Hà Tĩnh khởi đầu tích cực, tạo đột phá cho năm “nước rút”

(Baohatinh.vn) - Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp phù hợp, nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH quý I của Hà Tĩnh đạt kết quả ấn tượng, tạo tiền đề hoàn thành các mục tiêu năm 2024.

Những tín hiệu lạc quan

Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu và trong nước tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức, song bức tranh KT-XH Hà Tĩnh những tháng đầu năm có nhiều điểm sáng. Trên cơ sở tiếp nối đà phục hồi tăng trưởng năm 2023, GRDP quý I/2024 của Hà Tĩnh đạt con số ấn tượng với mức tăng trưởng 7,82%.

Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Trần Thanh Bình cho biết: “GRDP của tỉnh trong quý I đạt cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước đạt 5,66%), đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Đóng góp lớn nhất trong mức tăng này là ngành công nghiệp, tăng 11,61%, góp 4,02 điểm % tăng trưởng”.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 là nhân tố đóng vai trò quan trọng đưa tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,82%.

Theo ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương, công nghiệp duy trì đà tăng trưởng với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 4,27% so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu tích cực cho sự hồi phục của các doanh nghiệp (DN). Trong mức tăng chung của ngành, công nghiệp khai khoáng tăng 6,6%; chế biến, chế tạo tăng 0,09%; sản xuất và phân phối điện tăng 29,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,44%. Cùng đó, các dự án công nghiệp lớn được tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ.

Góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng là tín hiệu tích cực từ lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Ghi nhận những tháng đầu năm, hoạt động mua sắm diễn ra sôi động nhờ trùng vào các dịp lễ, tết. Số liệu thống kê cho thấy, doanh thu ngành bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trong quý I đạt hơn 20.179 tỷ đồng, tăng 20,29% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, khẳng định vai trò làm trụ đỡ cho nền kinh tế. Cơ quan chuyên môn và bà con nông dân phấn khởi khi vụ lúa xuân phát triển tốt. Tình hình chăn nuôi ổn định, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt cao hơn cùng kỳ năm trước. Các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được triển khai.

Kết quả thu ngân sách trở thành điểm sáng nổi bật trong bức tranh KT-XH quý đầu của năm. Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 4.979 tỷ đồng, đạt 28% dự toán, tăng 43% so cùng kỳ năm trước.

Thu ngân sách quý đầu năm có mức tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023.

Nền kinh tế tỉnh nhà những tháng đầu năm còn ghi nhận những kết quả tích cực như: tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 11.351 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức tăng 14,84%; DN, đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại tăng 23%; giải ngân vốn đầu tư công đạt 19% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và 18,2% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao.

Với việc triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện. Trong 3 tháng đầu năm, có 8 dự án trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Số DN thành lập mới là 309, đạt 28% kế hoạch năm.

Các nhiệm vụ quan trọng được chỉ đạo triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực, nhất là tiến độ thực hiện các dự án lớn trên địa bàn. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh đã bàn giao 99,4% mặt bằng. Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn qua Hà Tĩnh đã bàn giao toàn bộ 285 vị trí móng cột, hiện đang triển khai thi công. Chương trình xây dựng NTM được tập trung chỉ đạo và nhận được sự đồng thuận, góp sức từ Nhân dân, cơ sở.

Đặc biệt, để Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (dự án VSIP) được khởi công vào đầu tháng 5 tới đây, các cấp chính quyền đã nỗ lực bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch (khối lượng hoàn thành đã đạt hơn 90%).

Người dân xã Thạch Liên (Thạch Hà) nhận tiền chi trả giải phóng mặt bằng dự án VSIP.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục - thể thao đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho Nhân dân. Chất lượng GD&ĐT được nâng cao, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được thực hiện tốt hơn. Công tác an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.

Ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Thực hiện các nghị quyết, chương trình của Trung ương và tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa nhiệm vụ và chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển KT-XH, QP-AN năm 2024 với các giải pháp căn cơ, đồng bộ. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đẩy nhanh tiến độ các dự án, tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh năm 2024 diễn ra với nhiều hoạt động, tạo không gian sinh hoạt văn hóa cho Nhân dân.

Nỗ lực tăng tốc

Những khởi sắc đầu năm không chỉ khẳng định hướng đi đúng của tỉnh mà còn là động lực để Hà Tĩnh nỗ lực tạo đột phá trong những tháng tiếp theo, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của cả năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kiểm tra sản xuất tại Công ty CP bao bì Sông La Xanh (Đức Thọ). Ảnh: Dương Chiến

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là giai đoạn “nước rút” để bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Nghị quyết 144/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024 nêu rõ mục tiêu: Thúc đẩy tăng trưởng, phát triển trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương; tập trung phát triển công nghiệp, khởi công các dự án công nghiệp mới; giữ ổn định sản xuất nông nghiệp; tiếp tục tập trung cao chỉ đạo xây dựng NTM; khai thác hiệu quả và phát huy tiềm năng khu vực du lịch, dịch vụ; phục hồi hiệu quả hoạt động SXKD; tạo môi trường đầu tư thuận lợi; triển khai đồng bộ Quy hoạch tỉnh.

Bên cạnh đó, các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm như: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân đầu tư công; triển khai các dự án đầu tư trọng điểm; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện; quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng cải thiện đời sống Nhân dân… tiếp tục được tập trung chỉ đạo, điều hành.

Chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực cũng được xác định rõ: GRDP đạt 8-8,5%; thu ngân sách đạt 17.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 48.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD; thành lập mới 1.100 DN…

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh được tập trung thi công.

Nhận định những khó khăn, thách thức, ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, các cấp, ngành phải tiếp tục tập trung bám sát các chỉ tiêu đề ra, nỗ lực hơn nữa, tạo đột phá để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ quý II và cả năm 2024. Đặc biệt, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ được giao tại chương trình khung triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, các nghị quyết của tỉnh; thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn; đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ thủ tục các dự án đầu tư hạ tầng khu/cụm công nghiệp; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án xử lý cụ thể; quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách, tăng cường công tác chống thất thu, thu hồi nợ thuế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng đó, tiếp tục đảm bảo an ninh trật tự, quan tâm chăm lo đời sống người dân…

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói