Sau 4 thập kỷ tổ chức, giải đấu này đã giới thiệu cho NHM vô vàn ngôi sao trẻ mà sau này đều vươn lên thành huyền thoại, từ Bebeto, Dunga cho đến Boban, Suker, từ Figo, Maradona cho đến Aguero, Messi...
HÀNH TRÌNH KHAI SINH U20 WORLD CUP CỦA HAVELANGE
Phát hiện ra chỗ thú vị nhất trong nguyên tắc dân chủ “mỗi nước một phiếu”, mà lại là phiếu kín, khi FIFA bầu bán, Joao Havelange âm thầm vận động. Ông không đi khắp thế giới như báo chí sau này tô vẽ. Ông chỉ cần đến... 86 nước hẻo lánh, đang phát triển, hoặc có quan điểm chưa rõ ràng về bóng đá, trong giai đoạn 1971-1973. Ưu tiên một là các nơi chẳng những không dám mơ dự World Cup mà còn không đủ điều kiện để xem World Cup qua truyền hình.
Một lời hứa sẽ tăng thêm suất đại diện châu Phi dự VCK World Cup là đủ giúp Havelange nắm chắc 37 trong 122 phiếu bầu chủ tịch FIFA. Còn châu Á, Bắc - Trung Mỹ và Caribbean, hoặc bao nhiêu hòn đảo bé tí thuộc châu Đại dương nữa. Lá phiếu từ bất kỳ nước nào ở những nơi ấy đều có sức nặng tương đương lá phiếu của các cường quốc bóng đá châu Âu. Nam Mỹ thì coi như “sân nhà” rồi. Nơi nào chưa hoặc không có tham vọng dự World Cup, Havelange hứa sẽ cho tiền xây dựng sân bãi, phát triển bóng đá...
Chủ tịch FIFA khi ấy là ông Stanley Rous thì không biết, mà cũng... chẳng cần làm gì. Ông ta trước tiên phải là thần dân của nước Anh, phải duy trì lý lẽ và quan điểm của nước Anh, kể cả chủ nghĩa Aparthei. Như một lẽ đương nhiên, “triều đại Stanley Rous” phải chấm dứt sau 13 năm - con số mà người phương Tây kiêng kỵ. Thắng Rous trong cuộc bầu cử năm 1974, Joao Havelange trở thành chủ tịch thứ 7 trong lịch sử FIFA. Đấy sẽ là chủ tịch nổi tiếng nhất, quyền lực nhất, và tất nhiên cũng mang điều tiếng nhiều nhất trong thế giới bóng đá xưa nay.
Havelange lấy đâu ra tiền để thực hiện lới hứa với các nước nghèo trong lúc vận động? Đã có Horst Dassler và Patrick Nally lo liệu mọi chuyện. Người đầu là chủ hãng sản xuất dụng cụ thể thao Adidas lừng danh, người sau chính là cha đẻ của ngành tiếp thị thể thao trên thế giới. Cùng với Havelange, họ hình thành một bộ ba thống trị và làm thay đổi hoàn toàn thế giới bóng đá. Tiền tài trợ từ các tập đoàn khổng lồ như Adidas, Coca-Cola, Fuji Film, Gillette, Canon, MasterCard, JVC, Seiko... nhiều đến nỗi việc của FIFA - một tổ chức phi lợi nhuận - bây giờ chỉ là làm sao để tiêu cho hết. Việc đầu tiên cần làm ngay: khai sinh giải Vô địch bóng đá thanh niên thế giới vào năm 1977 (sau này chính thức gọi là giải FIFA U20 World Cup từ năm 2007).
U20 World Cup, và giải U17 World Cup sau đó (xuất hiện từ năm 1985) ra đời trước tiên là để Havelange giải quyết hai điều cực kỳ quan trọng: có chỗ cho các công ty lớn đổ tiền tài trợ vào FIFA, và tạo sân chơi cho các nền bóng đá nhỏ vốn chưa đủ sức chinh phục World Cup. Tiền tài trợ, bằng cách nào đấy, rồi cũng sẽ được chia chác sao cho cả thế giới bóng đá đều có phần. Sự hoan nghênh mà các nước nhỏ dành cho hai giải trẻ thì đâu cần bàn nữa. Thế là “vương triều Havelange” trường tồn từ đó.
NƠI RA MẮT VÔ VÀN TINH TÚ
Hấp dẫn ở chỗ, có lẽ chính FIFA cũng không ngờ được rằng giải U20 của họ lại gây tiếng vang về mặt chuyên môn, như những gì đã diễn ra trên thực tế. Ngay giải lần thứ 2 (1979), thế giới đã ngưỡng mộ một cặp bài trùng đặc sắc nơi hàng công U20 Argentina, tên là Ramon Diaz và Diego Maradona.
Vô địch các kỳ U20 World Cup 1983 và 1985, Bebeto, Jorginho, Dunga, Muller, Taffarel sau đó đều trở thành ngôi sao của ĐT Brazil vô địch World Cup 1994. Liền sau đó là cả một chùm sao trẻ của đội Nam Tư, sau này nức tiếng thế giới như Robert Jarni, Igor Stimac, Zvonimir Boban, Robert Prosinecki, Davor Suker, Predag Mijatovic. Rồi lại đến “thế hệ vàng” của bóng đá Bồ Đào Nha: Luis Figo, Rui Costa, Paulo Sousa, Fernando Couto, Joao Pinto, Abel Xavier... Cứ thế, cho đến lứa ngôi sao gần đây nhất của bóng đá Argentina là Lionel Messi, Sergio Aguero, Angel di Maria, Ever Banega, Pablo Zabaleta, Ezequiel Garay. Họ đều đã tỏa sáng ở đấu trường U20 rồi tiến lên những sân khấu lớn nhất của bóng đá đỉnh cao.
Giới tuyển trạch khắp nơi buộc phải xem kỹ giải U20 World Cup là vì vậy. Đội bóng hoặc cầu thủ nào càng ít được biết đến, họ càng phải xem kỹ nếu không muốn “thấy vàng lại để mất vàng” trên thị trường chuyển nhượng.
Những điều thú vị quanh U20 World Cup Argentina đang giữ kỷ lục 6 lần vô địch U20 World Cup, tiếp theo là Brazil (5 lần). Trong 20 lần giải đã qua, các đại diện Nam Mỹ đoạt cúp 11 lần, châu Âu 8 lần, châu Phi 1 lần. Có 694 cầu thủ từng dự VCK World Cup sau khi đã dự giải U20 World Cup. Trong số đó, có 32 cầu thủ đã trở thành nhà vô địch World Cup. Chỉ trong 4 ngày (22 đến 25/6/1997), đã xuất hiện 3 kỷ lục liên tiếp về việc ghi bàn trên đấu trường U20 World Cup. Trận đấu có nhiều bàn nhất: Brazil thắng Hàn Quốc 10-3. Riêng Adailton (Brazil) là cầu thủ duy nhất xưa nay ghi đến 6 bàn chỉ trong 1 trận. 3 ngay sau, xuất hiện tỷ số đậm nhất lịch sử: Brazil thắng Bỉ 10-0. Monday Odiaka (Nigeria) là cầu thủ ghi bàn sớm nhất trong lịch sử U20 World Cup (giây thứ 14 trong trận gặp Canada năm 1985). Đúng 1/4 thế kỷ sau khi dự giải U20 World Cup 1991, cầu thủ Jason Byrne (Ireland) vẫn... đang thi đấu ở giải VĐQG Ireland. Byrne (anh em họ với ngôi sao Robbie Keane) là cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử giải này. Vào năm 1991, anh mới... 13 tuổi, 3 tháng. ĐKVĐ Serbia không có mặt tại giải U20 World Cup năm nay. Đây là lần thứ 5 liên tiếp một đội ĐKVĐ không vượt qua được vòng loại. Trước đó là Pháp (2015), Brazil (2013), Ghana (2011), Argentina (2009). Việt Nam và Vanuatu sẽ là các đội thứ 88 và 89 xuất hiện ở VCK giải U20 World Cup. Con số cuối cùng còn có thể tăng lên do Nam Mỹ, CONCACAF và châu Phi vẫn chưa xác định các đội đại diện tại U20 World Cup năm nay. |