Gặp làng cổ Trường Lưu trên đất nước mặt trời mọc

(Baohatinh.vn) - Đến đất nước Mặt trời mọc, điều tâm đắc nhất của tôi là được thăm làng cổ Oshino - Mura, ngôi làng 700 năm tuổi dưới chân núi Phú Sĩ - di sản thiên nhiên thế giới. Ở đây, tôi đã gặp nhiều nét thân thương của làng cổ Việt Nam, đặc biệt là làng cổ Trường Lưu - Can Lộc - Hà Tĩnh.

Gặp làng cổ Trường Lưu trên đất nước mặt trời mọc

Gương mặt làng cổ Oshino - Mura

Từ bãi đỗ xe bước chân vào cổng làng, chúng tôi đã được các cư dân ra đầu làng đón, niềm nở mời nếm thử món mực nướng xé nhỏ. Tôi ngạc nhiên: Làng không gần biển, sao có hải sản khô? Nguyễn Hữu Quân, phiên dịch của đoàn giới thiệu: Không chỉ mực đâu, ai muốn thưởng thức các loại cá nướng, các món truyền thống của làng như rau, củ, quả muối đều được nếm thử.

Gặp làng cổ Trường Lưu trên đất nước mặt trời mọc

Thiên nhiên đã ban cho làng một hồ nước trong vắt, nhìn thấy tận đáy từng sợi rong rêu

Chúng tôi vào làng. Có chừng dăm chục ngôi nhà nằm rải rác bên một ngọn đồi theo các lối đi quanh co kiểu làng xưa. Bên ngoài tường rào của nhiều ngôi nhà cổ là những loài hoa đủ màu sắc. Trời se lạnh nhưng có nắng. Làng cổ tấp nập bước chân du khách mà vẫn mang dáng vẻ yên bình, tươi sáng. Mái tranh cổ hàng trăm năm cùng gốc cây già lặng lẽ soi bóng ao làng gợi bao ký ức về “cây đa, bến nước, sân đình” của làng quê Việt.

Đặc biệt, thiên nhiên đã ban cho làng một hồ nước trong vắt, nhìn thấy tận đáy từng sợi rong rêu, mặt nước in bóng trời xanh, mây trắng và cả gương mặt mỗi người. Từng đàn cá lớn đủ màu bơi lội khiến già trẻ ai cũng thích thú. Cạnh hồ, ban tổ chức địa phương cho dựng một ngôi nhà theo kiến trúc cổ, bán hàng miễn thuế cho du khách.

Gặp làng cổ Trường Lưu trên đất nước mặt trời mọc

Sản vật của cư dân địa phương sản xuất được du khách quan tâm

Tất cả đều là sản vật của cư dân địa phương sản xuất, hợp tác xã chế biến, đóng gói, dán nhãn hiệu, chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm: Tảo biển với tép khô đồng, hạt dẻ, trái cây khô các loại, rau, củ, quả muối và phơi khô, bánh kẹo các loại. Giá rẻ và có thương hiệu, nhãn mác đầy đủ nên du khách mua nhiều. Các cô bán hàng nhanh nhẹn, tươi cười quẹt thẻ cho du khách, in hóa đơn để miễn thuế khi đến cửa khẩu. Các cô cũng dùng tiếng Anh giao tiếp, dù chưa thật thành thạo.

Ra khỏi làng, tôi mới để ý đến hệ thống thoát nước tuy nhỏ nhưng rất hiện đại trên các lối đi rải nhựa và những nhà màng trồng rau, củ, quả. Đặc biệt, cũng như khắp đất nước Nhật Bản, cả làng Oshino không một mẩu rác.

Phát triển làng văn hóa du lịch Trường Lưu, tại sao không?

Dọc đường về, tôi cứ suy nghĩ mãi: Tại sao làng cổ Trường Lưu, một ngôi làng có độ tuổi hơn 500 năm, từng là cái nôi văn hóa, giáo dục của cả nước, hiện đang sở hữu 3 di sản thế giới nhưng lại ít du khách ghé thăm? Điều gì khiến ngôi làng cổ đang chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lại chưa hấp dẫn du khách? Đề án Làng văn hóa du lịch Trường Lưu bao giờ trở thành hiện thực?

Gặp làng cổ Trường Lưu trên đất nước mặt trời mọc

Làng cổ Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh hiện đang sở hữu 3 di sản thế giới

Tôi và các đồng nghiệp đã về Trường Lưu không ít lần, để ngắm những ngôi nhà cổ, đền cổ, giếng cổ, những cây cau già trăm tuổi mảnh mai và kiên cường vươn lên dưới trời xanh để nghe dặt dìu câu hát ví phường vải, một thể loại hát đã góp phần đưa dân ca ví, giặm trở thành di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tôi cũng nhiều lần đặt những bước chân lên đình làng Trường Lưu trầm mặc hàng trăm năm, thắp cây hương lên bàn thờ tổ dòng họ trứ danh Nguyễn Huy mà thấm nhuận hơn tâm hồn, trí tuệ và sức mạnh mà cha ông xưa truyền lại.

Tôi cũng đã nhìn thấy gương mặt đầy thành kính, ngưỡng vọng của bà Susan Vize - Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khi bà đến đây, ngước nhìn ngôi nhà thờ họ không lớn nhưng có những danh nhân đã dày công tạo dựng nên các di sản thế giới: Mộc bản Trường Lưu, Hoàng Hoa sứ trình đồ.

Gặp làng cổ Trường Lưu trên đất nước mặt trời mọc

Mỗi dịp giỗ, tết, con cháu cụ Nguyễn Huy Thiện ở thôn Phúc Trường lại quây quần bên ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi."

Hiện nay, xã Kim Song Trường đã thành lập phòng trưng bày một phần các di sản này và thành lập Câu lạc bộ Ví, giặm để phục vụ du khách khi về thăm, tìm hiểu tư liệu. Trường Lưu không thiếu những người thuyết minh, giúp du khách tìm hiểu các giá trị văn hóa ở đây như GS - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ và những người cao tuổi trong dòng họ Nguyễn Huy.

Tuy vậy, ngoại trừ các dịp lễ tết và các đợt đón nhận danh hiệu hay có các đoàn khách thế giới, trong nước về tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu thì hàng ngày, Trường Lưu vẫn vắng bóng du khách. Trường Lưu đang thiếu cảnh quan để vui chơi, ngắm nghía, chụp hình lưu niệm, thiếu nơi để trải nghiệm các hoạt động dã ngoại, thiếu sàn diễn cho ai thích hát ví, thiếu nơi trưng bày, mua bán các sản vật Hà Tĩnh và của Can Lộc, của Trường Lưu. Đặc biệt hơn nữa, phương tiện đi lại, bến bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng chưa có, nói chi đến việc quảng bá, kết nối tour, tuyến…

Gặp làng cổ Trường Lưu trên đất nước mặt trời mọc

Dòng họ Trường Lưu đón nhận bằng công nhận di sản phi vật thể thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: UBND huyện Can Lộc đã lập đề án Phát triển du lịch Can Lộc, trong đó có Làng văn hóa du lịch Trường Lưu. Huyện đang đề nghị UBND tỉnh khảo sát, lập quy hoạch Làng văn hóa du lịch Trường Lưu. Khi được phê duyệt đề án Làng văn hóa du lịch Trường Lưu thì mới có thể đẩy mạnh các hoạt động du lịch, thu hút được đông đảo du khách về thăm làng cổ Trường Lưu.

Mong sao có một ngày, làng cổ Trường Lưu tấp nập bước chân du khách như làng cổ Oshino - Mura của Nhật Bản.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Xuất phát từ ý tưởng lưu giữ lại những những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước, nhà giáo, Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương, xã Bình An, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) trong 50 năm đã dày công sưu tầm hàng ngàn hiện vật, tài liệu, bút tích quý hiếm.
 Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Khi màn đêm buông xuống, thủy triều bắt đầu rút sâu, hàng trăm người dân đã đổ về bãi biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhặt "lộc biển" dạt kín bờ.
"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

Ẩn mình giữa những dãy núi, đồi chè Nam Sơn như một "viên ngọc xanh" lấp lánh giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình của miền quê nông thôn mới Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng các cấp, người dân thôn giáo toàn tòng (thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng một miền quê thanh bình, đáng sống.