Mùa Thu độc lập - mùa tựu trường

(Baohatinh.vn) - Như đã hẹn với đất trời, mùa thu – mùa tựu trường đã lại về trong nỗi háo hức chờ mong của mỗi cô, cậu học trò Hà Tĩnh.

Ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Để có được vinh quang ấy, biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước đã âm thầm trong đêm trường nô lệ vận động toàn dân làm một cuộc cách mạng vĩ đại, thay đổi số phận toàn dân tộc. Kể từ mùa thu ấy, nền giáo dục cách mạng đã thay thế nền giáo dục thực dân, phong kiến. Thân phận của những con người từng bị coi là “vong quốc nô” đã đổi khác, trở thành công dân một nước độc lập, tự do, được làm chủ cuộc đời mình.

Đón em vào lớp một
Đón em vào lớp một

Ngay trong mùa khai giảng đầu tiên của nền giáo dục cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi HS. Trong thư, Người viết: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam…”.

… “Ngày nay, các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”...

Người cũng đã gửi tới thế hệ trẻ những lời khuyên tha thiết, ân cần, gợi trong lòng lớp lớp HS tiền đồ của đất nước và trách nhiệm của bản thân: … “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”…

Cùng với HS cả nước, ngành Giáo dục trên vùng đất học Hà Tĩnh cũng đã bước vào năm học đầu tiên trong không khí vô cùng phấn khởi và tự hào với hành trang là bức thư của Bác. Nhận thức rõ, non sông đất nước có tươi đẹp, hùng cường hay không chính là từ nền tảng những công dân được đào tạo tốt, phong trào “Bình dân học vụ”, xóa mù chữ đã được triển khai rầm rộ bắt đầu từ “cái nôi” Cẩm Bình rồi lan tỏa khắp các địa phương từ miền xuôi tới miền ngược. Cùng với quốc nạn giặc đói, giặc ngoại xâm thì giặc dốt cũng được xác định như một mục tiêu chính cần giải quyết gấp.

Tiếp bước truyền thống giáo dục từ những ngày đầu mùa thu cách mạng, thực hiện lời căn dặn của Bác: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”, nền giáo dục Hà Tĩnh hôm nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Dải đất khắc nghiệt đầy nắng gió, nơi đời sống của người dân còn lắm gian truân, nhưng tinh thần hiếu học từ muôn đời đã làm nên khí chất riêng của người Hà Tĩnh. Chính vì thế, vượt qua khó khăn trong cuộc sống thường ngày, đầu tư cho giáo dục luôn được xem là quốc sách hàng đầu của cấp ủy, chính quyền và người dân trên toàn tỉnh.

Niềm vui ngày khai trường
Niềm vui ngày khai trường

Cô Nguyễn Thị Luyện - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Gia Hanh (Can Lộc) cho biết: “Ở vùng bán sơn địa, đời sống của người dân còn nghèo, nhưng với sự nghiệp giáo dục, họ luôn sẵn sàng. Tinh thần ấy không chỉ được thể hiện bằng ngày công đóng góp mà mỗi khẩu còn tiết kiệm chi tiêu, dành 200 ngàn đồng để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp”.

Tình cảm ấm áp ấy đã tiếp thêm nhiệt huyết, tình yêu nghề cho hàng chục ngàn giáo viên. Cùng với thực hiện tốt nghị quyết đại hội Đảng các cấp; thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 8, việc bám sát chủ đề mỗi năm học, thực hiện các cuộc vận động lớn của ngành cũng như phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo động lực, khí thế thi đua sôi nổi trong mỗi nhà trường.

Hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy học tại các nhà trường đã được khởi động ngay từ đầu mỗi năm học thông qua việc khảo sát chất lượng HS để từ đó điều chỉnh, xác định phương pháp dạy học phù hợp, đồng thời làm cơ sở cho việc bàn giao chất lượng HS lớp dưới lên lớp trên vào cuối năm học. Công tác bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu kém ở bậc tiểu học cũng dần đi vào nền nếp. Việc áp dụng các mô hình trường học mới (VNEN), phương pháp “bàn tay nặn bột”, Tiếng Việt công nghệ mới, mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh… cùng với nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại các trường THCS, tiểu học cũng đã bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, chú trọng rèn luyện kỹ năng cho HS, nâng cao hiệu quả trong từng bài giảng.

Việc đánh giá, xếp loại ngày càng đi vào thực chất đã có tác động lớn đến quá trình phấn đấu, rèn luyện của HS. Cứ thế, sau mỗi “mùa gieo hạt”, “cánh đồng” giáo dục lại có thêm những “mùa vàng”. Ngành Giáo dục Hà Tĩnh tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu của cả nước, hoàn thành tốt 16/16 tiêu chí thi đua do Bộ GD&ĐT quy định, trong đó có 13 lĩnh vực được đánh giá hoàn thành xuất sắc. Hà Tĩnh cũng là tỉnh đầu tiên trong khu vực hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi...

Tiếng trống khai trường đã điểm. Nét bút thơm mùi mực nắn nót những dòng chữ đầu tiên trên trang giấy trắng, đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp cho một năm học mới. Rưng rưng xúc động trong ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, ông Nguyễn Sỹ Bốn (79 tuổi, thị trấn Thạch Hà) cho biết: “Chứng kiến không khí tựu trường của các cháu, tôi xúc động đến trào nước mắt. Giờ đây, với sự quan tâm của các cấp chính quyền và các bậc làm cha, làm mẹ, các cháu đã được chăm sóc chu đáo, được học tập dưới những mái trường khang trang, sạch đẹp. Mong các cháu cố gắng, chăm chỉ luyện rèn để trở thành những người có ích cho xã hội”.

Giờ học đầu tiên đã bắt đầu. Trong sâu thẳm nghĩ suy của mỗi thầy - trò vẫn vang vọng những lời dặn dò, động viên, khích lệ của vị Cha già dân tộc qua bức thư Người gửi nhân ngày khai trường. Mỗi người đều thầm hứa sẽ phấn đấu hơn nữa để góp phần làm dày thêm truyền thống của vùng đất học.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast