Drake được mệnh danh là eo biển đáng sợ nhất thế giới. Ảnh: CNN
Trên quãng đường dài khoảng 1000 km, có chỗ sâu đến 6 km cùng với một số điều kiện khắc nghiệt nhất trên hành tinh, chuyến hành trình vượt eo biển Drake khiến cả thủy thủ và du khách phải “khiếp sợ”, theo kênh CNN mới đây.
Là một vùng biển nằm giữa Nam Mỹ và Nam Cực, đây là một trong những nơi nguy hiểm nhất đối với thủy thủ và tàu thuyền vì có dòng chảy mạnh không gặp bất kỳ lực cản nào từ đất liền. Do đó, Drake là vùng biển gây ra nỗi sợ hãi nhưng cũng truyền cảm hứng cho các thủy thủ và du khách ưa mạo hiểm.
“Đây là nơi đáng sợ nhất của đại dương trên thế giới", Alfred Lansing viết về chuyến hành trình năm 1916 của nhà thám hiểm Ernest Shackleton băng qua eo biển Drake nối mũi phía nam của Nam Mỹ với điểm cực bắc của bán đảo Nam Cực trên một chiếc thuyền nhỏ.
Từng là nơi chỉ có các nhà thám hiểm và thủy thủ có kinh nghiệm qua lại, eo biển Drake ngày nay là thách thức lớn với số lượng du khách ngày càng tăng muốn đến Nam Cực. Họ sẽ phải mất tới 48 tiếng để vượt qua “vùng biển động” và có thể tự hào khi vượt qua “sự rung lắc của eo biển Drake” vốn là một phần sức hấp dẫn để đến “Lục địa trắng”.
Đối với các nhà hải dương học, Drake là một nơi hấp dẫn vì bên dưới có nhiều tảng đá ngầm và dòng nước lớn lách qua eo biển hẹp khiến sóng đập vào những tảng đá dưới nước. Những cơn sóng ngầm này tạo ra các dòng xoáy đưa nước lạnh từ dưới biển sâu lên trên. Quá trình này rất quan trọng với khí hậu Trái Đất. Trong khi đối với các thuyền trưởng, đó là một thách thức thúc đẩy mong muốn vượt qua.
Những thách thức từ eo biển Drake đến từ nhiều yếu tố: Thứ nhất là những cơn gió lớn. Do nằm gần Nam Cực nên eo biển Drake là nơi tập hợp của những cơn lốc xoáy cực mạnh và lạnh, với vận tốc đạt 10m/giây, nhiệt độ dao động từ -3 độ C tới 5 độ C. Nhà hải dương học Alexander Brearley thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh cho biết: Đây là nơi duy nhất trên thế giới những cơn gió không bị đất liền cản lại để khiến chúng bị suy yếu".
Ngoài gió, eo biển Drake có dòng hải lưu chảy xiết với lưu lượng lên tới 150 triệu m3 nước mỗi giây (gấp 600 lần lưu lượng nước trên sông Amazon, kết hợp cùng cơn gió lạnh "cắt thịt" và các tảng băng trôi ở những khu vực gần Nam Cực, tất cả đã biến nơi này thành "eo biển tử thần", là một trong những vùng biển nguy hiểm nhất của đại dương trên trái đất.
"Nam Đại Dương nhìn chung có nhiều cơn bão, nhưng ở Drake, dòng hải lưu thực sự bị ép giữa Nam Cực và Nam bán cầu. Điều đó khiến bão trở nên mạnh hơn khi chúng quét qua“, chuyên gia Brearley giải thích và gọi đây là”hiệu ứng phễu".
Năm 2010, tàu du lịch Clelia II đã phải phát tín hiệu khẩn cấp sau khi hỏng động cơ ở eo biển Drake. Ảnh: CNN
Thuyền trưởng Stanislas Devorsine, một trong ba thuyền trưởng của tàu Le Commandant Charcot thuộc công ty du lịch mạo hiểm Ponant, cho biết việc điều hướng tàu để vượt qua ep biển Drake là một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp đòi hỏi sự tỉnh táo.
“Bạn phải tập trung, tỉnh táo, nhạy cảm với con tàu và thời tiết. Bạn cần xác định rằng đó là nhiệm vụ nguy hiểm và rằng đó không bao giờ là công việc đơn giản", ông Devorsine lưu ý.
20 năm trước, thuyền trưởng Devorsine đã lái một con tàu phá băng chở các nhà khoa học vượt qua eo biển Drake đến Nam Cực để nghiên cứu. Ông chia sẻ: “Chúng tôi đã vượt qua những vùng biển rất động – có những cột sóng cao hơn 20m. Gió rất to và dữ dội. Chúng tôi phải căn cứ cả vào tình hình thời tiết để điều hướng con tàu”.
Theo ông Devorsine, vấn đề dự báo thời tiết đã được cải thiện trong hai thập kỷ kể từ chuyến đi trên và ngày nay nhiều công ty đang bắt đầu lên kế hoạch cho các chuyến hải trình của hành khách qua eo biển Drake đến Nam Mỹ từ khắp nơi trên thế giới.
Ông Devorsine nhấn mạnh rằng một số du khách bị thu hút bởi chuyến đi đến Nam Cực vì hành trình khó khăn: “Tôi đoán [họ] bị thu hút bởi eo biển này [của Nam Đại Dương] bởi vì nó hoang dã, có thể thách thức và đó là một trải nghiệm độc đáo khi đến đó”. Tuy nhiên, vào năm 2010, tàu du lịch Clelia II đã phải phát tín hiệu khẩn cấp sau khi hỏng động cơ ở eo biển Drake.