Giá điện tăng, mỗi tháng, Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh phát sinh chi phí khảng 20 triệu đồng.
Từ khi có thông tin giá điện tăng, Ban Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh (TX Kỳ Anh) rất lo lắng, bởi sẽ tác động xấu tới đơn vị.
Ông Kiều Đức Phúc – Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh ái ngại: “Hoạt động trong lĩnh vực thu mua, bảo quản và chế biến thủy hải sản sử dụng nguồn điện rất lớn. Giá điện tăng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cân đối chi phí sản xuất. Trung bình mỗi tháng, công ty sử dụng khoảng 220 triệu đồng tiền điện thì nay sẽ tăng khoảng 20 triệu đồng/tháng. Đây là chi phí phát sinh quá lớn, trong khi hợp đồng kinh tế với các đối tác nước ngoài đã được ký kết từ trước. Do đó, mọi chi phí phát sinh, công ty phải chịu".
Giá điện tăng, chi phí sản xuất tăng trong khí giá cả sản phẩm vẫn giữ nguyên là khó khăn lớn của Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh
Cũng theo ông Phúc, công ty rất "đau đầu" bởi thời gian qua, giá nguyên liệu thủy sản tăng, giờ đến giá điện cũng tăng cao. Năm 2019, Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh đặt mục tiêu thu mua trên 800 tấn nguyên liệu, sản xuất trên 500 tấn sản phẩm, đưa về nguồn thu trên 120 tỷ đồng. Và điều đáng nói là hiện nay, thị trường tiêu thụ từ Nhật Bản, Hàn Quốc… đang rất rộng mở. Tuy nhiên, trước sự tăng giá điện đột ngột, doanh nghiệp không dám mở rộng quy mô sản xuất.
Điện tăng giá, Công ty CP May Hà Tĩnh đối mặt thêm thách thức
Điện tăng giá, Công ty CP May Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) sẽ đối mặt thêm thách thức. Bà Nguyễn Thị Thủy – Kế toán trưởng công ty CP May Hà Tĩnh cho biết: “Giá điện tăng đột biến sẽ tác động xấu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Điện tăng, tất yếu chi phí sản xuất tăng, trong khi đó giá thành sản phẩm không tăng là một điều nan giải.
Hơn nữa, may mặc là một ngành mang tính an sinh xã hội cao, giải quyết việc làm cho số đông lao động. Do đó, giá điện tăng dẫn đến thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng. Hiện tại, Công ty CP May Hà Tĩnh có 330 lao động với trên 500 máy. Sắp tới, công ty nâng quy mô lên trên 600 lao động thì càng ảnh hưởng nhiều hơn”.
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Viết Hải cũng chịu tác động xấu khi giá điện tăng
Tương tự, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Viết Hải (Thạch Hà) cũng chịu tác động không kém khi giá điện tăng. Một lãnh đạo công ty cho hay: “Chỉ tính riêng Nhà máy sản xuất bê tông tươi thương phẩm và cấu kiện công nghệ cao tại Phù Việt – Thạch Hà và Nhà máy gạch không nung Trần Châu (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên), mỗi tháng, công ty tiêu thụ lượng điện lớn. Hiện nay, giá điện tăng 8,36%, kéo theo chi phí sản xuất bị đẩy lên cao, giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng, tác động tới thị trường tiêu thụ”.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn, thời gian qua, họ đã chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động triển khai các giải pháp chống tổn thất điện năng, tiết kiệm điện. Tuy vậy, trong điều kiện giá điện tăng cao như hiện nay thì chi phí tiết kiệm được cũng không đáng kể, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.
Từ ngày 20/3, giá điện chính thức tăng 8,36%
Theo các doanh nghiệp, trong điều kiện sản xuất, kinh doanh đứng trước nhiều thách thức như hiện nay thì việc giá điện cứ liên tục "leo thang" trong nhiều năm qua càng trở nên nan giải. Trong khi đó, thị trường trong nước cũng như xuất khẩu phải cạnh tranh gay gắt về giá cả, giá sản phẩm chỉ cao hơn "đối thủ" một chút sẽ rất khó "hút" đối tác.
Vẫn biết rằng, chủ trương tăng giá là để hỗ trợ ngành điện, song, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh thì mức tăng này quá cao. Các doanh nghiệp mong muốn nhận được các giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước.
Trước mắt, họ mong muốn Chính phủ xem xét, nghiên cứu, để điện tăng giá từ từ và có lộ trình; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian cân đối lại chi phí sản xuất, đàm phán với đối tác, nhất là những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.