Người dân chủ quan, thờ ơ
Ngày 8/10, xã Tùng Lộc (Can Lộc) ghi nhận ca sốt xuất huyết đầu tiên trên địa bàn. Từ đó đến nay, toàn xã đã có 41 người bị sốt, trong đó nghi sốt xuất huyết 14 người và có 8 ca dương tính với sốt xuất huyết.
Nhiều dụng cụ chứa nước không được người dân ở nhiều địa phương Hà Tĩnh loại bỏ.
Địa bàn thôn Đông Yên cũ (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh) tính từ ngày 12/10 - 21/10 đã có 12 trường hợp dương tính với vi rút sốt xuất huyết.
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), đến ngày 25/10, toàn tỉnh có 144 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có tới 57 ca mắc vãng lai (chiếm 40%), hầu hết người mắc đều nằm trong độ tuổi trên 15.
Ngoài Tùng Lộc và Kỳ Lợi, số người mắc tập trung nhiều tại các ổ dịch khác như: xã Thạch Long (Thạch Hà) với 17 ca; thị trấn Hương Khê có 29 ca; xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) 11 ca; xã Xuân Hội (Nghi Xuân) 9 ca; xã Tùng Lộc (Can Lộc) 8 ca...
Công tác vệ sinh môi trường còn nhiều yếu kém.
Theo báo cáo của ngành y tế, hiện nay, trên cả nước đang có hàng chục ngàn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó ngay như tỉnh Quảng Bình giáp với Hà Tĩnh đang có gần 6.000 ca mắc. Điều này đặt Hà Tĩnh vào nguy cơ bùng phát dịch rất lớn.
Tuy nhiên, với con số người mắc tính đến hiện nay là 144 ca đã thể hiện những nỗ lực và kết quả lớn của Hà Tĩnh trong công tác phòng, chống dịch.
Đánh giá về nguyên nhân phát sinh dịch, theo bác sỹ Trần Văn Bình – Giám đốc Trung tâm YTDP Can Lộc: “Trong quá trình kiểm tra thực tế mới thấy người dân chưa thực sự quan tâm đến việc phòng chống dịch. Dù đã tuyên truyền cho bà con việc vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết để tránh muỗi sinh trưởng, phát triển, thế nhưng bà con vẫn không chấp hành”.
“Khi lực lượng cán bộ y tế, đoàn thể chính trị xã hội vào cuộc, xuống tận nơi đôn đốc thì lúc đó mới bắt tay làm. Bà con chưa nhận thức được rằng, lực lượng chuyên môn chỉ hỗ trợ, hướng dẫn cho bà con làm, chứ không thể làm thay được. Quan trọng vẫn là ý thức tự giác của mỗi hộ gia đình” - ông Bình cho hay.
Hiện nay Hà Tĩnh đã có 144 ca mắc sốt xuất huyết.
Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc CDC Hà Tĩnh - Nguyễn Lương Tâm khẳng định, không chỉ tại Tùng Lộc mà qua kiểm tra thực tế tại các ổ dịch ở TX Kỳ Anh, Hương Khê, Cẩm Nhượng… nhận thấy, việc tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy trên địa bàn các khu dân cư có dịch còn hạn chế; người dân còn thờ ơ, chưa quan tâm đến công tác phòng bệnh.
Nhiều nơi người dân không chịu thu gom, lật úp các phế thải đựng nước tại nơi mình sinh sống; các dụng cụ chứa nước xung quanh đường làng ngõ xóm, nơi còn có ổ bọ gậy.
"Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết"
Sau khi phát sinh các ổ dịch, CDC Hà Tĩnh đã chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng huyện phối hợp với các địa phương tập trung các giải pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát rộng.
Theo đó, các trung tâm YTDP tập trung lực lượng ra để phun hóa chất tiêu độc khử trung tại các khu vực có dịch và các khu vực lân cận để diệt muỗi gây bệnh trưởng thành. Đồng thời, ngành đã đề nghị với các địa phương vào cuộc mạnh mẽ trong việc tuyên truyền, tổ chức cho bà con ra quân làm vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy.
Trung tâm YTDP các địa phương tập trung khoanh vùng, phun hóa chất diệt muỗi.
“Việc phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp nhằm diệt đàn muỗi trưởng thành, giảm mật độ muỗi truyền bệnh, còn phương châm quan trọng nhất trọng nhất trong phòng chống dịch SXH là “không có bọ gây thì không có sốt xuất huyết". Vì thế, giải pháp quyết định là phải dọn dẹp, vệ sinh môi trường sống, loại bỏ những vật dụng chứa nước, không để cho muỗi đẻ trứng, thả cá vào các bể nước tiêu diệt lăng quăng.
Để làm được điều này bên cạnh trách nhiệm, nỗ lực của ngành, rất cần sự vào cuộc tự giác của mỗi người dân. Tuyệt đối không lờ là, chủ quan trong phòng chống dịch” – Giám đốc CDC Nguyễn Lương Tâm khẳng định.
Việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước, không để muỗi đẻ trừng là giải pháp quan trọng nhất.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, khi người dân tại các ổ dịch có các dấu hiệu sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, có chấm xuất huyết xuất hiện trên da, trên niêm mạc thì cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị, tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị. |