Hà Tĩnh không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số

(Baohatinh.vn) - Theo kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với “Học tập số” vừa được UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành, tinh thần đặt ra là không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số.

Cán bộ Công an phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) hướng dẫn Nhân dân đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID.

Kế hoạch tập trung tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chuyển đổi số và công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân.

Chú trọng tuyên truyền, phổ biến các nội dung Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 1/4/2025 của Chính phủ, Chương trình hành động số 42-CTr/TU ngày 10/4/2025 của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Sử dụng tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, đài truyền thanh cơ sở; đưa tin về mục đích, ý nghĩa của Phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với "Học tập số" và các hoạt động hưởng ứng phong trào; lan truyền sâu rộng các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào trên môi trường mạng; các chuyên trang báo chí, báo điện tử, cổng/trang thông tin điện tử, diễn đàn trực tuyến; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng mạnh mẽ phong trào trong Nhân dân.

Cập nhật, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan trên địa bàn tỉnh; phổ cập kỹ năng số cho học sinh, sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp, người dân trong học tập, nghiên cứu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ thiết yếu khác. Thực hiện phổ cập chuyển đổi số với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” và “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số”.

Thi đua tự học về chuyển đổi số, rèn luyện phát triển kỹ năng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; khai thác có hiệu quả các dịch vụ, nền tảng số, các công nghệ số, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công việc và cuộc sống; xây dựng đơn vị số, cộng đồng số, làng số, gia đình số và công dân số. Tổ chức các cuộc thi, hoạt động cộng đồng về nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Nhân dân.

Lựa chọn một số hoạt động, cách làm hay, sáng tạo trong triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với “Học tập số” trên địa bàn tỉnh để vinh danh, lan tỏa, khuyến khích áp dụng cho những địa phương, đơn vị khác. Tìm kiếm và vinh danh các tổ chức, cá nhân trong triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với “Học tập số” trên địa bàn tỉnh.

Gắn Phong trào với triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với các phong trào đang triển khai thực hiện, nhất là Phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” theo tinh thần tại Văn bản số 2827-CV/TU ngày 12/12/2024 của Tỉnh ủy về thực hiện chủ trương “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung thực hiện gồm: truyền thông và tuyên truyền; phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho từng nhóm đối tượng; triển khai các mô hình, phong trào lan tỏa kỹ năng số cho cộng đồng.

Cụ thể về chỉ tiêu

Năm 2025

- 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan có hiểu biết về chuyển đổi số, có kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng số, dịch vụ số phục vụ công việc.

- 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số.

- 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số.

- 70% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNelD.

- 80% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.

Năm 2026

- 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan có hiểu biết về chuyển đổi số, có kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng số, dịch vụ số phục vụ công việc.

- 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, nhận biết được nguy cơ, có kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường số.

- 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số.

- 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNelD.

- 100% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có kiến thức về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.

Chủ đề Chuyển đổi số

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói