Ban Tổ chức tổ chức tiệc sinh nhật cho các thí sinh tham gia liên hoan.
Chị Nguyễn Đài Trang - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ tự lực (Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hà Tĩnh) cho biết: “Là một người khuyết tật, tôi hiểu rất rõ những khó khăn của những chị em cùng cảnh ngộ nên mới có ý tưởng tổ chức cuộc thi này. Đây là cơ hội để chị em khuyết tật tự tin, xóa bỏ mặc cảm, thể hiện những khả năng tiềm ẩn của bản thân, hòa nhập vào đời sống và đóng góp những giá trị nhất định đối với xã hội.
Cũng may là khi đưa ra ý tưởng, tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của chị em khuyết tật trên toàn tỉnh”.
Ngoài việc nộp hồ sơ qua đường bưu điện, nhiều thí sinh còn đến gặp trực tiếp ban tổ chức để nộp hồ sơ dự thi
Liên hoan “Vẻ đẹp hoa xương rồng” sẽ được tổ chức trên quy mô toàn tỉnh. Phụ nữ khuyết tật là công dân Việt Nam, hiện đang cư trú tại Việt Nam và trong độ tuổi từ 18 đến 40 đều có thể đăng ký tham dự.
Sau gần 1 tháng phát động, đến nay, Ban Tổ chức liên hoan đã nhận được hồ sơ dự thi của 40 chị em đến từ TP Hà Tĩnh và các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân, Đức Thọ… Hồ sơ dự thi cho thấy tiềm năng dồi dào về khả năng và những ý tưởng khởi nghiệp của chị em khuyết tật.
Trên cơ sở các hồ sơ dự thi, Ban Tổ chức đã nghiên cứu và đánh giá để lựa chọn 15 thí sinh vào vòng bán kết...
Em Phan Thị Thu Hằng ở Cổ Đạm (Nghi Xuân) cho biết: “Em có năng khiếu hội họa và đã theo học vẽ ở địa phương. Tuy nhiên, ước mơ của em là được học cao hơn nữa để có thể mở phòng tranh của riêng mình. Liên hoan “Vẻ đẹp hoa xương rồng” là cơ hội tốt để em có thể chạm tới giấc mơ của mình. Vì thế, em đã mạnh dạn tham gia cuộc thi và không thôi hy vọng cơ hội sẽ sớm đến với mình”.
Nhiều hồ sơ đã thể hiện tinh thần, ý chí vươn lên trong cuộc sống của những người phụ nữ kém may mắn
Liên hoan “Vẻ đẹp hoa xương rồng” còn nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng tới các vấn đề về quyền của người khuyết tật; hướng tới xây dựng hình ảnh tích cực của người khuyết tật trong xã hội và thay đổi các quan niệm bất bình đẳng về năng lực cũng như quyền của người khuyết tật.
Chị Bùi Thị Tuyết – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hà Tĩnh cho biết: “Mục đích lớn nhất của chúng tôi không phải là trao giải cho một vài cá nhân xuất sắc nào đó trong khuôn khổ liên hoan mà là thức dậy được những giấc mơ khởi nghiệp vốn được giấu kín trong sự mặc cảm, tự ti. Thông qua đó, góp phần đẩy lùi những quan niệm bất bình đẳng đối với người khuyết tật trong xã hội”.
Các thí sinh gần gũi, vui vẻ bên nhau tại một cuộc gặp gỡ bên lề liên hoan
Hiện nay, trên cơ sở các hồ sơ dự thi đã nhận được, Ban Tổ chức đã bắt đầu nghiên cứu để lựa chọn 15 gương mặt vào vòng bán kết. Các thí sinh cũng đã có những cuộc gặp gỡ bên lề để tạo không khí gần gũi, thân thiện. Thông qua đó, Ban Tổ chức cũng sẽ đánh giá được một số tiêu chí như sự tự tin, năng động, khả năng khám phá năng lực bản thân, ý chí, sự sáng tạo trong cuộc sống. Dự kiến, đêm chung kết sẽ diễn ra vào tối 26/4/2019.
“Thời gian qua, ngoài công tác chuẩn bị nội dung, Ban Tổ chức chúng tôi cũng đã nỗ lực tìm kiếm các nhà tài trợ và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các lĩnh vực liên quan để kết nối, giúp đỡ ý tưởng khởi nghiệp của các thí sinh. Hiện tại, rất vui là chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều phía và cũng đã có một số em đã được nhận đào tạo nghề, định hướng khởi nghiệp từ các cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm” - chị Nguyễn Đài Trang chia sẻ thêm.