Giới chức Bolivia thông báo bắt giữ Tướng Zuniga vì âm mưu đảo chính

Chiều 26/6, các xe bọc thép và binh sỹ đã rút khỏi khu vực xung quanh Dinh Tổng thống Bolivia, sau khi Tổng thống bổ nhiệm những chỉ huy quân đội mới; chưa rõ Tướng Zuniga được di lý đi đâu.

Tổng thống Bolivia Luis Arce giơ nắm đấm siết chặt giữa những người ủng hộ và giới truyền thông, bên ngoài dinh thự của chính phủ ở La Paz (Bolivia), ngày 26/6/2024. (Nguồn: AP)
Tổng thống Bolivia Luis Arce giơ nắm đấm siết chặt giữa những người ủng hộ và giới truyền thông, bên ngoài dinh thự của chính phủ ở La Paz (Bolivia), ngày 26/6/2024. (Nguồn: AP)

Truyền thông Bolivia cùng một số nhân chứng cho biết giới chức Bolivia đã bắt giữ Tướng Juan Jose Zuniga vào chiều 26/6 (giờ địa phương), vài giờ sau khi các binh sỹ dưới quyền ông này đột nhập vào Dinh Tổng thống (trụ sở cũ) trong khi xuất hiện thông tin về một âm mưu đảo chính quân sự do ông Zuniga cầm đầu.

Chính phủ Bolivia và nhiều nhà lãnh đạo các nước đã lên án âm mưu đảo chính nói trên. Hiện vẫn chưa rõ ông Zuniga được di lý đi đâu.

Chiều 26/6 (giờ địa phương), các xe bọc thép và binh sỹ đã rút khỏi khu vực xung quanh Dinh Tổng thống Bolivia, sau khi Tổng thống nước này, ông Luis Arce, bổ nhiệm những chỉ huy quân đội mới.

Tân Tổng tư lệnh quân đội Bolivia, Jose Wilson Sanchez, thay cho Tướng đảo chính Zuniga, đã ra lệnh cho các binh sỹ do Tướng Zuniga cầm đầu rút lui, trong khi Tòa án Tối cao của nước này đã lên án cuộc tấn công mà họ cho là chống lại sự ổn định của nền dân chủ ở quốc gia Nam Mỹ này.

Trước đó, Tướng Zuniga nhận được thông báo bị cách chức vào ngày 25/6, một ngày trước khi xảy ra vụ đảo chính bởi những lời đe dọa chống lại cựu Tổng thống Evo Morales (2006-2019).

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 24/6, ông này tuyên bố ông Morales, Chủ tịch Đảng Phong trào Tiến lên Chủ nghĩa Xã hội (MAS), không thể tiếp tục làm Tổng thống một lần nữa.

Lực lượng đảo chính tuyên bố trả tự do cho các tù nhân

Trước đó cùng ngày 26/6, sau khi chiếm Phủ Tổng thống, Tổng Tư lệnh lực lượng quân đội Bolivia, Juan Jose Zuniga, tuyên bố cuộc tấn công vào trụ sở Chính phủ là nhằm “thiết lập lại nền dân chủ” và “giải phóng các tù nhân chính trị.”

Phát biểu với một nhóm nhà báo tại Phủ Tổng thống, ông Zuniga cho biết sẽ trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và những sỹ quan quân đội hiện đang bị giam giữ.

Báo chí Bolivia đưa tin trong những ngày qua ông Zuniga đã có những bất bình và tuyên bố chống lại việc cựu Tổng thống Evo Morales sẽ ra tái tranh cử vào năm 2025.

Ông Morales, Chủ tịch Đảng Phong trào Tiến lên Chủ nghĩa Xã hội (MAS), từng giữ chức Tổng thống từ năm 2006 đến năm 2019 và là Tổng thống người bản địa đầu tiên ở Bolivia.

Tổng thống Luis Arce, thành viên đảng MAS, từng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Kinh tế dưới thời ông Morales làm tổng thống.

Ngay sau khi diễn ra vụ việc, ông Arce đã bổ nhiệm Thiếu tướng Jose Wilson đảm nhiệm chức Tổng Tư lệnh Lực lượng quân đội Bolivia, đồng thời kêu gọi ông Zuniga kiềm chế “không gây đổ máu trong quân đội.”

Lực lượng an ninh tập trung bên ngoài lối vào chính khi một chiếc xe bọc thép đâm vào cửa Phủ Tổng thống tại Plaza Murillo ở La Paz (Bolivia), ngày 26/6/2024. (Nguồn: AP)
Lực lượng an ninh tập trung bên ngoài lối vào chính khi một chiếc xe bọc thép đâm vào cửa Phủ Tổng thống tại Plaza Murillo ở La Paz (Bolivia), ngày 26/6/2024. (Nguồn: AP)

Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Bolivia, ông Luis Arce, ngày 26/6 đã kêu gọi người dân nước này tập hợp chống lại “cuộc đảo chính” sau khi binh lính cố tiến vào trụ sở chính quyền ở trung tâm thủ đô La Paz.

Ông Arce phát biểu trong một thông điệp trên truyền hình cùng với các bộ trưởng của ông bên trong Dinh Tổng thống: “Chúng tôi cần người dân Bolivia tổ chức và tập hợp chống lại cuộc đảo chính. Chúng ta không thể để cuộc đảo chính cướp đi sinh mạng của người Bolivia một lần nữa.”

Phản ứng của quốc tế

Ngày 26/6, Tổng Thư ký Tổ chức Các Quốc gia châu Mỹ, ông Luis Almagro đã lên án mạnh mẽ vụ đảo chính ở Bolivia. Ông nhấn mạnh quân đội phải phục tùng chính quyền dân sự được bầu cử hợp pháp.

Trong khi đó, Tổng thống Chile Gabriel Boric nói: "Từ Chile, tôi phải bày tỏ sự lo lắng của mình đối với tình hình ở Bolivia. Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ đối với nền dân chủ ở đất nước anh em của chúng tôi và chính quyền hợp pháp của ông Luis Arce... Chúng ta không thể dung thứ cho bất kỳ hành vi vi phạm trật tự Hiến pháp hợp pháp nào ở Bolivia hoặc bất kỳ nơi nào khác."

Còn Tổng thống Paraguay Santiago Pena cũng tuyên bố: "Paraguay lên án việc huy động quân đội bất thường ở Bolivia, vụ việc đã bị Tổng thống Arce tố cáo. Chúng tôi đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ việc tôn trọng dân chủ và pháp quyền."

Chính phủ Brazil cũng kịch liệt lên án âm mưu đảo chính đang diễn ra ở Bolivia. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Brazil, Chính phủ Brazil cho rằng những sự kiện đang diễn ra ở Bolivia không phù hợp với cam kết của nước này với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Còn Tổng thống Mexico Lopez Obrador tuyên bố rằng Mexico kịch liệt lên án âm mưu đảo chính ở Bolivia.

Theo Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, EU lên án bất kỳ âm mưu nào nhằm phá vỡ trật tự Hiến pháp ở Bolivia và lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ. Mỹ hiện cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Bolivia đồng thời kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cùng ngày kêu gọi tôn trọng nền dân chủ và pháp quyền ở Bolivia sau khi xảy ra những vụ việc ở Thủ đô La Paz.

Trong khi đó, Tổng thống Bolivia Luis Arce ngày 26/6 đã yêu cầu Tướng Juan Jose Zuniga ra lệnh các binh sỹ, mà đã tiếp quản quảng trường trung tâm ở thủ đô La Paz, giải ngũ. Ông Luis Arce đã lên tiếng tố cáo âm mưu đảo chính của một bộ phận quân đội và kêu gọi tôn trọng nền dân chủ./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.