Em bé chào đời khỏe mạnh từ tử cung người chết. (Ảnh: AP)
Sự kiện này vừa được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet. Đây cũng là ca sinh thành công đầu tiên trên thế giới nhờ sử dụng tử cung từ người đã mất.
Để hoàn thành ca cấy ghép nội tạng, các bác sĩ đã phải nối các tĩnh mạch từ tử cung được hiến tặng với các tĩnh mạch của người nhận, tương tự là các động mạch, dây chằng và các ống âm đạo.
Em bé chào đời khỏe mạnh sau khi 10 ca cấy ghép tử cung từ những những người hiến tặng đã chết được thực hiện trước đó ở Mỹ, Cộng hòa Séc và Thổ Nhĩ Kỳ gặp thất bại.
Em bé trong vòng tay các bác sĩ Bệnh viện Đại học Sao Paulo ở Brazil. (Ảnh: Reuters)
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet, bé gái nói trên chào đời bằng phương pháp sinh mổ với cân nặng 2,55 kg, lúc bé được 35 tuần 3 ngày tuổi.
Dani Ejzenberg, một bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Sao Paulo ở Brazil, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết việc cấy ghép được thực hiện vào tháng 9/2016 khi người nhận tử cung 32 tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy kỹ thuật này là khả thi và có thể mang đến hy vọng cho những phụ nữ vô sinh.
Bác sĩ Ejzenberg cho biết: “Số người sẵn lòng và cam kết hiến tặng nội tạng sau khi mất lớn hơn nhiều so với những người hiến tặng trực tiếp”. Do vậy, việc nghiên cứu này đạt được thành công đã mang lại nhiều hy vọng hơn cho những người phụ nữ vô sinh mong muốn được làm mẹ.
Tuy nhiên, bà Ejzenberg nói thêm rằng các kết quả và tác động của việc sinh con từ tử cung người hiến tặng còn sống và đã chết vẫn chưa được so sánh. Đồng thời kỹ thuật cấy ghép vẫn có thể còn được tinh chỉnh thêm để tối ưu hóa.
Trường hợp em bé đầu tiên được sinh ra từ tử cung được cấy ghép của những người hiến tặng còn sống là vào năm 2013 ở Thụy Điển. Các nhà khoa học cho đến nay đã báo cáo tổng cộng 39 ca cấy ghép kiểu này, với 11 đứa trẻ được sinh hạ thành công.
Các chuyên gia ước tính rằng khoảng 10-15% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản trên toàn thế giới phải đối mặt với vấn đề hiếm muộn. Trong nhóm này, cứ 1/500 phụ nữ vô sinh do mắc các vấn đề về tử cung.
Trong trường hợp người phụ nữ Brazil nói trên, cô sinh ra không có tử cung do mắc hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser (MRKH). Còn người phụ nữ hiến tặng tử cung qua đời năm 45 tuổi do đột quỵ.
5 tháng sau khi các bác sĩ tiến hành cấy ghép, tử cung mới của người phụ nữ Brazil không có dấu hiệu bị đào thải khỏi cơ thể, kết quả siêu âm bình thường, và người nhận đã có kinh nguyệt đều đặn. Người mẹ mang thai sau đó 7 tháng 10 ngày nhờ thụ tinh ống nghiệm. Khi bác sĩ mổ lấy thai, họ cũng lấy đi luôn tử cung được cấy ghép. Khi bé gái được 7 tháng 20 ngày tuổi, em vẫn tiếp tục được mẹ cho bú và đã đạt cân nặng 7,2 kg.