Gia đình bền vững từ việc duy trì những giá trị văn hóa ứng xử truyền thống

(Baohatinh.vn) - Trong xã hội Việt Nam, những giá trị văn hóa ứng xử truyền thống của gia đình đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Ngày nay, cùng với sự tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, việc duy trì những chuẩn mực giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống là yếu tố quan trong tạo sự bền vững.

Gia đình bền vững từ việc duy trì những giá trị văn hóa ứng xử truyền thống

Gia đình tứ đại đồng đường cụ Lê Văn Bích 93 tuổi, phường Nam Hà thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Thu Hà

Với hầu hết người Việt, gia đình luôn là điều quan trọng, thiêng liêng nhất. Trải qua bao thời kỳ lịch sử, dù hình thái xã hội có thay đổi thì nền tảng của gia đình truyền thống Việt Nam vẫn là 3 “chân kiềng” gia đạo, gia phong và gia lễ. Có thể tùy từng giai đoạn lịch sử, các “chân kiềng” đó được kiến tạo bằng nhiều công thức khác nhau nhưng chất liệu thì vẫn được giữ nguyên. Đó chính là đạo hiếu của ông bà, cha mẹ và con cái. Là nền nếp gia phong riêng. Là những nghi lễ, tập tục, cung cách ăn nói, đi đứng, ứng xử của mỗi thành viên.

Trong tiến trình CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế theo xu hướng toàn cầu hóa của nước ta hiện nay, gia đình Việt cũng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Gia đình Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước đồng thời cũng dễ bị tác động xấu từ các nền văn hóa khác, đe dọa tính bền vững của gia đình.

Gia đình bền vững từ việc duy trì những giá trị văn hóa ứng xử truyền thống

Giữ gìn đạo hiếu giữa các thế hệ là một trong những bí quyết để sống hoà thuận, hạnh phúc của nhiều gia đình Việt. Ảnh Thu Hà

Ông Thái Văn Sinh - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình Sở VH-TT&DL cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước, mà quan trọng nhất là “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Năm 2017, Bộ VH-TT&DL đã ban hành “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” nhằm xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên, qua đó, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.

Những văn bản này đã khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chống lại các tệ nạn xã hội, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định ứng xử văn hóa trong gia đình là “kháng sinh” chống lại những độc hại của môt trường xã hội trong thời kỳ hội nhập, tạo lập những “tế bào gia đình” lành mạnh để phát triển xã hội.

Gia đình bền vững từ việc duy trì những giá trị văn hóa ứng xử truyền thống

Nhiều gia đình trẻ đã trang bị kiến thức, kỹ năng xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững. Ảnh: Ánh Dương

Thực tế cho thấy, dù xã hội hiện đại đến đâu, nếu các gia đình duy trì được lối ứng xử văn hóa truyền thống trong các mối quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa con cháu và người cao tuổi thì chẳng điều gì có thể tác động xấu lên “tế bào” của xã hội.

Trong gia đình hiện đại, quan hệ vợ chồng được xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính, sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Và nếu cả vợ và chồng đều biết nuôi dưỡng tình yêu, coi trọng lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng, sự hòa thuận và ý thức về sự bình đẳng thì sẽ gìn giữ được hạnh phúc gia đình một cách bền vững. Ngược lại, nếu mối quan hệ vợ chồng không tốt, dẫn tới tình trạng bạo lực gia đình, ly thân, ly hôn thì cũng sẽ tác động xấu đến sự hình thành nhân cách của con cái.

Chị Thanh An - một người Việt sống ở Cộng hòa Séc cho biết: “Gia đình tôi tuy sống ở nước ngoài nhưng vẫn luôn có ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa ứng xử gia đình truyền thống của Việt Nam. Không chỉ giữ đạo vợ chồng, chúng tôi còn dạy con cái đạo hiếu với ông bà, cha mẹ. Bởi vậy, con cái của chúng tôi cũng luôn có ý thức xây đắp, gìn giữ và trân trọng các mối quan hệ ruột thịt”.

Gia đình bền vững từ việc duy trì những giá trị văn hóa ứng xử truyền thống

Gia đình chị Thanh An (định cư ở Cộng hòa Séc) luôn coi trọng những nét truyền thống văn hóa Việt Nam.

Trong guồng quay xã hội hiện đại, các giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử giữa cha mẹ và con cái, giữa thế hệ trẻ với người cao tuổi trong gia đình cũng đã bị mai một. Cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa đã đem đến những giá trị của đời sống hiện đại nhưng mặt trái của nó với lối sống thực dụng đã tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống.

Không ít người làm cha làm mẹ không làm tròn bổn phận, trách nhiệm, thiếu sự hy sinh, không chăm lo cho thế hệ tương lai. Thậm chí, ở nhiều gia đình còn diễn ra tình trạng bạo hành con cái hoặc là con cái vì coi trọng quyền lợi kinh tế, vì sự ích kỷ mà coi thường đạo hiếu, hỗn láo với ông bà, cha mẹ. Nếu như những chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình không được duy trì và vun đắp thì tình trạng dễ dàng chấp nhận sai lệch chuẩn mực đạo đức trong các gia đình rất có thể sẽ ngày càng phổ biến.

Rõ ràng, xã hội càng phát triển thì càng cần duy trì những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là văn hóa ứng xử gia đình. Những giá trị văn hóa truyền thống được phát huy hài hòa trong đời sống hiện đại sẽ tạo nên những gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc bền vững. Từ đó, tạo nền móng để xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast