Gần 700 ngôi mộ nằm trong khu dân cư ở huyện Kỳ Anh được quy tập về nghĩa trang

(Baohatinh.vn) - Gần 700 ngôi mộ nằm rải rác trong khu dân cư ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã được quy tập về nghĩa trang là bước khởi động mạnh mẽ của cuộc vận động do Ủy ban MTTQ huyện phát động từ tháng 3/2020.

Tại xã Kỳ Bắc, sau gần 2 tháng ra quân, 89 ngôi mộ vô chủ trong vườn hộ, đồng ruộng, nơi hoạt động cộng đồng đã được quy tập về khu nghĩa trang ở cồn Đá Bằng, thôn Kim Sơn.

Những ngôi mộ vừa quy tập được ốp đá, bố trí theo hàng, lối, có đánh số, lưu bản đồ một cách chi tiết để thuận lợi cho việc hương khói và phục vụ người thân tìm kiếm sau này.

Gần 700 ngôi mộ nằm trong khu dân cư ở huyện Kỳ Anh được quy tập về nghĩa trang

89 ngôi mộ vô chủ đã được quy tập về nghĩa trang ở cồn Đá Bằng, xã Kỳ Bắc

Phó Chủ tịch UBND xã Phan Chí Nguyện - Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động quy tập các ngôi mộ nằm rải rác về nghĩa trang của địa phương cho biết: “Ban đầu chúng tôi định xây mộ bằng xi măng nhưng cân nhắc về lâu dài, để công việc tâm linh được trọn vẹn, xã quyết định làm mộ đá và đã tìm đầu mối cung ứng ở Cẩm Xuyên với giá thấp nhất (800 ngàn/ngôi mộ) để triển khai xây dựng.

Gần 700 ngôi mộ nằm trong khu dân cư ở huyện Kỳ Anh được quy tập về nghĩa trang

Các ngôi mộ được đầu tư ốp đá, bố trí thành hàng, lối, có đánh số, lưu bản đồ một cách chi tiết

Quá trình thực hiện, các tổ chức, đoàn thể từ xã đến thôn xóm cùng vào cuộc giúp gia đình có mộ vô chủ nằm trong vườn hoặc trên đất ruộng thực hiện các thủ tục và tiến hành cất bốc. Ông Nguyễn Văn Ly ở thôn Lạc Tiến cho biết, gia đình ông sống ở đây từ năm 1997, đất vườn khi mua có 9 ngôi mộ không có chủ. Khi làm nhà, ông đã cất bốc được 2 ngôi, còn lại 7 ngôi mộ dù muốn nhưng chưa thực hiện được.

Lần này xã có chủ trương di dời, lại được hỗ trợ tối đa về nhân lực, thủ tục, chỉ trong 1 buổi, gia đình ông đã hoàn thành việc cất bốc toàn bộ mộ vô chủ đến khu nghĩa trang mới một cách chu đáo.

Gần 700 ngôi mộ nằm trong khu dân cư ở huyện Kỳ Anh được quy tập về nghĩa trang

Ông Ly (xã Kỳ Bắc) chỉ vị trí một trong những ngôi mộ vừa được cất bốc trong vườn nhà.

“Các ngôi mộ được di dời chu đáo về nghĩa trang, lại được ốp đá khang trang, sạch sẽ nên về mặt tâm linh, tinh thần, gia đình tôi cảm thấy rất yên tâm”, ông Ly chia sẻ.

Tại xã Kỳ Thọ, dù ra quân muộn hơn nhưng với việc huy động toàn dân, làm đồng loạt trong các thôn, từ ngày 16/8 đến nay, xã có 3/5 thôn thực hiện cất bốc di dời 202/283 ngôi mộ vô chủ về nghĩa trang quy hoạch, trong đó có 2 thôn đã hoàn thành 100% kế hoạch.

Gần 700 ngôi mộ nằm trong khu dân cư ở huyện Kỳ Anh được quy tập về nghĩa trang

Xã Kỳ Thọ huy động tổng lực toàn dân cùng tham gia thực hiện việc cất bốc, di dời các ngôi mộ.

Bí thư Đảng ủy xã Dương Đình Hới cho biết, quy tập mộ vô chủ là chủ trương thiết thực nên đã huy động được cả hệ thống chính trị và Nhân dân vào cuộc làm quyết liệt, nhờ đó tiến độ công việc rất nhanh.

Hiện xã đang cùng 2 thôn còn lại thống nhất địa điểm tập kết mộ để tập trung triển khai việc cất bốc, di dời.

Xã Kỳ Xuân cũng đã hoàn thành việc quy tập 113 ngôi mộ có chủ nằm trong các khu dân cư, cánh đồng về các nghĩa trang tập trung.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Dương Thị Thanh Xuân cho biết: "Xã đang tập trung triển khai việc vận động, hỗ trợ di dời 164 ngôi mộ vô chủ với quan điểm nơi dễ làm trước, khó làm sau, xã hội hóa nguồn lực và huy động lực lượng các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc”.

Gần 700 ngôi mộ nằm trong khu dân cư ở huyện Kỳ Anh được quy tập về nghĩa trang

Theo thống kê ở thời điểm triển khai cuộc vận động, toàn huyện Kỳ Anh có 6.266 ngôi mộ rải rác trên địa bàn, trong số đó, 3.812 ngôi mộ có chủ và 2.454 ngôi mộ vô chủ. Để di dời hết số mộ còn lại, huyện Kỳ Anh vẫn còn nhiều việc phải làm.

Cuộc vận động “Quy tập các ngôi mộ hiện nay đang nằm rải rác trên các đồng ruộng, khu dân cư, nơi hoạt động cộng đồng về nghĩa trang của địa phương” được Ủy ban MTTQ huyện chủ trì phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và các tổ chức chính trị xã hội, Hội Người cao tuổi huyện tổ chức phát động từ cuối tháng 3/2020.

UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ 500 ngàn đồng/1 ngôi mộ; UBND các xã hỗ trợ các loại vật tư mai táng; các thôn huy động nguồn xã hội hóa từ người dân để chỉnh trang, hoàn thiện thêm các khu nghĩa trang tập trung.

Đến ngày 20/8, các địa phương trong toàn huyện đã di dời cất bốc được 697 ngôi mộ về các nghĩa trang tập trung.

Với sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Huyện ủy, kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Quy tập các ngôi mộ hiện nay đang nằm rải rác trên các đồng ruộng, khu dân cư, nơi hoạt động cộng đồng tập trung về nghĩa trang của địa phương” dược các địa phương xây dựng và triển khai một cách bài bản.

Huyện phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thành việc quy tập các ngôi mộ vô chủ; đến năm 2024 hoàn thành việc quy tập các ngôi mộ có chủ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Anh Lê Mã Lương

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Làm gì để tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

Do đâu tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở nhiều địa phương giảm?

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế được coi là một trong những nội dung quan trọng để đánh giá sự phát triển của KT-XH ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở nhiều địa phương giảm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác an sinh xã hội cũng như các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Để mục tiêu hoàn thành 2.343 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng trước ngày 19/5/2025, các địa phương trong toàn tỉnh đang đứng trước khối lượng công việc lớn. Trên chặng nước rút, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh cùng hướng về cơ sở với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; mỗi thành viên ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp phải thấm nhuần nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm”.
Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm trong làm nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2021-2025, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đã sớm vào cuộc, chủ động triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Với sự khẩn trương, chủ động triển khai kế hoạch và huy động các nguồn lực, Hà Tĩnh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình trước ngày 19/5/2025 (trước mốc thời gian chung của cả nước hơn 6 tháng).