Từ đầu năm 2018, nước thải sinh hoạt của gia đình bà Phan Thị Hiền đã được tái sử dụng hiệu quả.
Nếu ngày trước nước thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường thì từ đầu năm 2018, tất cả nước thải sinh hoạt mà gia đình bà Phan Thị Hiền (thôn Đông Thắng) đã sử dụng đều được lọc qua “hố thu gom nước” và được tái sử dụng để tưới tiêu cho cây trồng.
Cùng với gia đình bà Hiền, ở xã Mai Phụ hiện có hơn 40 hộ dân đang áp dụng cách làm tiện lợi này.
Rác sau phân loại, nếu là rác phân hủy được sẽ được người dân thu gom cho vào hố ủ phân vi sinh.
Theo đó, quy trình được bắt đầu từ việc ngay trước ống cống xả nước thải ở mỗi hộ gia đình đều có một chiếc lưới lọc để giữ rác. Lúc này, rác sẽ được phân loại ngay tại nguồn.
Rác phân hủy được gom cho vào hố ủ phân vi sinh; rác thải không phân hủy sẽ được đem đi đốt; rác thải rắn dùng để tái chế. Song song với đó, nước thải đi qua hệ thống rây lọc sẽ theo đường ống qua các hố xử lý với nguyên lý đặc biệt.
Rây lọc giữ rác được bà Hiền tận dụng từ bẫy bắt chuột đã hỏng.
Đó là việc sử dụng hệ thống bể xử lý yếm khí kết hợp bổ sung chế phẩm sinh học gồm các vi sinh vật và enzyme đặc hữu để phân hủy nhanh chất hữu cơ, đạm, và một số vi khuẩn có hại. Sau khi nước được xử lý sẽ chảy sang bể lắng chứa cát, đá, sỏi để tiếp tục lọc và để ngưng tụ trước khi chảy ra môi trường hoặc tái sử dụng để tưới cây.
Nước theo hệ thống ống dẫn chảy ra bể và được rắc các chế phẩm sinh học để xử lý mùi hôi.
Bằng cách làm như vậy, những người dân ở Mai Phụ đã tiết kiệm được nguồn nước tưới đáng kể, đặc biệt là trong những ngày nắng hạn này. Không những thế, lượng nước dư thừa không dùng để tưới cây cũng được xử lý đảm bảo vệ sinh trước khi xả ra môi trường.
Nước chảy qua bể lắng để lọc và chảy ra một bể chứa để tiếp tục được tái sử dụng trong tưới tiêu cây trồng.
Là một trong những hộ dân đầu tiên ứng dụng hệ thống xử lý nước thải này, ông Lê Quốc Huề (thôn Đông Thắng) chia sẻ: “Công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp và phù hợp với khu vực nông thôn mà vẫn đạt hiệu quả cao nên chúng tôi rất tin dùng. Tôi đầu tư xây dựng vườn mẫu nhưng thiếu nước tưới nghiêm trọng, cũng may ứng dụng mô hình xử lý nước này nên mới đủ nước tưới cho cây trồng trong những ngày nắng hạn".
Tái sử dụng nước thải sinh hoạt giúp ông Huề (bìa trái) đủ nước tưới cho cây trong những ngày nắng hạn.
Chị Phạm Thị Hoa, công chức địa chính kiêm văn phòng NTM xã Mai Phụ cho biết: “Bước đầu mô hình đã phát huy hiệu quả, trở thành phong trào trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Chính vì vậy, ngôi nhà, khu vườn của nhiều gia đình trong xã cũng như đường làng, ngõ xóm đã trở nên sạch sẽ hơn".
Mô hình xử lý nước thải hộ gia đình sử dụng hệ thống bể xử lý yếm khí kết hợp bổ sung chế phẩm sinh học.
Được biết, hố thu gom nước thải tại Mai Phụ chính là tiền đề để Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh phối hợp với Chi cục bảo vệ môi trường, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh hình thành nên đề tài: “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư” vào đầu tháng 1/2019. Từ hố thu gom nước thải, mô hình được hoàn thiện ở mức cao hơn và đang được triển khai thí điểm ở một số xã thuộc huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên...
Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng ý tưởng về mô hình này. Và mô hình cũng đã được Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đánh giá cao, được các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ về tham quan học hỏi. Sau khi triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm và tiếp tục hoàn thiện mô hình, chúng tôi sẽ đề xuất triển khai trong toàn tỉnh cách làm này.