Kinh tế

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Ngày 8/11/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1363/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Có thể nói, bản quy hoạch là “kim chỉ nam” để các ngành, vùng, địa phương xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển cụ thể, đồng bộ trong thời gian tới.

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, có tầm quan trọng chiến lược; là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển và tạo ra động lực mới của quốc gia và của các địa phương để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đó là đến năm 2045, đất nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác quy hoạch. Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 của cả nước (sau Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 8/11/2022.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững. Đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, nối liền Nghệ An - Hà Tĩnh góp phần quan trọng trong kết nối vùng, phát triển KT-XH của 2 tỉnh. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh hoạch định rõ 4 ngành kinh tế trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 1 trung tâm động lực tăng trưởng và 4 nền tảng chính. Quy hoạch phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch ngành, vùng. Do đó, việc Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh được phê duyệt và đưa vào thực hiện có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của tỉnh, của vùng và của quốc gia.

Để biến bản quy hoạch quan trọng này thành động lực phát triển của địa phương trong thời gian tới, Hà Tĩnh cần tập trung công bố quy hoạch, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện quy hoạch; tăng cường xúc tiến đầu tư, đặc biệt là chú trọng các dự án ưu tiên đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh; lập kế hoạch 5 năm, hằng năm, các chương trình phát triển trọng điểm, dự án cụ thể để triển khai thực hiện. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển và theo quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh xác định 3 hành lang kinh tế bao gồm: hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ ven biển; hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ TX Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh. Việc tập trung nguồn lực phát triển 3 hành lang kinh tế này có ý nghĩa quan trọng nhằm tận dụng thế mạnh từng vùng, từng địa phương.

Hành lang kinh tế thứ nhất có những tuyến giao thông huyết mạch, là trục trung tâm liên kết chặt chẽ với hệ thống đô thị tại khu vực Bắc Trung Bộ. Để phát triển tuyến hành lang này, tỉnh xác định các nhiệm vụ, giải pháp tập trung phát triển KKT Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất thép và các sản phẩm từ thép, điện, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch biển… Cùng đó là phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch biển, du lịch gắn với lịch sử, văn hóa cân bằng với phát triển công nghiệp.

Hành lang kinh tế thứ 2 có tuyến giao cắt với đường huyết mạch quốc gia (quốc lộ 1), tiếp giáp với TP Vinh (tỉnh Nghệ An) tại phía Bắc huyện Nghi Xuân, thuận lợi về giao thương liên vùng quốc gia và quốc tế. Tỉnh sẽ tập trung các giải pháp để phát triển công nghiệp chế biến, các cụm dịch vụ logistics. Các khu vực trọng tâm để thu hút đầu tư của hành lang này là KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và các đô thị Hồng Lĩnh, Tiên Điền, Xuân An.

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Phan Trâm

Tuyến hành lang giúp kết nối thuận lợi phía Tây và Tây Nam của tỉnh, đồng thời kết nối với phía Tây Nghệ An và phía Tây Quảng Bình là điểm nhấn quan trọng của hành lang kinh tế thứ 3. Trọng tâm của vùng này là khu sinh thái hồ Ngàn Trươi, rừng quốc gia Vũ Quang và các đô thị Hương Khê, Vũ Quang, để khai thác các dịch vụ du lịch. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung phát triển công nghiệp chế biến gỗ, nông sản; hình thành đầu mối trung chuyển, dịch vụ logistics với trọng tâm là KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh một lần nữa khẳng định vai trò trung tâm động lực tăng trưởng của KKT Vũng Áng, với hạt nhân là Khu liên hợp Gang thép Formosa, Cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.

Để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, Ban Quản lý KKT tỉnh sẽ chú trọng rà soát, đề xuất lập mới, điều chỉnh các quy hoạch liên quan trong KKT Vũng Áng, nghiên cứu xây dựng đề án mở rộng diện tích tự nhiên, tạo dư địa phát triển cho các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trong thời gian tới. Đồng thời, sớm tổ chức xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hà Tĩnh nhằm tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương. Đây chính là điều kiện quan trọng làm cơ sở huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách xây dựng, phát triển cảng, thu hút đầu tư trung tâm logistics tại Vũng Áng, Sơn Dương.

Tận dụng những lợi thế đặc biệt, chúng tôi sẽ tích cực, chủ động trong công tác xúc tiến đầu tư, kết hợp xúc tiến đầu tư tại chỗ với tham gia các chương trình của quốc gia. Đồng hành, tạo mọi điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm năng tìm hiểu cơ hội mới tại KKT, hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ, tham mưu rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính để tạo sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Các lĩnh vực được ưu tiên là những ngành có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, suất đầu tư cao, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Khu Kinh tế Vũng Áng. Ảnh: Đình Nhất

Tiếp tục thúc đẩy sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trong KKT, nâng cao công suất nhà máy thép theo lộ trình, đầu tư và phát triển khu công nghiệp chuyên ngành để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực thép, hình thành chuỗi liên kết sản xuất công nghiệp sau thép.

Cùng đó là đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường và GPMB để tạo quỹ đất sạch, thu hút các dự án lớn, bàn giao đất cho các nhà đầu tư triển khai đúng tiến độ. Đồng thời, tập trung các nguồn lực xây dựng và hoàn thiện các khu tái định cư với hạ tầng đồng bộ, đầy đủ, quan tâm đến tạo sinh kế mới cho người dân bị thu hồi đất, đảm bảo chất lượng cuộc sống ổn định. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương, chúng tôi tin rằng, KKT Vũng Áng sẽ thực sự là “đất lành trên bản đồ đầu tư”, là đầu tàu, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Để hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn của ngành nông nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh, ngành tập trung phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Trong đó, tiếp tục kiên trì, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các định hướng, giải pháp về cơ cấu lại nông nghiệp trên các lĩnh vực.

Trước hết, khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch chi tiết các vùng liên huyện, quy hoạch vùng huyện để tổ chức công bố, xúc tiến đầu tư, trong đó, phân rõ các thế mạnh của từng vùng như vùng trung du - miền núi, vùng ven biển, vùng đồng bằng.

Tập trung nhân rộng các mô hình dồn điền, đổi thửa, hướng tới tích tụ ruộng đất trên diện rộng, bền vững; triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Trong chăn nuôi, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiệu quả, an toàn dịch bệnh, bảo đảm môi trường sinh thái. Đối với lĩnh vực thủy sản, nâng cao năng lực đánh bắt hải sản tại vùng khơi và vùng lộng; quản lý, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ; hình thành cụm liên kết phát triển nuôi tôm thâm canh công nghệ cao. Phát triển các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung thâm canh, đạt chứng chỉ FSC theo chuỗi các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu; thu hút đầu tư các dự án về phát triển nông lâm kết hợp, khai thác rừng bền vững, du lịch sinh thái...

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Người dân thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn (Thạch Hà) thu hoạch vụ đông 2022. Ảnh: Đình Nhất

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tập trung cao chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là chính sách về hỗ trợ tập trung, tích tụ ruộng đất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, hỗ trợ chuyển đổi số. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, phát triển thương hiệu bền vững... Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn tài trợ cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, đặc biệt là khâu chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh xác định TP Hà Tĩnh là đô thị hạt nhân của hành lang kinh tế chủ lực phía Đông theo các trục quốc lộ 1 và đường ven biển. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, TP Hà Tĩnh xác định công tác mở rộng địa giới hành chính gắn với việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố và vùng phụ cận là yếu tố then chốt hàng đầu từ nay đến năm 2025.

Việc điều chỉnh quy hoạch, mở rộng không gian đô thị đã được đưa vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, góp phần tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững, thống nhất khu vực trung tâm tỉnh lỵ. Vừa qua, Tỉnh ủy cũng đã có Quyết định số 490-QĐ/TU ngày 14/11/2022 thành lập Ban Chỉ đạo mở rộng địa giới hành chính TP Hà Tĩnh để tập trung chỉ đạo triển khai các nhóm nhiệm vụ liên quan.

Gắn với việc điều chỉnh quy hoạch chung TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận, thành phố sẽ tập trung xây dựng các khu đô thị chất lượng tại trung tâm thành phố, phát triển khu công nghiệp phía Tây, khai thác hiệu quả cảnh quan khu vực sông Rào Cái và các tuyến sông bao quanh thành phố, hình thành các khu thương mại - dịch vụ quy mô lớn; kết nối không gian đến biển để hình thành các khu vực du lịch, dịch vụ nhằm tạo thế và lực mới cho địa phương; phát triển nông nghiệp đô thị...

Hà Tĩnh - tầm nhìn đến 2050

Thành phố Hà Tĩnh nhìn từ cửa ngõ phía Nam. Ảnh: Đình Khôi

TP Hà Tĩnh xác định việc giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng kỹ thuật là nhiệm vụ trọng tâm; gắn với các chiến lược của tỉnh, Trung ương như việc quy hoạch sân bay, đường bộ cao tốc Bắc - Nam và tuyến kết nối thành phố, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về hướng Đông kết nối biển, dự án tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ…

Trong năm 2023, TP Hà Tĩnh cũng đồng loạt triển khai nhiều dự án quan trọng như đường vành đai phía Đông; dự án kéo dài các tuyến đường Xuân Diệu, Nguyễn Du, Lê Ninh để mở rộng không gian... Đặc biệt, dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu TP Hà Tĩnh” sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị bền vững, tạo động lực để phát triển KT-XH toàn diện.

ảnh: p.v - c.t.v

trình bày: huy tùng

Chủ đề QUY HOẠCH TỈNH HÀ TĨNH THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh phân bổ 169 tỷ đồng thực hiện chính sách nông thôn mới năm 2025

Hà Tĩnh phân bổ 169 tỷ đồng thực hiện chính sách nông thôn mới năm 2025

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký ban hành Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 15/01/2025 về việc phê duyệt kế hoạch kinh phí năm 2025 để thực hiện một số cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2022-2025.