Giá ôtô ở Việt Nam còn có thể giảm nữa

Nguồn cung thừa vì kinh tế khó khăn buộc các hãng phải giảm giá đẩy hàng tồn, đồng thời điều chỉnh kế hoạch bán hàng.

“Giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước đến hết 2020” là một đề xuất được cả Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lên Chính phủ trong tháng 4. Thị trường giảm mạnh do Covid-19 là lý do dẫn tới đề xuất. Với xe lắp ráp, lượng tồn kho trong quý I/2020 tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, xe nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm giảm hơn 30% so với năm ngoái.

Tuy vậy, đề xuất này khó lòng được Bộ Tài chính ủng hộ, bởi sẽ vi phạm nguyên tắc WTO là không phân biệt đối xử với hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu, bên cạnh đó còn ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước. Khi không được giúp sức từ cơ quan chức năng, các hãng sẽ phải tự mình tạo thêm nhiều ưu đãi cho khách hàng, nếu muốn kích thích mua xe trong nửa năm còn lại, theo các chuyên gia.

“Từ giờ tới cuối năm, các hãng buộc phải giảm giá nếu không muốn ôm hàng tồn”, ông Bùi Kim Kha, cựu Phó tổng giám đốc Thaco đánh giá.

Covid-19 ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề kinh doanh, làm giảm thu nhập đáng kể của khách hàng. Người tiêu dùng thiếu tiền nên từ bỏ ý định mua ôtô, doanh số toàn ngành sụt giảm. Quý I/2020, số xe bán ra của VAMA đạt 50.009 xe, giảm 33% so với cùng kỳ 2019, là mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Giá ôtô ở Việt Nam còn có thể giảm nữa

Xe Mazda đang giảm giá hàng chục tới cả trăm triệu đồng. Ảnh: Thành Nhạn

Người mua giảm nhu cầu, trong khi người bán sẵn hàng, dẫn tới dư nguồn cung. Nếu muốn giải quyết hàng tồn , buộc giá xe phải giảm, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp như ưu đãi phí trước bạ, tặng phụ kiện.

“Các hãng xe buộc cùng lúc phải làm hai việc, điều chỉnh kế hoạch bán hàng và cắt lãi để đẩy hàng tồn”, nguồn tin nội bộ một hãng xe Nhật cho biết. Hãng này sẽ giảm giá 10-20% cho mỗi mẫu xe mới, phiên bản mới ra mắt trong 2020. Trong khi đó, mục tiêu doanh số từ 80.000 xe hạ xuống 70.000 xe, thậm chí còn thấp hơn nữa. VAMA cũng dự tính lượng xe bán ra năm nay sẽ giảm 15% so với tính toán trước đây.

Đẩy hàng tồn đã sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu, trong khi để không tạo thêm áp lực cho đại lý, nhiều hãng cắt ngang sản xuất của từng mẫu xe, không theo đuổi con số đặt ra ban đầu. Tuy vậy việc này không dễ, bởi kế hoạch mua sắm linh kiện được lên từ trước đó nhiều tháng, bên cạnh đó còn phải cân đối giữa các yếu tố khác như nhân công, tài chính, lợi nhuận...

Trong khi xe lắp ráp dư thừa thì xe nhập khẩu cũng không phải ngoại lệ. Ông Kha phân tích, xe CBU (nhập khẩu nguyên chiếc) được các hãng cam kết mua hàng từ nhà máy ở nước ngoài, nên vẫn phải nhận hàng về. Dù ảnh hưởng của Covid-19 trên toàn cầu sẽ giúp các thị trường chia sẻ gánh nặng cùng nhau, nhưng con số ấy là không nhiều. Hiện các nhà máy trên thế giới đã hoạt động trở lại, xe ở Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản lại đang “thừa mứa”. Lượng xe này được đẩy đi khắp các thị trường, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh dư thừa nguồn cung, tâm lý khách hàng cũng là một áp lực khác khiến hãng phải giảm giá. Thị trường 2020 chứng kiến những giai đoạn liên tiếp nhau ảnh hưởng tâm lý của khách.

Vừa bắt đầu năm mới cũng là lúc thị trường giảm sau Tết nguyên đán. Doanh số chưa kịp vực lại thì bị bồi thêm cú đánh mang tên Covid-19. Nếu vài tháng nữa tình trạng dịch bệnh ổn định lại là lúc bước vào tháng 7 âm lịch, luôn là thời điểm đen tối nhất của các ngành kinh doanh giá trị cao như nhà cửa, xe cộ. Sau đó, hãng chỉ còn vài tháng để “chạy số”, nên giảm giá sẽ là ưu đãi bắt buộc mà đại lý áp dụng.

Không chỉ xe phổ thông, xe sang cũng chịu nhiều ảnh hưởng vì dịch bệnh. Mercedes, Volvo và một số hãng khác đều cho biết sẽ có những điều chỉnh giá bán hợp lý để hỗ trợ khách. Theo các hãng, xe sang còn chịu ảnh hưởng rõ rệt hơn bởi giá bán cao, chỉ một tác động nhỏ của kinh tế cũng khiến khách hàng cân nhắc.

Những tác động của đời sống đang khiến thị trường ôtô quay cuồng. Giải phóng hàng tồn trong kho là nhiệm vụ cấp thiết, nhưng theo ông Kha, hoàn toàn có thể giải quyết bằng chiêu thức giảm giá, miễn là hãng và đại lý chịu hy sinh lợi nhuận.

“Ở Việt Nam, cứ khuyến mãi, giảm giá là bán tốt”.

Theo VNE

Đọc thêm

Một số sai lầm khi rửa xe

Một số sai lầm khi rửa xe

Rửa xe không đúng cách có thể khiến bạn phải tốn thêm một khoản tiền rất lớn để tu sửa cho xế yêu của mình. Dưới đây là một số sai lầm khi rửa xe cần tránh.
Tin vui với người dùng xe điện

Tin vui với người dùng xe điện

Kết quả một nghiên cứu cho thấy trên thực tế, pin xe điện có thể sở hữu tuổi thọ lâu hơn so với các dự đoán ban đầu.
VinFast VF 3 là Ôtô của năm 2024

VinFast VF 3 là Ôtô của năm 2024

VF 3 gợi mở xu hướng dùng xe gầm cao cỡ nhỏ tại Việt Nam, tạo cú hích lớn cho VinFast, được vinh danh Ôtô của năm tại Car Awards.
Có nên bật đèn khẩn cấp khi lùi xe?

Có nên bật đèn khẩn cấp khi lùi xe?

Việc lùi xe tại những khu vực công cộng đông đúc hay trong các khu dân cư luôn đòi hỏi tài xế phải có kỹ năng. Vậy khi lùi xe có nên bật đèn khẩn cấp?
Lưu ý khi đỗ xe ở trạm sạc xe điện

Lưu ý khi đỗ xe ở trạm sạc xe điện

Đỗ xe ở các bãi đỗ dành cho xe điện cần phải tuân thủ các quy tắc để không gây bất tiện, ảnh hưởng đến người khác trong quá trình sạc pin.