Giải cứu thành công hơn 1.500 thợ mỏ mắc kẹt dưới lòng đất

Sáng 1/5, các lực lượng cứu hộ Nam Phi đã giải cứu thành công trên 1.500 thợ mỏ bị mắc kẹt dưới lòng đất tại một mỏ khai thác bạch kim của Công ty sản xuất vàng Sibanye Stillwater.

Phóng viên TTXVN thường trú tại Pretoria dẫn nguồn từ Bộ khoáng sản Nam Phi cho biết hiện còn khoảng trên 260 thợ mỏ vẫn đang ở dưới hầm mỏ và đợi các lực lượng cứu hộ đưa lên mặt đất an toàn. Hiện chưa có ghi nhận về thương vong sau sự cố tại mỏ bạch kim nằm ở tỉnh North West thuộc khu vực Tây Bắc nước này.

Trước đó, khoảng 1.800 công nhân đã bị mắc kẹt dưới lòng đất sau khi tan ca vào khoảng giờ trưa hôm 30/4. Nguyên nhân sự cố bắt nguồn từ hỏng hóc của bộ phận thang máy nối giữa khu vực hầm ngầm và mặt đất.

Theo người phát ngôn công ty sản xuất vàng Sibanye Stillwater James Wellsted, đây là sự cố kỹ thuật đơn thuần khiến đường hầm thông lên mặt đất bị tắc nghẽn, không liên quan đến các yếu tố an toàn trong kết cấu của hầm mỏ như đã một số thông tin đưa ra trước đó. Ông cho biết thêm ngay sau khi xảy ra sự cố, các thợ mỏ bị kẹt dưới hầm đều rất bình tĩnh và thường xuyên liên lạc với lực lượng trên mặt đất, cùng xem xét phương án giải cứu tối ưu. Trên 260 công nhân hiện dưới hầm mỏ sẽ được đưa lên mặt đất trong vài giờ tới.

Hồi tháng 2 năm ngoái, có 955 công ty làm việc tại mỏ vàng Welkom của công ty này cũng đã bị mắc kẹt dưới hầm gần 24 tiếng sau khi hệ thống thang máy trong hầm bị tê liệt do hệ thống cung cấp điện bị mất đột ngột do ảnh hưởng bão.

Đặt trụ sở chính tại Johannesburg, Sibanye Stillwater là công ty khai thác vàng lớn nhất Nam Phi và nằm trong danh sách 10 công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Gần 150 người thiệt mạng do động đất tại Myanmar

Gần 150 người thiệt mạng do động đất tại Myanmar

Tân Hoa xã dẫn báo cáo của Ban Thông tin của Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar cho biết, ít nhất 144 người đã thiệt mạng và 732 người bị thương trong trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra vào ngày 28/3 tại nước này.
Nguy cơ 600.000 tấn chất thải nhựa của Coca-Cola trôi ra đại dương và đường thuỷ

Nguy cơ 600.000 tấn chất thải nhựa của Coca-Cola trôi ra đại dương và đường thuỷ

Tổ chức phi lợi nhuận Oceana công bố kết quả gây sốc của một phân tích cho thấy, đến năm 2030, các sản phẩm của Coca-Cola sẽ tạo ra khoảng 602.000 tấn rác nhựa mỗi năm thải ra các đại dương và hệ thống đường thủy thế giới. Lượng nhựa này đủ để lấp đầy dạ dày của 18 triệu con cá voi.