Giá vàng liên tục “đảo chiều”
Theo nhận định của một số nhà kinh doanh, do sức nóng từ căng thẳng Nga - Ukraine, chỉ tính trong ngày 24/2/2022 đã có 4 lần tăng giá, mức tăng giá vàng SJC trong nước đã đạt hơn 3 triệu đồng/lượng và đạt “đỉnh” 67,5 triệu đồng/lượng (chiều bán ra), cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, giá vàng 9999 ở Hà Tĩnh ngày 24/2 cũng tăng lên 5.550 nghìn đồng/chỉ (chiều bán ra) và 5.430 nghìn đồng/chỉ (chiều mua vào).
Ảnh hưởng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tuần qua biến động liên tục theo từng ngày.
Tuy nhiên, từ ngày 25/2/2022, giá vàng trong nước bắt đầu giảm. Đến cuối ngày 25/2, giá vàng SJC bán ra 65,8 triệu đồng/lượng. Tại Hà Tĩnh, giá vàng 9999 cũng giảm xuống 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra (5.530 nghìn đồng/chỉ) và 200 nghìn đồng/lượng chiều mua vào (5.410 nghìn đồng/chỉ).
Tiếp đó, ngày 26/2/2022, giá vàng thế giới và trong nước tiếp tục “lao dốc” sau những diễn biến căng thẳng tại Ukraine. Một trong những lý do khiến cho giá vàng “lao dốc” chính là các lệnh trừng phạt của Mỹ và các quốc gia châu Âu đối với Nga. Theo đó, giá vàng SJC trong nước rạng sáng 26/2 quay đầu giảm mạnh xuống dưới mức 65,4 triệu đồng/lượng. Tại Hà Tĩnh, giá vàng 9999 ngày 26/2 cũng giảm 500 nghìn đồng/lượng chiều bán ra (5.480 nghìn đồng/chỉ) và giảm 300 nghìn đồng/lượng chiều mua vào (5.380 nghìn đồng/chỉ).
Chiều giảm của vàng tiếp tục tiếp diễn đến rạng sáng nay (27/2), giá vàng SJC trong nước ở mức 64,55 triệu đồng/lượng mua vào và 65,77 triệu đồng/lượng bán ra. Tại Hà Tĩnh, giá vàng được niêm yết tương tự ngày hôm qua.
Giao dịch tại tiệm vàng Kiều Ngọc (TP Hà Tĩnh) đã sôi động trở lại sau gần 2 tuần trầm lắng.
Thị trường Hà Tĩnh sôi động bán ra - mua vào
Chỉ trong vòng 4 ngày (24 - 27/2/2022), giá vàng thế giới và trong nước liên tục biến động. Tại Hà Tĩnh, thị trường vàng trở nên sôi động sau 2 tuần trầm lắng.
Tại tiệm vàng Kiều Ngọc (đường Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh), những ngày qua đã đón lượng lớn khách hàng đến giao dịch. Chị Phan Thị Thúy Hằng - Giám đốc Công ty Thương mại Kiều Ngọc cho biết: “Từ sau ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng), thị trường vàng trầm lắng, người dân giao dịch mua - bán vàng rất ít. Tuy nhiên, gần một tuần nay, thị trường vàng ở Hà Tĩnh đã sôi động trở lại do giá tăng cao. Giá vàng ngày vía Thần tài chiều mua vào 5.280 nghìn đồng/chỉ, trong khi ngày hôm nay chiều mua vào là 5.380 nghìn đồng/chỉ (tức là đã tăng lên 1 triệu đồng/lượng), do vậy nhiều người đã đến bán chốt lời”.
Trong tuần qua, lượng khách hàng đến giao dịch tại tiệm vàng Phương Xuân (đường Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh) cũng tăng từ 30 - 40% so với hơn 10 ngày trước.
Được giá, nhiều người dân tranh thủ bán vàng chốt lời.
Bà Nguyễn Thị Xuân - Giám đốc Công ty Vàng bạc Phương Xuân cho biết: “Ảnh hưởng giá vàng thế giới, những ngày gần đây, giá vàng trong nước “nhảy múa” liên tục. Bắt đầu từ ngày 24/2, giá vàng tăng 1 triệu đồng/lượng so với những ngày trước đó (ở chiều bán ra lẫn mua vào). Tranh thủ thời cơ, nhiều người dân đến bán chốt lời. Người bán ít thì 3 - 5 chỉ, thậm chí có những người bán cả cây vàng”.
Theo phản ánh, từ ngày 25/2 lại nay, giá vàng giảm thì nhiều người dân lại có xu hướng mua vào. Nếu như những dịp trước đó, chủ yếu khách hàng đến mua vàng cưới, vàng trang sức thì dịp này đã ghi nhận tình trạng người dân mua đầu tư chốt lời.
Đang giao dịch tại hiệu vàng Phương Xuân trong sáng 27/2, anh Nguyễn Văn Trường (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho hay: “Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, việc kinh doanh buôn bán bị ảnh hưởng. Qua theo dõi tình hình thì vàng là kênh đầu tư tiềm năng nên hôm nay khi giá vàng “hạ nhiệt” so với những ngày trước, tôi tranh thủ đầu tư mua ít để chờ khi giá lên cao, bán chốt lời”.
Trong khi đó, nhiều người lại mạnh dạn đầu tư mua vào.
Ghi nhận tại tiệm vàng Việt Hà (TP Hà Tĩnh), thay vì “thi nhau” bán ra trong những ngày trước thì trong 3 ngày nay, số lượng người mua vào lại tăng lên nhằm chờ cơ hội “chốt lời”.
Theo các chuyên gia, giá vàng trong tuần qua được hỗ trợ đi lên bởi nhiều yếu tố. Đó là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng dần lãi suất và một số quốc gia khác cũng bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Dòng tiền đã rút dần khỏi các kênh đầu tư tiền số, chứng khoán gần đây để chuyển sang một số tài sản an toàn như vàng, trái phiếu. Bên cạnh đó, kim loại quý thế giới còn được hỗ trợ tăng do tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Khách đến giao dịch tại tiệm vàng Việt Hà (TP Hà Tĩnh).
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận định giá vàng thế giới khó có thể tăng đột biến vì xét về góc độ thị trường, những lo lắng về vấn đề Ukraine đã đạt đến đỉnh điểm. Hơn nữa, mức chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cụ thể, giá vàng thế giới rạng sáng 27/2 (giờ Việt Nam) ở mức 1.889 USD/ounce, tương đương khoảng 52 triệu đồng/lượng, trong khi đó, giá vàng SJC trong nước đang “neo” ở mức 65,77 triệu đồng/lượng bán ra. Bởi vậy, người dân và các nhà đầu tư nên thận trọng khi quyết định đầu tư vào mặt hàng kim quý này để tránh thua lỗ.