Hơn 575.000 thí sinh bước vào môn đầu tiên đợt 2 kỳ thi đại học

Trong đợt thi này, có nhiều khối thi và môn xã hội nên Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác coi thi.

Sáng nay (9/7), hơn 575.000 thí sinh chính thức bước vào làm bài thi môn đầu tiên của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2014.

Thí sinh làm bài thi môn đầu tiên của đợt 1 kỳ thi ĐH năm 2014
Thí sinh làm bài thi môn đầu tiên của đợt 1 kỳ thi ĐH năm 2014

Buổi sáng, thí sinh khối B và D làm bài thi môn Toán; khối C thi Địa lý theo hình thức tự luận với thời gian là 180 phút.

Từ 6h sáng nay, hầu hết thí sinh đã có mặt tại hội đồng thi.

Trong khoảng từ 6h30-6h45, cán bộ coi thi số 2 đánh số báo danh và chỗ ngồi của thí sinh; gọi thí sinh vào phòng thi; đối chiếu, kiểm tra ảnh, thẻ dự thi; phát giấy thi và giấy nháp cho thí sinh.

Bắt đầu từ 6h45-7h, giám thị coi thi số 1 nhận đề thi tại điểm thi. Từ 7h-7h15, cán bộ coi thi bóc và phát đề thi cho thí sinh. Đúng 7h15, thí sinh bắt đầu làm bài thi môn đầu tiên theo hình thức tự luận với thời gian làm bài là 180 phút.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong đợt 2 của kỳ thi ĐH này, có nhiều khối thi và môn thi xã hội nên Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác đảm bảo sao in bảo quản đề thi và đảm bảo an toàn trong coi thi. Về phía Bộ GD-ĐT cũng tăng cường các đoàn thanh tra đi kiểm tra các điểm sao in đề thi và công tác coi thi của các địa phương.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT lưu ý các địa phương tăng cường đảm bảo nghiêm kỷ cương trông thi, không để thí sinh mang tài liệu hay những thiết bị nghiêm cấm và nghi ngờ vào phòng thi. Nếu hội đồng thi nào phát hiện những thiết bị lạ mà thí sinh mang vào phòng thi thì phải báo ngay với Ban chỉ đạo của hội đồng đó để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Trong những ngày diễn ra kỳ thi, ngoài các đoàn thanh tra đến trực tiếp các điểm thi, Bộ GD-ĐT cũng cử các đoàn thanh tra lưu động, không báo trước cho các hội đồng thi.

Năm nay là năm có nhiều đổi mới trong thi cử và đề thi với yêu cầu thí sinh không chỉ nắm chắc kiến thức chương trình trong sách giáo khoa THPT mà còn phải có kiến thức xã hội và khả năng tư duy tốt, vận dụng kiến thức vào thực tiến cuộc sống. Đề thi nhằm tránh hiện tượng “học tủ, học lệch” và học thuộc lòng. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý những điểm mới này để định hướng cách làm bài thi sao cho đạt kết quả cao nhất.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý thí sinh không nên mang tài liệu, vật dụng trái phép và nghiêm cấm vào phòng thi. Nếu mang những vật dụng, tài liệu bị cấm vào phòng thi, thí sinh sẽ bị đình chỉ và hủy kết quả thi, dù đã sử dụng hay chưa sử dụng.

Trước đó, ngày 8/7, thí sinh dự thi khối B, C, D và các môn năng khiếu đã làm thủ tục dự thi ĐH đợt 2.

Trong đợt thi này, Bộ GD-ĐT thống kê có 761.753 thí sinh đăng kí dự thi. Tuy nhiên, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi trong ngày 8/7 là 575.188. Như vậy, tỷ lệ thí sinh làm thủ tục dự thi/số đăng kí dự thi là 75,51%. Số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh là 65.659./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Đọc thêm

Bồi đắp lòng yêu nước cho trẻ

Bồi đắp lòng yêu nước cho trẻ

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các trường học tại Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để khơi dậy, bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Học song ngành – Nhân đôi cơ hội việc làm

Học song ngành – Nhân đôi cơ hội việc làm

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, nhiều sinh viên ở Hà Tĩnh lựa chọn học song ngành như một cách để mở rộng tri thức, trang bị kỹ năng và nhân đôi cơ hội việc làm trong tương lai.
Làm gì khi con "khủng hoảng" tuổi dậy thì?

Làm gì khi con "khủng hoảng" tuổi dậy thì?

Trẻ ở độ tuổi dậy thì với những thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý khiến không ít phụ huynh phải loay hoay với việc giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong giai đoạn “khủng hoảng” này.