Nguyên nhân hầu hết xuất phát từ chính bản thân những người này nhưng họ không nhận ra. Chuyên gia tâm lý đã tổng hợp 12 lý do phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này.
Không ưu tiên hẹn hò
Đầu tiên và quan trọng nhất, nhiều người cô đơn vì họ không xem hẹn hò là ưu tiên trong cuộc sống. Họ có thể mơ về một mối quan hệ tình cảm nhưng lại không dành thời gian cho các sự kiện xã hội, bỏ qua những người quan tâm mình và luôn duy trì cuộc sống bận rộn. Làm việc, tập luyện, bạn bè và các sở thích mới là ưu tiên hàng đầu của họ, còn hẹn hò chỉ là phụ. Hoặc họ luôn tâm niệm “chuyện gì đến sẽ đến”.
Thực ra, đây không phải chuyện xấu. Một số người vẫn có thể vô tình gặp được “nửa kia” trên đường đời, song đa phần đều cần chút chú tâm. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc bạn nên bắt đầu đầu tư thêm vào chuyện hẹn hò.
Bị nỗi sợ níu kéo
“Nỗi sợ là một trong những lý do hàng đầu khiến mọi người độc thân”, Myisha Battle, chuyên gia tư vấn về giới tính và hẹn hò người Mỹ, cho biết. Nỗi sợ bao gồm sợ bị từ chối, sợ hẹn hò trên mạng, sợ thổ lộ tình cảm với đối phương.
Bạn muốn ưu tiên hẹn hò nhưng lại sợ đủ thứ, sợ suy nghĩ của người khác về mình hay sợ bị tổn thương. Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy an toàn hơn khi ngồi lại và chờ đợi hoặc bạn cố gắng tỏ ra bận rộn, tập trung vào bản thân hơn là thẳng thắn thừa nhận bạn muốn yêu và sẽ làm mọi thứ để biến điều đó thành hiện thực.
Chưa gặp đúng người
Theo nhà tâm lý học Carla Marie Manly, thỉnh thoảng mọi người cô đơn lâu hơn họ muốn chỉ đơn giản vì chưa gặp người phù hợp. Một số trong chúng ta hòa hợp với tất cả mọi kiểu người, trong khi số khác cần một típ nhất định. Với những người thuộc nhóm sau, họ sẽ phải chờ đợi lâu hơn cho đến khi tìm thấy ai đó thực sự hợp với mình.
Liên tục hẹn hò sai người
Có người chờ đợi mãi chưa có ai phù hợp, nhưng cũng có người liên tục lựa chọn sai. Một số lý do cho việc chọn sai là: muốn có mối quan hệ kịch tính hơn là lành mạnh; coi trọng ngoại hình hơn tính cách; nhận ra dấu hiệu báo động đỏ quá muộn; nhảy vào một mối quan hệ dù không có chỉ báo an toàn nào.
Kỳ vọng phi thực tế
Theo Manly, trong một vài trường hợp, họ không tìm được người yêu vì kỳ vọng quá cao. Không có gì sai trái khi đặt tiêu chuẩn cao cho một mối quan hệ, song có người lại chuẩn bị sẵn danh sách dài các phẩm chất họ muốn tìm kiếm ở đối tác. Chúng chi tiết đến mức không một người nào đáp ứng được. Xét cho cùng, không có ai hoàn hảo.
Không có tiêu chuẩn nào
Ngược lại, có người độc thân chỉ vì họ đặt tiêu chuẩn không đủ cao, thậm chí còn chẳng đặt ra tiêu chí nào, Manly chia sẻ. Điều quan trọng là chúng ta vẫn nên có một số tiêu chuẩn nào đó trong hành vi mà bạn chấp nhận/không chấp nhận.
Chúng ta sẽ độc thân vĩnh viễn nếu tiếp tục để những người vượt quá ranh giới, không tôn trọng mình bước vào đời họ, hoặc liên tục hẹn hò với những người mà họ không có hứng thú hay hòa hợp.
Chưa học được kỹ năng quan trọng
Theo Battle, một số thiếu kỹ năng cần thiết để duy trì mối quan hệ lành mạnh. Chẳng hạn, nếu là ai đó luôn cảm thấy bất an trong các mối quan hệ, bạn có thể thể hiện hành vi đeo bám làm đối phương sợ hãi. Hoặc, nếu không thể giải quyết xung đột bằng một cái đầu lạnh, bạn sẽ dẫn đến những cuộc cãi vã nảy lửa, khiến cho mối quan hệ không bền vững.
Đối diện với các vấn đề cá nhân là điều không đơn giản, song cần thiết để hình thành mối quan hệ lành mạnh trong tương lai.
Mắc kẹt trong quá khứ
Một vài người không thể tiếp tục mối quan hệ mới vì vẫn mắc kẹt trong quá khứ, dù đó là người yêu cũ, người bạn thích đơn phương hay bất kỳ điều gì làm cho bạn “đóng cửa trái tim”.
Những vết thương chưa lành
Bên cạnh người yêu cũ, còn có những vết thương chưa khép miệng, ngăn cản chúng ta bước vào các mối quan hệ mới, theo Manly. Chẳng hạn, trải nghiệm thời thơ ấu, gia đình không hạnh phúc, quan hệ với bố mẹ... sẽ ảnh hưởng lớn đến hành vi của chúng ta khi trưởng thành. Các vấn đề khiến cho việc duy trì quan hệ trở nên khó hơn nhiều. Bà Manly giải thích, khi không nhận thức được các vết thương lòng hay làm gì để “hàn gắn”, chúng ta thường vô thức đẩy mọi người ra xa.
Thiệt thòi vì thành kiến xã hội
Battle trấn an, “độc thân có lẽ không phải lỗi của bạn”. Nó có thể là “bãi mìn” đối với những người thuộc nhóm thiểu số như khuyết tật, béo phì. Phân biệt giới tính, phân biệt đối xử người khuyết tật, chứng sợ béo cùng tất cả thành kiến khác đã xâm nhập vào cách con người tương tác với nhau và lựa chọn người họ muốn hẹn hò.
Không cởi mở với văn hóa hẹn hò hiện đại
Nhiều người vẫn vương vấn ngày xưa khi mọi người gặp gỡ nhau tại các địa điểm quen thuộc như nhà thờ, trường hoc. Song, hiện nay hẹn hò trực tuyến hay qua ứng dụng đã trở thành xu hướng phổ biến. Nếu sử dụng ứng dụng hẹn hò với suy nghĩ chỉ tốn thời gian, bạn sẽ không thể mở lòng với những người thực sự muốn kết nối, trò chuyện.
Bạn thực sự không muốn yêu đương
Sâu thẳm trong tâm hồn, bạn đơn giản không muốn hẹn hò và có thể sống hạnh phúc một mình. Tất cả chúng ta đều có áp lực xã hội (đặc biệt với phụ nữ) về yêu đương và kết hôn. Đôi khi, bạn tự cho rằng mình muốn hẹn hò nhưng sự thật áp lực ấy lại đến từ bên ngoài.
Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi đánh giá cao những ai có thể tìm và duy trì quan hệ tình cảm, còn độc thân bị xem là thất bại. Trong môi trường như vậy, không có gì lạ khi nhiều người khao khát muốn tìm kiếm người yêu và cảm thấy xấu hổ, tự ti khi cô đơn, ngay cả khi họ không muốn yêu.
Vậy, độc thân có phải điều bình thường? Battle cho rằng, “hoàn toàn bình thường nếu độc thân, dù là do lựa chọn hay do không tìm được người phù hợp”. Theo báo cáo năm 2020 của Trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng 31% người lớn Mỹ độc thân. Báo cáo khác của Pew năm 2017 chỉ ra, 1 trong 7 người chưa từng kết hôn không muốn kết hôn, 27% nói họ không chắc có muốn lập gia đình không. Những nghiên cứu khác đều gợi ý số người độc thân đang tăng dần.