Chương trình giảm nghèo bền vững được tỉnh triển khai gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã ưu tiên đầu tư cho những hộ có ý chí thoát nghèo; tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất cho người nghèo. Đây được coi là những giải pháp cơ bản, nâng cao khả năng tự vận động, tự vươn lên của chính người nghèo, những vùng khó khăn.
Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh trao hỗ trợ xây nhà nhân ái cho gia đình bà Lê Thị Bình (thôn Bình Minh, xã Hương Bình, Hương Khê)
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Thông cho biết: “Sau khi rà soát hộ nghèo theo phương pháp đa chiều, Ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo tỉnh đã phân loại các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo của từng nhóm hộ nghèo như: Thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu việc làm, hộ có người tàn tật không có khả năng lao động”.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh, các ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao đề ra những giải pháp về giảm nghèo để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu cho hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT; đồng thời, tranh thủ vận dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hộ nghèo có thêm điều kiện sản xuất.
Nhân dân tổ dân phố Tuần Cầu (phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh) chung tay xây dựng nhà nhân ái cho gia đình ông Kiều Huyến
Một trong những giải pháp cho công tác giảm nghèo bền vững mà Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh xác định và chú trọng là quyết tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Trong đó, nổi bật như: Hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ về học nghề và xuất khẩu lao động; hỗ trợ về y tế; hỗ trợ về nhà ở và triển khai hiệu quả các chương trình, dự án đặc thù...
Nhìn chung, các chính sách triển khai đều hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân, phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng ở những xã, phường, đặc biệt khó khăn để thực hiện tốt mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương. Chính sách này tạo điều kiện cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn phát triển nên được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh tặng quà cho người nghèo và gia đình chính sách
Triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo trong điều kiện nhiều khó khăn, do đó, mục tiêu giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong quá trình chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị các cấp. Kết quả giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 35 HĐND tỉnh Hà Tĩnh và Kế hoạch 26 của UBND tỉnh.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,4% (đầu năm 2016) xuống 6,92% (năm 2018), hộ cận nghèo giảm từ 8,4% xuống 6,57%. Tổng kinh phí huy động thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2018 trên toàn tỉnh là 5.515 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 1.485 tỷ đồng, ngân sách địa phương 217,8 tỷ đồng, nguồn huy động khác trên 122,8 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội trên 3.687 tỷ đồng).
Nguồn vốn Ngân hàng CSXH đồng hành cùng nhiều hộ dân thoát nghèo
Từ các nguồn vốn trên, toàn tỉnh đã cho 32.460 lượt hộ dân vay để phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp với tổng kinh phí gần 45 tỷ đồng; tổ chức đào tạo nghề cho 6.195 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, kinh phí hỗ trợ gần 15 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 2.812 hộ nghèo với tổng kinh phí gần 88 tỷ đồng; 247 công trình được đầu tư xây dựng, trong đó có 32 công trình tại các huyện nghèo, 105 công trình hạ tầng tại các xã bãi ngang ven biển, 110 công trình tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi...
Tuy nhiên, nhiệm vụ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững vẫn là một thách thức không nhỏ đối với Hà Tĩnh. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trong năm 2019 từ 1,0 - 1,5%, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 4,5%, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Xuân Thông cho rằng: “Hà Tĩnh cần thực hiện tốt các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tăng thu nhập của người dân.
Đồng thời, phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, sâu rộng, đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, huy động sự tham gia tích cực của toàn thể nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện”.