Đường – Sáng qua bao bóng đêm để đến với rạng rỡ bình minh, khi mà: “Ôi bữa trưa nay tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi tin chiến thắng về ta - chúng con đến xanh ngời ánh thép/ Thành phố mang tên Người rực rỡ cờ hoa”. (Tố Hữu)

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Gió vẫn thổi. Trái dầu vẫn rơi từ thinh không, xoay tròn hai cánh chạm đất. Trái dầu có hai cánh nhưng gắn liền cùng một bầu. Hồi đó, trận đánh cuối trước giờ giải phóng cũng là mùa dầu bay ngợp trời đất này.
Tự do hay thiếu văn hóa?

Tự do hay thiếu văn hóa?

Những hành động xúc phạm Vua Hùng hay đùa cợt với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trên mạng xã hội là những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, vô ơn, cần bị lên án và tẩy chay.
Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Và tôi, mỗi năm, lại lớn thêm một chút, lại nhớ thêm một phần - như thể cả ký ức của tôi đều nở mùa hoa xoan cũ…
Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.