Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh trả lời chất vấn thông tin xấu độc trên mạng

(Baohatinh.vn) - Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, thì những mặt trái của mạng xã hội, nhất là thông tin sai sự thật, lừa đảo... đã trở thành vấn nạn gây bức xúc, hoang mang trong dư luận.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Nữ Y, Trương Thanh Huyền chủ tọa kỳ họp.

Cùng dự có Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, đại diện các doanh nghiệp.

Bước sang ngày làm việc thứ 3 Kỳ họp thứ 15, sáng nay (10/7), HĐND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phiên chất vấn đối với Giám đốc Sở Nội vụ và Giám đốc Sở TT&TT.

Thạch Hà, Đức Thọ có số lượng cán bộ dôi dư nhiều nhất tỉnh

Phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa tiếp nối sau khi người đứng đầu ngành Nội vụ Hà Tĩnh báo cáo trả lời vào chiều qua (9/7) cho câu hỏi: “Qua việc triển khai thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 156/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập, về: mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước để bồi dưỡng những người tham gia trực tiếp công việc ở thôn, tổ dân phố; mức phụ cấp đối với chức danh không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; một số chức danh như thôn đội trưởng, công an viên... theo quy định pháp luật hiện hành còn hiệu lực được hưởng phụ cấp, vậy nhưng theo quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP và Nghị quyết 156/2019/NQ-HĐND không có. Đề nghị UBND tỉnh cho biết các giải pháp trong thời gian tới”.

Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa trả lời chất vấn

Liên quan nội dung này, các đại biểu đã tập trung chất vấn, làm rõ các nội dung như: Sở Nội vụ đã có những giải pháp gì để đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh chấm dứt tình trạng đi đâu cũng bị cán bộ cấp thôn xóm đòi hỏi quyền lợi, phản ánh chế độ thấp; liệu có phù hợp hay không việc chi trả tiền chế độ hỗ trợ cho cán bộ thôn, tổ dân phố bằng nguồn hội phí, đoàn phí do hội viên, đoàn viên đóng góp...

Đại biểu Lê Ngọc Huấn (Tổ đại biểu Hương Khê) nêu ý kiến về việc những người làm nhiệm vụ ở hội phụ nữ, đoàn thanh niên là công việc thường xuyên, liên tục trong khi thu nhập không thỏa đáng.

Đại biểu Lê Ngọc Huấn tham gia ý kiến

Theo đại biểu Lê Ngọc Huấn, trường hợp nếu bỏ việc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của chính quyền. Vì vậy phải có giải pháp để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần (Tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên) chất vấn 2 nội dung: về phương án giải quyết số cán bộ công chức dôi dư và kế hoạch tuyển dụng trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ

Đại biểu Nguyễn Thế Hoàn (Tổ đại biểu Lộc Hà) cho rằng: Không còn việc cán bộ thôn xóm làm việc tốt sẽ được đưa lên làm cán bộ xã, cộng với việc chế độ thấp, không đủ sống nên phải làm thế nào để khơi dậy lòng nhiệt huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố trong điều kiện hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Thế Hoàn (Tổ đại biểu Lộc Hà) nêu ý kiến chất vấn

Trong khi đó, đại biểu Bùi Nhân Sâm (Tổ đại biểu Can Lộc) băn khoăn: những người làm trưởng các chi đoàn, chi hội ở thôn, tổ dân phố cũng tham gia việc chung của cộng đồng như các đối tượng khác và họ chính là người cuối cùng đưa các chủ trương, nghị quyết của trên về với nhân dân nhưng vì sao lại không có chế độ, trong khi 4 đối tượng trên (bí thư chi bộ, thôn trưởng, trưởng ban công tác mặt trận thôn) lại được hưởng?

Trả lời câu hỏi về cán bộ của các chi đoàn, chi hội này có được hưởng bồi dưỡng hay không? Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa thông tin: Các tổ chức chính trị xã hội ở thôn, tổ dân phố được thành lập và hoạt động theo điều lệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo QPAN của địa phương, có hoạt động thường xuyên liên tục. Những trường hợp này được xác định nằm trong nhóm những người hoạt động tại thôn, tổ dân phố.

Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, những người này được hưởng bồi dưỡng khi tham gia công việc của thôn, tổ dân phố và chỉ được hưởng khi phát sinh công việc. Còn hoạt động mang tính chất của đoàn thể và hội thì không được hưởng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Nhuần về giải quyết cán bộ dôi dư, Giám đốc Phan Thị Tố Hoa cho biết: Thạch Hà và Đức Thọ là 2 địa phương có số lượng cán bộ dôi dư nhiều nhất toàn tỉnh (Thạch Hà 101 người, Đức Thọ 79 người).

Tính đến năm 2025, chưa tính nghỉ theo Nghị quyết số 164, Thạch Hà sẽ còn dư 57 người, Đức Thọ dư 58 người. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ cho rằng, các huyện cần nghiên cứu giải pháp để cân đối giữa cán bộ nghỉ hưu ở các xã không nhập và cán bộ dôi dư ở các xã sáp nhập để có phương án giải quyết kịp thời; song song kết hợp với công tác tuyển dụng. Theo cách làm này, đến năm 2021, sẽ giải quyết hết số cán bộ dôi dư trên địa bàn Hà Tĩnh.

Giám đốc Sở Nội vụ cũng nói rõ về kế hoạch tuyển dụng công chức trong thời gian tới. Theo đó, sắp tới, Hà Tĩnh sẽ tổ chức thi tuyển công chức các khối sở, ngành; khối Đảng, đoàn thể.... Hiện, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thi tuyển công chức và cố gắng thi tuyển trong năm 2020 để đáp ứng số còn thiếu cho các đơn vị.

Thông tin lừa đảo, sai sự thật gây bức xúc trong Nhân dân

Sau phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Công Thành đăng đàn trả lời chất vấn về nguyên nhân, giải pháp để xử lý trình trạng mạng xã hội đang xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, lừa đảo, thông tin xấu độc, gây hoang mang dư luận và bất an cho người dân như hiện nay.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Công Thành

Giám đốc Sở TT&TT cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, thì những mặt trái của mạng xã hội, nhất là tình trạng thông tin sai sự thật, lừa đảo, thông tin xấu độc... đã trở thành vấn nạn gây bức xúc, hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân.

Trước thực trạng này, Sở TT&TT và các cơ quan liên quan đã có sự tập trung vào cuộc, hầu hết các trường hợp vi phạm đều bị xử lý theo quy định pháp luật. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, đã phát hiện, triệu tập, xử lý 47 vụ đưa tin sai sự thật, xử phạt 14 vụ vi phạm hành chính với số tiền gần 103 triệu đồng.

Song, do chưa có thiết bị, phần mềm tầm soát, lực lượng thực thi nhiệm vụ còn mỏng nên việc việc phát hiện, xác định chủ thể, hành vi, mức độ vi phạm còn gặp nhiều khó khăn và dẫn đến một số vụ việc phát hiện, xử lý còn chậm.

Theo Giám đốc Sở TT&TT, để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm như: nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thông tin trên MXH, dịch vụ internet, thuê bao di động và tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng khác để nâng cao hiệu quả vào cuộc; tham mưu, kiến nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ TT&TT đấu tranh trực tiếp, kiên quyết với đơn vị chủ quản các MXH, buộc gỡ bỏ các nội dung xấu, độc khi có yêu cầu.

Các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân khi tham gia MXH, có ý thức sàng lọc, loại bỏ những thông tin xấu, độc; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dùng mạng xã hội. Mọi người khi phát hiện thông tin xấu độc hoặc có dấu hiệu lừa đảo, sai sự thật... cần báo ngay cho các cơ quan chức năng, trong đó có Sở TT&TT và lực lượng công an các cấp để xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Sau phần báo cáo giải trình, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở TT&TT.

Đại biểu Đoàn Đình Anh (Tổ đại biểu Cẩm Xuyên) nêu ý kiến: Có một giải pháp rất cơ bản được đưa ra là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng MXH. Vấn đề ai là người tuyên truyền, phương thức như thế nào, công cụ tuyên truyền là gì? Với tư cách là tư lệnh ngành, đồng chí Giám đốc Sở TT&TT đã có tham mưu kế hoạch gì để chống lại thông tin xấu độc trên MXH…

Đại biểu Đoàn Đình Anh (Tổ đại biểu Cẩm Xuyên) nêu ý kiến

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt (Tổ đại biểu TP. Hà Tĩnh) đặt câu hỏi: Bất cập trong công tác quản lý Nhà nước trong đấu tranh, ngăn chặn các thông tin xấu độc trên mạng xã hội là gì, giải pháp trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt (Tổ đại biểu TP. Hà Tĩnh) đặt câu hỏi

Đại biểu Đào Thị Anh Nga (Tổ đại biểu TX Hồng Lĩnh) băn khoăn: “Trong nhiều thông tin, các đối tượng sử dụng kích động có đến 70 - 80% là thật và 20% còn lại là giả. Vậy, Sở Thông tin & Truyền thông có những giải pháp nào để quản lý các thông tin trên? Đồng chí có thể cho biết thêm các hình thức xử lý trong thời gian vừa qua?”

Đại biểu Đào Thị Anh Nga (Tổ đại biểu TX Hồng Lĩnh) đặt câu hỏi chất vấn

Đại biểu Trần Hậu Tám (tổ đại biểu Thạch Hà) nêu câu hỏi về việc thành lập Trung tâm giám sát toàn toàn, an ninh mạng cũng như nêu hạn chế về việc tuyên truyền về luật an ninh mạng chưa nhiều.

Đại biểu Trần Hậu Tám (tổ đại biểu Thạch Hà) nêu câu hỏi

Trả lời chất vấn về nội dung này, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Công Thành cho biết: Hiện Sở đã giao Trung tâm CNTT-TT xây dựng, vận hành thử nghiệm Trung tâm giám sát toàn toàn, an ninh mạng theo Kết luận của Bộ trưởng Bộ TTTT tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh vào ngày 11/12/2019 để làm cơ sở đánh giá, tham mưu cho tỉnh trong thời gian tới.

Thời gian qua, Sở đã tham mưu kế hoạch, kịp thời có văn bản chỉ đạo, đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền về Luật An ninh mạng. Các đơn vị truyền thông chính thống đã tăng cường tuyên truyền. Tuy nhiên, để đến được với cư dân mạng, rõ ràng phải cần nhiều đổi mới. Sở TT&TT sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc nội dung này.

Trả lời về các vấn đề đại biểu Nguyệt, đại biểu Nga đã nêu, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông cho rằng, các yếu tố quan trọng trong quản lý, ngăn chặn các thông tin xấu độc trên mạng xã hội là: Hành lang pháp lý, nhân lực, phương tiện.

Hiện nay, Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn nên Sở đã có văn bản tham mưu sửa đổi. Hoạt động trên mạng xã hội hoàn toàn khác so với các loại hình truyền thông thông thường. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý riêng mà mới chỉ áp dụng mô hình quản lý báo chí và các loại hình truyền thông khác để xử lý.

Ông Nguyễn Công Thành lý giải: “Đa số các trang mạng xã hội có máy chủ đặt ở nước ngoài, vì vậy, quá trình xác minh, đấu tranh còn khó khăn, tốn rất nhiều thời gian. Dù được nói đến rất nhiều trong Hiến pháp và Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự nhưng việc định tính để xác định hành vi vi phạm không hề dễ dàng”.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đưa ra thực tế, hiện về mặt nhân lực còn thiếu về số lượng và chất lượng. Lực lượng Thanh tra của Sở hiện chỉ có 3 người nhưng chức năng, nhiệm vụ nhiều (thanh tra pháp chế, tuyên truyền phổ biến pháp luật…) trong khi việc xử lý đòi hỏi vừa am hiểu công nghệ thông tin, vừa hiểu biết sâu, rộng về pháp luật.

Nói về phương tiện giám sát, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho biết đơn vị hiện đang xây dựng phần mềm tầm soát và sẽ hoàn thiện vào thời gian tới.

Đại biểu Đỗ Khoa Văn (Tổ đại biểu Vũ Quang)

Trả lời đại biểu Đỗ Khoa Văn (Tổ đại biểu Vũ Quang) về “giải pháp”dùng thông tin để phản bác thông tin” được thực hiện như thế nào trong thời gian tới? Ngoài Ban chỉ đạo 135 thì ở tỉnh ta có nhiều tờ báo hoạt động nhưng vì sao vẫn xẩy ra tình trạng người dân vẫn tiếp cận được nhiều thông tin xấu, độc, phải chăng đang thiếu thông tin?", Giám đốc Nguyễn Công Thành khẳng định đây là giải pháp đúng và thời gian qua đã sử dụng báo, đài, hệ thống phát thanh, truyền thanh cơ sở để cập nhật, đính chính thông tin. Tuy nhiên, do tâm lý tò mò của “cư dân mạng” nên chưa thực sự hiệu quả.

Thời gian tới, ngành sẽ đổi mới phương thức truyền thông; tăng cường vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực này; phát huy vai trò xung kích, hiệu quả của cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở; các cấp, các ngành cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, vấn đề nhạy cảm để lực lượng truyền thông chính thống đưa tin đúng bản chất, đảm bảo định hướng.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói