Chiếc ấn đồng cổ thời Lê tại nhà thờ họ Cao.
Trong quá trình khảo cứu, lập hồ sơ khoa học các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Hà Tĩnh đã phát hiện một chiếc ấn bằng đồng cổ nói trên.
Chiếc ấn đồng cổ còn nguyên vẹn, bao gồm chuôi ấn thân ấn và mặt ấn, có kích thước cao 53cm, nặng 1,2 kg, mặt ấn hình vuông có kích thước mỗi cạnh 52cm; được chế tác bằng phương pháp đúc thủ công truyền thống với chất liệu đồng cổ màu vàng đậm.
Cận cảnh mặt trước của chiếc ấn cổ có khắc nổi 4 chữ Hán cổ.
Mặt vuông ấn được khắc nổi 4 chữ Hán cổ được viết theo lối chữ Thượng phương Đại triện. Đây là một kiểu chữ thư pháp Hán cổ, là loại chữ tượng hình được sử dụng rộng rãi để khắc trang trí trên các ấn tín dưới các triều đại phong kiến Việt Nam.
Ngoài ra, cũng tại nhà thờ họ Cao hiện còn lưu giữ bộ sưu tập các văn tự Hán nôm cổ thời Lê và thời Nguyễn cùng các đồ tế khí cổ có niên đại thời Nguyễn được chạm khắc, trang trí sơn son thếp vàng.
Việc phát hiện trên cho thấy, đây là những di vật cổ quý hiếm có nhiều giá trị về lịch sử về khảo cổ, ngôn ngữ, kiến trúc, mỹ thuật... đặc biệt các văn tự Hán cổ được khắc trên mặt ấn là những tư liệu quý góp phần nghiên cứu về vương triều Lê trong lịch sử dân tộc, cần được gìn giữ, nghiên cứu và bảo vệ.