Thời tiết chuyển lạnh, ông V lại phải đến Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh để điều trị bệnh COPD.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 90% bệnh nhân mắc COPD do nguyên nhân từ hút thuốc lá. Người mắc bệnh này dễ dẫn đến nguy cơ tàn phế, tử vong cao nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng. COPD cũng là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.
Năm nay 74 tuổi nhưng ông T.Y.V (xã Thạch Long, Thạch Hà) đã có “thâm niên” thuốc lá, thuốc lào từ năm 15 tuổi. Đến năm 60 tuổi, khi sức khỏe giảm sút, ông V mới có suy nghĩ bỏ thuốc. Gần 5 năm trở lại nay, mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, ông V lại phải đến Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh để điều trị bệnh COPD.
Ông T.Y.V cho biết: “Thời gian dài nghiện thuốc lá khiến tôi thường xuyên bị ho, khó thở, khi đi khám thì mới biết bị mắc bệnh COPD. Gần 5 năm nay, tôi phải thường xuyên đến bệnh viện để điều trị. Nhờ sự giúp đỡ của các bác sỹ nên hiện tại sức khỏe của tôi đã tốt hơn”.
Ông P.M.C rất hối hận khi đã hút thuốc lá quá nhiều.
Có gần 10 năm “gắn bó” với nhiều bệnh viện trong cả nước để điều trị bệnh COPD, ông P.M.C (SN 1960, xã Hòa Hải, Hương Khê) rất hối hận khi thời trẻ hút thuốc lá quá nhiều, để giờ đây, ông phải sống chung với tình trạng khó thở do bệnh COPD gây ra.
“Cứ hễ trời trở lạnh tôi lại khó thở, vào bệnh viện mới thấy nhiều bệnh nhân cũng như tôi nên rất ám ảnh. Tôi chỉ muốn khuyên mọi người hãy bỏ thuốc lá để không phải hối hận như tôi...”, ông P.M.C chia sẻ.
Phim chụp X - quang của bệnh nhân mắc bệnh COPD.
Trường hợp của ông T.Y.V hay ông P.M.C chỉ là một trong rất nhiều các ca bệnh được các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh chuẩn đoán bị COPD có nguyên nhân chính do thuốc lá gây ra.
Tại Hà Tĩnh, hiện nay chưa có thống kê đầy đủ về số bệnh nhân mắc bệnh COPD nhưng theo số liệu tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, từ tháng 1/2019 đến nay đã có gần 600 bệnh nhân đến lập hồ sơ khám, quản lý, điều trị ngoại trú bệnh COPD. Hiện tại, bệnh viện đang quản lý hơn 120 bệnh nhân điều trị COPD.
Tại Việt Nam, khoảng 4,2% dân số trên 40 tuổi mắc bệnh COPD và 37,5% người bệnh trưởng thành được ghi nhận có triệu chứng nghiêm trọng. Hội Hô hấp Việt Nam cho biết, COPD gây ra hơn 25.000 ca tử vong mỗi năm, nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông. Theo số liệu điều tra quốc gia về tỷ lệ mắc bệnh COPD, ở Việt Nam tỷ lệ dân số mắc phải căn bệnh này ngày càng gia tăng, do nhiều yếu tố, nguy cơ như tiếp xúc với các yếu tố độc hại mà đứng đầu là hút thuốc lá.
Khoảng 90% bệnh nhân mắc COPD do nguyên nhân từ hút thuốc lá. (Ảnh minh họa từ Internet)
Theo bác sỹ Nguyễn Đức Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh: Bệnh COPD là tình trạng viêm mạn tính đường thở do tiếp xúc các yếu tố độc hại từ ngoài môi trường, đứng đầu là thuốc lá, khói bụi, ô nhiễm môi trường. Trong đó, thuốc lá là “thủ phạm” hàng đầu gây nên bệnh COPD. Khói thuốc lá chứa các chất độc hại có ảnh hưởng đến chức năng phổi, khi độc tố được hít trực tiếp vào phổi trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến kích thích phổi nghiêm trọng, gây ra sự khởi đầu của tắc nghẽn phổi mãn tính. Việc tiếp xúc với khói thuốc lá vẫn tiếp tục và lâu dài, phổi ngày càng bị tổn thương, dẫn đến tình trạng viêm và suy thoái. Tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, cứ 10 người hút thuốc lá thì có 3 - 4 người bị COPD. Người hút thuốc lá nhiều trong thời gian dài thì khả năng tiến triển đến bệnh COPD càng cao.
“Cai thuốc lá là việc quan trọng nhất mà người bệnh cần làm để có thể chung sống tốt hơn với bệnh COPD. Nếu người hút thuốc lá mắc bệnh này mà vẫn hút thuốc thì các biện pháp điều trị sẽ không phát huy tác dụng”, bác sỹ Nguyễn Đức Quảng nhấn mạnh.