Mạnh tay xử lý
Tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nguyên nhân Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” IUU (đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý) đối với Việt Nam.
Lực lượng chức năng Hà Tĩnh kiểm tra xử lý tàu giã cào vào vùng biển gần bờ khai thác hải sản
Ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Tình trạng này diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi hải sản, phát triển nghề cá. Các đối tượng vi phạm cất giấu dụng cụ kích điện, chất nổ ở các lèn đá, đảo đá gần bờ, che giấu dưới đáy tàu cá... để tránh sự kiểm tra, kiểm soát. Khi phát hiện tàu tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, đối tượng vứt bỏ dụng cụ trái phép xuống biển, thông báo cho các đối tượng khác trốn tránh, gây khó khăn cho lực lượng tuần tra.
“Hà Tĩnh đã và đang nỗ lực “tuyên chiến” với các hành vi này nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” IUU. Trong năm 2018, các cơ quan chức năng tổ chức 16 cuộc thanh tra, tuần tra, kiểm soát 400 lượt tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên biển. Qua đó, phát hiện và xử lý 41 trường hợp vi phạm, tịch thu 17 bộ kích điện, thu giữ 5 kg thuốc nổ...” - ông Thắng cho biết thêm.
... và bắt giữ, xử lý các đối tượng sử dụng kích điện hủy diệt nguồn lợi hải sản
Công tác tuyên truyền về các quy định khai thác thủy sản, hành vi khai thác bất hợp pháp IUU được đẩy mạnh. Chi cục Thủy sản đã đến tận nơi, phát tận tay bà con ngư dân hơn 2.000 tờ rơi và xây dựng pano tuyên truyền tại các cảng cá, bến cá...
Ông Nguyễn Văn Mạnh - Tổ trưởng Tổ Đồng quản lý nghề cá xã Xuân Yên (Nghi Xuân) cho rằng: Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cho ngư dân ký cam kết không khai thác thủy sản bất hợp pháp theo IUU thì tình trạng vi phạm trên ở địa phương cơ bản giảm hẳn, nguồn lợi hải sản dồi dào, sản lượng tăng lên, bà con ngư dân phấn khởi.
Quản lý tận gốc
Hà Tĩnh có 137 km bờ biển với vùng biển quản lý rộng lớn nên việc quản lý, giám sát hoạt động khai thác thủy sản đối với các tàu cá còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, lực lượng và phương tiện quản lý tàu cá còn hạn chế, năng lực tuần tra, kiểm soát trên biển còn yếu, tổ chức không được thường xuyên nên tình trạng vi phạm vẫn còn xẩy ra.
Ngư dân đến khai báo sản lượng các loại hải sản sau khi cập cảng Cửa Sót
Theo ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, việc thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát đóng tại Cảng cá Cửa Sót có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm khắc phục trước “lỗ hổng” kiểm soát tàu thuyền xuất nhập cảng.
Để quản lý truy xuất nguồn gốc, tất cả các chủ tàu thuyền cập cảng Cửa Sót đều phải khai báo sản lượng, các loại hải sản đánh bắt được. Đồng thời, phải xuất trình được đầy đủ hồ sơ theo quy định, đăng ký nghề khai thác trước khi rời cảng. Sau 5 tháng đi vào hoạt động, lực lượng văn phòng tiến hành kiểm tra 1.500 lượt tàu cá ra, vào các cảng cá, phát hiện 32 trường hợp vi phạm, phạt tiền và không cho xuất cảng 5 tàu cá; nhắc nhở, cảnh cáo 27 trường hợp...
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về khai thác hải sản theo quy định IUU
Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh, Trưởng Văn phòng đại diện Thanh tra, kiểm soát nghề cá tỉnh cho hay: Từ khi thành lập đến nay, văn phòng đã kiểm soát 500 tấn hải sản các loại cập cảng để chứng minh nguồn gốc. Hiện tại, Hà Tĩnh chưa có trường hợp tàu cá nào vi phạm khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Với sự vào cuộc quyết liệt bằng những hành động cụ thể, giải pháp “mạnh”, Hà Tĩnh ngăn chặn, giảm thiểu các hành vi vi phạm về hoạt động khai thác IUU và sớm loại bỏ tình trạng này, góp phần cùng cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản Việt Nam. Quan trọng hơn, từng bước đưa nghề cá vào “khuôn khổ’, bảo vệ nguồn lợi hải sản không chỉ cho hôm nay mà cả mai sau.