Giống Nhị ưu 838 sau khi ngâm ủ bị đen, thối mộng
Sau khi nhận được phản ánh về giống Nhị ưu 838 nảy mầm không đều, Chi nhánh Công ty CP Giống cây trồng Trung ương miền Trung (đơn vị cung ứng giống) đã tiến hành xuống địa bàn kiểm tra, tiến hành lấy mẫu (được lấy từ số giống còn lại của các hộ dân chưa ngâm ủ) thử tỷ lệ mầm dưới sự chứng kiến của người dân, đại lý phân phối. Riêng tại xã Đức Liên, quá trình này có sự chứng giám của UBND xã.
Biên bản Chi nhánh Công ty CP Giống cây trồng Trung ương miền Trung làm việc tại các địa phương
Theo biên bản làm việc của công ty tại một số hộ dân ở hai xã Đức Hương và Đức Liên (Vũ Quang), đại lý An Thương (Đức Hương), HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Liên, HTX Dịch vụ nông nghiệp Khởi Phát (Đức Liên), các mẫu lô giống 4.02.LL.NK.18.026, 4.02.LL.NK.18.027, 4.02.LL.NK.18.032, trước khi cung ứng về đầu mối tại địa phương đã được kiểm tra đạt tiêu chuẩn, đầy đủ hồ sơ giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa.
Sau quá trình ngâm ủ, các mẫu giống (đại lý An Thương) có tỷ lệ nảy mầm đạt 98% đối với mẫu lô giống 4.02.LL.NK.18.026 và 96% đối với mẫu lô giống 4.02.LL.NK.18.027. Tại xã Đức Liên, mẫu lô giống 4.02.LL.NK.18.032 cũng đạt 90,06% và 90% tại hai điểm lấy giống.
Bao giống ghi lô 4.02.LL.NK.18.026 tại xã Đức Hương
Ông Nguyễn Văn Lý - Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Giống cây trồng Trung ương miền Trung cho biết: “Các mẫu giống nảy mầm đạt tiêu chuẩn trên bao bì. Nhận định ban đầu, nguyên nhân giống lúa Nhị ưu 838 nảy mầm không đều ở các xã Đức Hương, Đức Liên là do người dân ngâm tỷ lệ nước ít, số lần thay nước trong quá trình ngâm ủ ít (2 lần) và ngâm quá thời gian quy định. Tuy nhiên, công ty vẫn đồng ý đổi lô giống khác (4.02.LL.NK.18.025) cho những hộ dân có nhu cầu và ngâm ủ lại để kịp tiến độ vụ xuân 2019”.
Về phía Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở cho rằng, chưa đủ cơ sở để kết luận nguyên nhân. Ngay từ đầu, Chi nhánh Công ty CP Giống cây trồng Trung ương miền Trung đã không chấp hành Thông báo 486 của Sở NN&PTNT về quản lý chất lượng giống. Theo đó, đơn vị này phải thực hiện báo cáo với Sở NN&PTNT về kế hoạch cung ứng giống, hồ sơ pháp lý của giống và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra chất lượng giống trước khi xuất bán cho dân.
“Giống là tư liệu sản xuất, do đó, buộc phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm tra chất lượng. Theo hồ sơ, các lô giống do Chi nhánh Công ty CP Giống cây trồng Trung ương miền Trung cung ứng đã được Trung tâm Kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia chứng nhận lô giống phù hợp với kỹ thuật. Song, trước khi xuất bán ra tại Hà Tĩnh, số giống này phải được cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra lại chất lượng (thử tỷ lệ nảy mầm - PV) một lần nữa” - ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết.
Việc các HTX, đại lý cố tình vi phạm quy định quản lý về giống đã gây ra hệ lụy cho sản xuất
Theo thống kê, có 16 tấn giống Nhị ưu 838 “đi thẳng”, chính các HTX, đại lý đã cố tình vi phạm quy định về quản lý giống. Theo ông Thanh, hiện nay, cơ quan Sở NN&PTNT đã gửi mẫu đi phân tích và đang chờ kết quả trước khi đưa ra kết luận chính thức.
Công bằng mà nói, cái khó của nhà cung ứng chính là sự bị động nguồn cầu. Thường phải đến thời điểm “sát nút” thì các đầu mối mới báo số lượng cần, thậm chí phát sinh hoặc giảm đi tùy thời vụ. Vì vậy, việc thực hiện cung ứng đôi khi không thể theo đúng kế hoạch. Trong khi đó, cơ quan Chi cục Trồng trọt - BVTV (Sở NN&PTNT) có nhiệm vụ xây dựng đề án sản xuất thì việc “nắm” đầu mối giống, đơn vị cung ứng lại chưa chủ động phối hợp với đơn vị quản lý chất lượng để kiểm soát tốt.
Đó là chưa nói, Nhị ưu 838 là giống lúa chủ lực, việc lên phương án sản xuất bao nhiêu, vùng nào, cần bao nhiêu lượng giống và nguồn cung ở đâu phải được lập kế hoạch chi tiết trước đó!