Hà Tĩnh vững bước dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng

(Baohatinh.vn) - Ra đời sau Đảng Cộng sản Việt Nam chưa đầy 2 tháng, Đảng bộ Hà Tĩnh đã cùng với Nghệ An lãnh đạo nhân dân làm nên cao trào cách mạng 1930 - 1931, giành được chính quyền Xô Viết ở hàng trăm làng xã. Dù bị khủng bố và đàn áp dã man, nhưng những chiến sĩ cộng sản kiên trung tiếp tục vận động nhân dân rầm rộ đứng lên đấu tranh trong phong trào dân chủ và chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.

Ra đời sau Đảng Cộng sản Việt Nam chưa đầy 2 tháng, Đảng bộ Hà Tĩnh đã cùng với Nghệ An lãnh đạo nhân dân làm nên cao trào cách mạng 1930-1931, giành được chính quyền Xô Viết ở hàng trăm làng xã. Dù bị khủng bố và đàn áp dã man, nhưng những chiến sĩ cộng sản kiên trung tiếp tục vận động nhân dân rầm rộ đứng lên đấu tranh trong phong trào dân chủ và chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.

Nhạy bén nắm bắt chủ trương của Trung ương, chớp thời cơ, các đảng viên của Đảng bộ Hà Tĩnh đã kịp thành lập Liên khu Việt Minh ở Nam Hà, Bắc Hà lãnh đạo nhân dân khắp nơi trong tỉnh nhất loạt đứng lên khởi nghĩa. Huyện Can Lộc giành được chính quyền vào ngày 16/8/1945, tỉnh Hà Tĩnh giành chính quyền vào ngày 18/8/1945, là một trong những địa phương có cấp huyện và cấp tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Khi thực dân Pháp trở lại gây chiến tranh, Hà Tĩnh cùng với cả nước đứng lên bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đảng bộ Hà Tĩnh được kiện toàn vào tháng 12/1945 đã kịp thời lãnh đạo nhân dân đứng lên kháng chiến. Thực dân Pháp đánh vào Hà Tĩnh từ Bình - Trị - Thiên ra, đánh từ Lào xuống, đánh từ biển lên, đánh cả trên bộ, trên biển, trên không, nhưng chúng ta vẫn đứng vững; không để cho chúng đứng chân được trọn một ngày trên vùng đất này. Bị bao vây tứ phía, Hà Tĩnh vẫn tổ chức tốt hoạt động sản xuất; lập nhà máy chế tạo vũ khí, xây dựng vùng “an toàn khu” để in bạc, in tem…; mở trường lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ, góp phần cung cấp nhân tài, vật lực cho cả nước...

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và nhân dân Hà Tĩnh nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh (tháng 6/1957). Ảnh tư liệu

Làm theo lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm Hà Tĩnh (năm 1957) và gặp đoàn cán bộ chủ chốt của tỉnh (năm 1966) “Phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và sau này trong sự nghiệp đổi mới, Hà Tĩnh đã có những bứt phá rất đáng ghi nhận.

Trên mặt trận chống chiến tranh phá hoại đảm bảo mạch máu giao thông và xây dựng hậu phương vững mạnh, Hà Tĩnh là tỉnh lập công đầu bắn rơi 4 máy bay Mỹ trong trận đánh ngày 26/3/1965, là tỉnh đầu tiên bắn rơi máy bay hiện đại “cánh cụp cánh xòe”, bắn rơi máy bay trực thăng và bắt giặc lái, bắn rơi máy bay thứ 100, thứ 200, bắn cháy tàu chiến Mỹ. Hà Tĩnh đã chiến đấu và mở rộng các tuyến đường, đảm bảo giao thông thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến, mà đỉnh cao là ở Ngã ba Đồng Lộc.

Thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc năm 1968. Ảnh tư liệu

Trên mặt trận sản xuất, dưới bom đạn quân thù, Hà Tĩnh vẫn nâng cấp và xây dựng các công trình thủy lợi lớn như Thượng Tuy, Bộc Nguyên, Cửa Thờ - Trại Tiểu, Khe Lang, Vực Trống…; chỉ đạo thâm canh để có nhiều hợp tác xã đạt năng suất lúa trên 5 tấn/ha, cho ra đời các nhà máy lớn như cơ khí Ấp Bắc, cơ khí Thông Dụng, chế biến lâm sản, đường mật... Văn hóa, giáo dục phát triển; xã Cẩm Bình là ngọn cờ đầu về giáo dục toàn diện của cả nước; khắp nơi vang lên “tiếng hát át tiếng bom”... Hà Tĩnh nổi bật lên với các phong trào thi đua “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Hai giỏi”… Với những thành tích xuất sắc cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất nước nhà, tỉnh Hà Tĩnh, thị xã Hà Tĩnh và tất cả các huyện được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 (ngày 19/10/2019). Ảnh: Thanh Hoài

Sau khi thống nhất nước nhà, Hà Tĩnh nhập với Nghệ An, đi lên từ cảnh điêu tàn sau chiến tranh, một tỉnh lớn, nhưng nghèo, luôn bị thiên tai, lại oằn mình trong cơ chế bao cấp, nhưng Nghệ - Tĩnh phát huy truyền thống quê hương Xô viết một lòng tin vào Đảng vượt qua khó khăn, từng bước tiến lên.

Năm 1991, Hà Tĩnh tách tỉnh, bước đầu thiếu thốn đủ thứ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đã phấn đấu khắc phục khó khăn, giữ vững sự đoàn kết để ổn định và phát triển. Nổi bật nhất là trên mặt trận nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Ngay từ những ngày đầu, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo thâm canh, chuyển vụ, làm thủy lợi, xây dựng điện, đường, trường, trạm… Từ năm 2001, Tỉnh ủy đã có các nghị quyết về “Chuyển đổi sử dụng ruộng đất nông nghiệp”, “Xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới”, “Xóa nhà tranh tre, dột nát”; hình thành các trung tâm thương mại, các thị tứ ở các xã, liên vùng... Nhờ vậy mà từng bước xóa được đói nghèo một cách căn cơ, bộ mặt nông thôn tỉnh nhà khởi sắc.

Khu dân cư kiểu mẫu thôn Nam Trà (Hương Trà - Hương Khê). Ảnh tư liệu

Nhân dân xã Thạch Đỉnh (Thạch Hà) xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thanh Hoài

Là tỉnh khởi xướng và kiên định mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh tiếp tục có nhiều cách làm sáng tạo như xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu... Năm 2019, có thêm 43 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 201 xã. Đây cũng là năm đầu tiên toàn tỉnh có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Can Lộc đạt chuẩn NTM, thành phố Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, nâng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM lên con số 4; các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Lộc Hà cũng đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Ghi nhận nỗ lực, kết quả đó, Hà Tĩnh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2016-2020. Cùng với nông thôn mới, đô thị văn minh, Hà Tĩnh tập trung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng; ra đời thêm nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ...

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Vũng Áng. Ảnh: Đình Nhất

Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng đoàn công tác khảo sát tại Khu kinh tế Vũng Áng và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa nhân chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh (tháng 12/2019). Ảnh: Thanh Hoài

Hà Tĩnh đã có sự chuyển mình vượt bậc. Từ một tỉnh năm 1992 thu ngân sách 80 tỷ đồng, thì năm 2019 đã đạt gần 14.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm cao hơn 10%, huy động được gần 1.200 dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD. Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân về vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, văn hóa, xã hội phát triển đồng đều. Chính trị ổn định, QPAN được giữ vững, an sinh xã hội thường xuyên được chăm lo, không khí bình yên, phấn khởi bao trùm khắp các vùng miền, các khu dân cư từ thành thị đến nông thôn.

Thành phố Hà Tĩnh rực rỡ đón xuân Canh Tý. Ảnh: Huy Tùng

Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Hà Tĩnh tự hào đã lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà cùng cả nước lập được nhiều chiến công xuất sắc trên mọi lĩnh vực, mọi giai đoạn lịch sử của cách mạng. Trước tình hình và nhiệm vụ mới, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, Đảng bộ Hà Tĩnh quan tâm chăm lo đoàn kết thống nhất trong Đảng làm nòng cốt cho đoàn kết toàn dân. Cán bộ, đảng viên tiếp bước các bậc tiền bối, kiên định và vững vàng trước mọi thử thách, gương mẫu trong phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; nâng cao trình độ về mọi mặt để hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả trong sự nghiệp đổi mới, đưa Hà Tĩnh vững bước vươn lên giàu mạnh, văn minh.

Ảnh: P.V

thiết kế: Huy Tùng

Chủ đề MỪNG ĐẢNG - MỪNG XUÂN

Chủ đề 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói