Văn phòng đảng ủy cấp xã là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ, thường trực cấp ủy trong tổ chức, điều hành công việc.
Văn phòng đảng ủy tham mưu việc tổ chức thực hiện chương trình của cấp ủy; chuẩn bị các báo cáo, tổ chức hội nghị; tiếp dân khi đến liên hệ công tác có liên quan đến cấp ủy; thực hiện nhiệm vụ công tác văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu, thu, nộp đảng đảng phí; quản lý hồ sơ đảng viên… Bên cạnh đó, văn phòng đảng ủy còn đảm nhiệm 5 chức năng tham mưu cho cấp ủy về công tác Đảng trên các lĩnh vực văn phòng, tổ chức, kiểm tra, dân vận, tuyên giáo.
Khối lượng công việc lớn nhưng hiện nay, văn phòng cấp ủy cơ sở chỉ do một đồng chí là công chức xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ hoặc hoạt động không chuyên trách.
Khối lượng công việc lớn nhưng hiện nay, văn phòng cấp ủy cơ sở chỉ do một đồng chí là công chức xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ hoặc người hoạt động không chuyên trách. Bởi theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ (về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã), thì văn phòng đảng ủy không thuộc cán bộ, công chức cấp xã.
Vừa làm nhiệm vụ công chức văn phòng UBND vừa kiêm nhiệm văn phòng cấp ủy, anh Dương Công Đức - công chức VP-TK UBND xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) luôn trong tình trạng quá tải công việc.
Tại Thạch Hà, linh hoạt đổi mới, sắp xếp bộ máy, từ giữa năm 2019, huyện đã thực hiện hợp nhất Văn phòng cấp ủy và Văn phòng HĐND - UBND; trong đó, bố trí mỗi xã, thị trấn 2 công chức văn phòng - thống kê (VP-TK) và giao nhiệm vụ cụ thể cho 1 công chức VP-TK thực hiện kiêm nhiệm vụ văn phòng cấp ủy. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm này chưa mang lại hiệu quả cao, bởi khối lượng công việc của văn phòng cấp ủy quá lớn.
Theo chức danh tuyển dụng, anh Dương Công Đức là công chức VP-TK UBND xã Lưu Vĩnh Sơn. Sau sáp nhập xã, Lưu Vĩnh Sơn có 3 công chức xã, vì vậy, anh Đức được điều chuyển kiêm nhiệm vụ văn phòng cấp ủy.
Anh Đức chia sẻ: “Lưu Vĩnh Sơn là xã sáp nhập từ 3 xã có hơn 700 đảng viên, 28 chi bộ. Chỉ riêng chuẩn bị tài liệu sinh hoạt chi bộ; thực hiện công tác hồ sơ đảng viên; chuẩn bị nội dung các cuộc hội nghị, tập huấn, báo cáo của cấp ủy; tổng hợp xếp loại đảng viên, tổ chức đảng đã chiếm thời gian rất nhiều. Hiện nay, ngoài hồ sơ lưu trữ bằng giấy tờ còn nhập hồ sơ dữ liệu qua nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, tôi còn làm các nhiệm vụ khác của văn phòng UBND, vì vậy khối lượng công việc luôn quá tải. Văn phòng cấp ủy phải là bộ phận giúp việc cho các đồng chí thường trực đảng ủy, thế nhưng có những thời điểm các đồng chí thường trực phải chia sẻ công việc thì tôi mới có thể hoàn thành nhiệm vụ”.
Bí thư Đảng ủy xã Lưu Vĩnh Sơn Ngô Văn Hảo mong muốn có một cán bộ, công chức chuyên trách văn phòng cấp ủy để đồng chí đó toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ, tránh kiêm nhiệm, phân tán công việc.
Chia sẻ thêm về nội dung này, Bí thư Đảng ủy xã Lưu Vĩnh Sơn Ngô Văn Hảo bày tỏ: “Vì là xã sáp nhập nên khối lượng công việc rất lớn, công chức văn phòng UBND hiện có 3 người nhưng chia nhau vẫn làm không hết việc. Vì vậy, đồng chí Đức vẫn đang một gánh hai vai mà chưa thể làm tròn vai một văn phòng cấp ủy. Nếu có một đồng chí chuyên trách thì chắc chắn cấp ủy sẽ hoạt động hiệu quả tốt hơn”.
Ở nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh, người làm văn phòng cấp ủy là người hoạt động không chuyên trách. Đảng bộ thị trấn Nghèn (Can Lộc) có hơn 1.100 đảng viên, 27 chi bộ. Khối lượng công việc lớn nên dù là cán bộ không chuyên trách nhưng cán bộ văn phòng đảng ủy thị trấn làm việc không kể ngày nghỉ.
Đảng viên đông, chị Phan Thị Hoài Thu - cán bộ hoạt động không chuyên trách Văn phòng Đảng ủy thị trấn Nghèn (Can Lộc) làm việc không kể ngày nghỉ.
Chị Phan Thị Hoài Thu - cán bộ hoạt động không chuyên trách Văn phòng Đảng ủy thị trấn Nghèn trải lòng: “Là cán bộ không chuyên trách nhưng thời gian làm việc của tôi không khác gì một công chức. Ngoài thời gian trong tuần giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn, tiếp dân với các nội dung liên quan đến cấp ủy, tôi còn phải dành cả thứ 7, chủ nhật để hoàn tất các báo cáo, quyết định, văn bản khác… Bên cạnh đó, là cán bộ ở thị trấn, tôi còn có nhiệm vụ tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cùng cơ sở".
Các văn bản, quyết định, hồ sơ về công tác Đảng nếu là người chưa có kinh nghiệm rất khó để hoàn thành tốt.
Công việc văn phòng cấp ủy đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và phải thực sự có trình độ, năng lực, tuy nhiên, mức phụ cấp chưa tương xứng. Cán bộ văn phòng đảng ủy cấp xã là đối tượng không chuyên trách, nên không được hưởng lương, chỉ được hưởng phụ cấp hằng tháng bằng 1.0 mức lương tối thiểu chung. Với người kiêm nhiệm thêm công việc khác thì mức tăng cũng không được quá 2.0 (không quá 2,9 triệu đồng/tháng).
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Can Lộc Bùi Văn Sơn chia sẻ: “Công việc văn phòng cấp ủy vô cùng vất vả, phụ cấp thấp; có những người gắn bó trên chục năm nhưng mãi vẫn chỉ mang danh “không chuyên trách”. Chúng tôi rất mong trung ương xem xét sớm cho chủ trương bố trí 1 cán bộ, công chức chuyên trách văn phòng đảng ủy cấp xã để đội ngũ này yên tâm công tác, cống hiến; qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo của cấp ủy tại địa phương, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng ở cơ sở”.
Cán bộ văn phòng cấp ủy đóng góp vai trò rất lớn trong nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo của cấp ủy tại địa phương, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng ở cơ sở.
Tổng hợp ý kiến từ cơ sở và nhìn nhận thực trạng nhiều năm nay, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý dự thảo Đề án “Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên” do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức vào đầu tháng 3/2022, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Hồng Hải tiếp tục đề xuất ý kiến về việc sớm cho chủ trương bố trí 1 công chức chuyên trách văn phòng đảng ủy ở các xã, phường, thị trấn. Mong rằng, đề xuất này được quan tâm thực hiện để đội ngũ cán bộ làm văn phòng cấp ủy cấp xã yên tâm làm việc, cống hiến.