Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh.
Kính thưa quý vị đại biểu.
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo. Thưa các em học sinh, sinh viên thân mến.
Trong niềm hân hoan cùng cả nước hướng về kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, với tất cả tình cảm chân thành và sự tri ân sâu sắc, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tôi gửi tới các Nhà giáo lão thành, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, cán bộ quản lý, các thầy, cô giáo, người lao động ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh qua các thời kỳ lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.
Kính thưa các đồng chí.
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo.
Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh cao cả, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, là chìa khóa để mỗi quốc gia mở cánh cửa tương lai.
Từ bao đời nay, nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Trong quan niệm truyền thống, ông cha ta xem “Lương sư hưng quốc”, nghĩa là thầy giỏi, quốc gia hưng thịnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa.
Việc Hội đồng Bộ trưởng chọn ngày 20/11 hằng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để toàn xã hội phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tri ân các nhà giáo.
Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo, cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; ban hành nhiều chính sách, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, trên vùng quê nghèo này cũng xuất hiện nhiều gia đình, dòng họ, làng quê khoa bảng nổi tiếng, gắn với tên tuổi của những con người học rộng, tài cao.
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Trong những năm khói lửa chiến tranh, tinh thần hiếu học của Nhân dân Hà Tĩnh luôn tỏa sáng; tiêu biểu như xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, năm 1969 được Bác Hồ gửi thư khen, đến năm 1978 được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) tặng giải thưởng quốc tế Krup-xcai-a - đơn vị lá cờ đầu về thành tích xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa ở Việt Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhất là thời kỳ đổi mới, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tiếp tục gặt hái nhiều thành tích nổi bật. Hơn hai năm gần đây, tuy tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng Hà Tĩnh đã linh hoạt, sáng tạo triển khai việc dạy và học, là một trong 9 tỉnh, thành phố tổ chức cho học sinh học tập bình thường.
Hệ thống trường lớp toàn tỉnh cơ bản được quy hoạch hợp lí; đội ngũ nhà giáo ngày càng được chuẩn hóa, nâng cao chất lượng; giáo dục toàn diện và mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực; giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, dạy học ngoại ngữ được quan tâm; giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề có nhiều khởi sắc.
Cùng với sự chung tay của toàn xã hội, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển sâu rộng. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đảm bảo thiết thực. Quỹ hỗ trợ học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn đã nâng bước 204 em vững tin trên các giảng đường đại học.
Đạt được những kết quả nêu trên, ghi dấu sự miệt mài, xả thân của đội ngũ các thầy, cô giáo, cán bộ quản lí, người lao động toàn ngành Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ; đội ngũ cựu giáo chức sau bao năm miệt mài dạy chữ, rèn người, khi về với nơi cư trú luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, “cây cao bóng cả”, tiếp tục trao truyền kinh nghiệm, góp phần đẩy mạnh phong trào giáo dục ở các địa phương. Với tài năng sư phạm, lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy, cô đã không quản ngại khó khăn, thắp sáng ước mơ, hoài bão cho các thế hệ học sinh. Nhờ vậy, trên đất học Hồng Lam nhiều học sinh được ghi danh trên bảng vàng quốc gia, khu vực, quốc tế; nhiều người trở thành lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị, là giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, các doanh nhân thành đạt.
Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Toàn tỉnh hiện có 5 Nhà giáo Nhân dân, 92 nhà giáo Ưu tú, 5 Chiến sỹ thi đua toàn quốc, hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương. Trong số 917 nhà giáo cả nước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2020, Hà Tĩnh vinh dự có 6 nhà giáo. Năm 2022, trong số 68 nhà giáo trẻ được Trung ương Đoàn tuyên dương, Hà Tĩnh vinh dự có 6 nhà giáo.
Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh luôn khắc ghi, tri ân công lao to lớn của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục và Đào tạo trong toàn tỉnh.
Kính thưa quý vị đại biểu.
Kính thưa các thế hệ nhà giáo. Thưa các em học sinh, sinh viên thân mến!
Vui mừng trước những thành tích nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo, song, chúng ta cũng không khỏi băn khoăn về một số tồn tại của ngành hiện nay. Cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều trường học chưa đảm bảo. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được khắc phục triệt để. Bạo lực học đường, xâm hại trẻ em còn xảy ra. Nhiều áp lực vô hình đang tác động đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ thầy, cô giáo.
Để tiếp tục phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta; chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhà trong giai đoạn mới, tôi đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; đảm bảo chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Chăm lo công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là động lực then chốt để xây dựng tỉnh nhà sớm trở thành tỉnh khá của cả nước. Quan tâm công tác phân luồng, định hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Tôi muốn nhắc lại thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra yêu cầu đối với ngành Giáo dục và Đào tạo: Phải học thật, thi thật, nhân tài thật.
Nêu vấn đề này không phải kết quả của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh chưa thực chất, mà muốn nói đến một thực trạng chung đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ngành, các cấp nhận biết và đang tập trung khắc phục. Rất mong ngành Giáo dục và Đào tạo phải luôn lấy chất lượng và hiệu quả làm thước đo.
Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam được UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào chiều ngày 17/11 là dịp để các thế hệ thầy cô giáo cùng gặp mặt, hội ngộ.
Muốn vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo phải tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học trong từng cấp học. Đối với cấp học mầm non phải giữ được tính hồn nhiên của con trẻ. Với học sinh tiểu học phải chú trọng trau dồi đạo đức, lễ nghĩa. Với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông phải chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng sống, bản lĩnh, định hướng nghề nghiệp. Với sinh viên đại học, các cơ sở đào tạo nghề đào tạo phải hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ khoa học - công nghệ, đáp ứng thị trường lao động. Các cấp học phải hướng đến mục tiêu chung: Đào tạo học sinh, sinh viên có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, nêu cao ý thức trách nhiệm công dân, có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, thích ứng với xu thế hội nhập và phát triển.
Thứ hai, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm, có đạo đức trong sáng; chuyên môn, nghiệp vụ giỏi; biết truyền cảm hứng cho học sinh, tấm gương sáng để học sinh noi theo; mỗi thầy, cô giáo hãy luôn tâm niệm câu danh ngôn: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi chỉ biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chất lượng. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với nhà giáo; quan tâm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác trong ngành Giáo dục.
Trước thực trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, già hóa đội ngũ, ngành Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục nghề nghiệp và Đại học phải chủ động rà soát, đánh giá, tham mưu các giải pháp đồng bộ, hợp lý, dài hạn.
Phải làm tốt hơn nữa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng tầm dân trí để đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn. Cùng với ngân sách nhà nước, giáo dục và đào tạo muốn phát triển phải tăng cường công tác xã hội hóa, đảm bảo dân chủ, công khai, tạo sự đồng thuận trong xã hội; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có thương hiệu đầu tư các dự án giáo dục trên địa bàn. Phát huy vai trò của hội cựu giáo chức các cấp, phối hợp với ngành Giáo dục trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Những cái ôm ấm áp, nghĩa tình và xúc động trong ngày hội ngộ của những đồng nghiệp cũ.
Các nhà trường tập trung triển khai mô hình “trường học hạnh phúc” đảm bảo thực chất, có môi trường lành mạnh, trong sáng, nhân văn, nghĩa tình; mọi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh phải thấu hiểu, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; ngăn chặn kịp thời và kiên quyết nói không với tình trạng bạo lực học đường, tình trạng xâm hại trẻ em.
Tăng cường liên kết đào tạo nghề giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp; huy động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đào tạo nghề. Đề ra các giải pháp chiến lược, cụ thể, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để Trường Đại học Hà Tĩnh hoạt động ổn định, phát triển.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận, đồng hành của phụ huynh, Nhân dân và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải thường xuyên quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo; tránh tư tưởng “khoán trắng” cho ngành Giáo dục và Đào tạo; đảm bảo các điều kiện, chính sách thuận lợi nhất để đội ngũ cán bộ quản lí, nhà giáo và người lao động ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đối với các bậc phụ huynh phải luôn chung tay, góp sức với chính quyền các cấp, tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường.
Đối với các em học sinh, sinh viên, mong muốn các em luôn nỗ lực, rèn luyện, hăng say học tập, thương yêu, giúp đỡ bạn bè, trau dồi kỹ năng để trở thành những công dân phát triển toàn diện về đạo đức, nhân cách, trí thức, công dân toàn cầu, vững tin viết tiếp trang sử vàng của dân tộc và quê hương.
Phát huy truyền thống và những kết quả đạt được, tin tưởng, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh sẽ tiếp tục gặt hái những thành tích trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với niềm tự hào và kỳ vọng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà.