Hà Tĩnh: Xét xử 15 đối tượng làm giả bằng cấp, giấy khám sức khỏe

(Baohatinh.vn) - Trong quá trình kiểm tra các chứng chỉ hành nghề dược trên địa bàn, Sở Y tế Hà Tĩnh đã phát hiện 1 đối tượng ở TX Kỳ Anh sử dụng bằng giả và đã kiến nghị cơ quan điều tra Công an TX Kỳ Anh khởi tố vụ án.

Hà Tĩnh: Xét xử 15 đối tượng làm giả bằng cấp, giấy khám sức khỏe

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vào ngày 10/8.

Tòa án nhân dân TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa tiến hành phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với 15 bị cáo, gồm: Đinh Văn Quyết (SN 1990), Nguyễn Thành Trung (SN 1971), Nguyễn Văn Anh (SN 2001) trú tại phường An Bình; Lê Hữu Định (SN 1980) trú tại phường Phước Tân; Đặng Văn Phong (SN 1979), Trần Văn Nhàn (SN 1991) trú tại phường Long Bình, cùng thuộc TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1985) trú tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai;

Nguyễn Thị Phương Dung (SN 1984), Nguyễn Thị Thanh Nga (SN 1988), Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1985) cùng trú tại phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh; Nguyễn Anh Hào (SN 1976) trú tại thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên; Đậu Đình Đại (SN 1997) trú xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; Trần Văn Mạnh (SN 2002) trú tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; Lê Nguyễn Thanh Tùng (SN 2001) trú tại phường Long Bình, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh; Hoàng Minh Tuấn (SN 1987) trú tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Hà Tĩnh: Xét xử 15 đối tượng làm giả bằng cấp, giấy khám sức khỏe

Các bị cáo tại phiên xét xử.

Theo bản cáo trạng, vào đầu năm 2016, Nguyễn Thị Phương Dung đã thông qua những người môi giới là Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Thu Hà, Lê Hữu Định và Nguyễn Thành Trung để chụp ảnh gửi thông tin cá nhân của mình nhờ người đàn ông không quen biết tên Thắng, ở tỉnh Đồng Nai, làm 1 bằng tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội giả và 1 bảng điểm học tập kèm theo.

Sau khi lấy được bằng giả và làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dược thì Dung phát hiện trên bằng giả bị sai thông tin nên lại tìm người đàn ông tên Thắng để nhờ sửa thông tin nhưng không liên lạc được. Sau đó, Dung lại thông qua các mối quan hệ kết nối được Đinh Văn Quyết sửa lại thông tin trên bằng giả của mình. Đến đầu tháng 7/2020, Dung lấy bằng tốt nghiệp đại học y dược giả để làm thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề dược và đã được cấp.

Sau quá trình rà soát, cấp chứng chỉ hành nghề dược theo quy định, Sở Y tế Hà Tĩnh phát hiện Nguyễn Thị Phương Dung đang sử dụng bằng giả để làm chứng chỉ hành nghề. Sở Y tế Hà Tĩnh đã kiến nghị cơ quan điều tra Công an thị xã Kỳ Anh để khởi tố vụ án hình sự về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Qua điều tra, xác minh, Công an TX Kỳ Anh xác định Nguyễn Thị Phương Dung sử dụng bằng đại học giả để cấp chứng chỉ hành nghề dược. Quá trình mở rộng điều tra, Công an TX Kỳ Anh xác minh, Đinh Văn Quyết và các đồng phạm còn làm giả các tài liệu của cơ quan, tổ chức khác.

Được biết, trước đó, Đinh Văn Quyết mở cửa hàng photo và chụp ảnh tại nhà của mình (ở số nhà 121/4, tổ 7, khu phố 1, phường An Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai). Trong quá trình photo tài liệu cho khách hàng, Đinh Văn Quyết nảy sinh ý định làm các tài liệu giả nên đã lên mạng xã hội đặt mua 5 con dấu giả các cơ quan, tổ chức.

Tiếp đó, Quyết vào mạng Internet tải và sử dụng phần mềm photoshop cắt ghép, chỉnh sửa hình con dấu, chữ ký của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, dấu tên, dấu chữ ký giả và phôi các loại bằng tốt nghiệp giả để làm các tài liệu giả thông qua những người giới thiệu, môi giới cho những người có nhu cầu.

Trong khoảng thời gian kể từ tháng 7/2020 đến cuối năm 2022, Đinh Văn Quyết đã làm giả 5 bằng tốt nghiệp, 2 bảng điểm học tập kèm theo bằng tốt nghiệp và 2.952 giấy khám sức khỏe.

Lê Hữu Định và Nguyễn Thành Trung 3 lần làm trung gian môi giới làm 7 tài liệu giả để thu lợi bất chính; Nguyễn Anh Hào và Đặng Văn Phong 2 lần làm trung gian môi giới làm 4 tài liệu giả để thu lợi bất chính;

Nguyễn Thị Thanh Nga và Nguyễn Thị Thu Hà 2 lần làm trung gian môi giới làm 3 tài liệu giả, trong đó Nguyễn Thị Thanh Nga với động cơ vụ lợi, còn Nguyễn Thị Thu Hà chỉ làm giúp, không hưởng lợi.

Nguyễn Ngọc Dũng, Nguyễn Văn Anh, Trần Văn Mạnh, Trần Văn Nhàn làm trung gian môi giới làm 2 tài liệu giả để để thu lợi bất chính.

Nguyễn Thị Phương Dung đã 2 lần cung cấp ảnh, thông tin cá nhân của mình để nhờ làm 3 tài liệu giả cho mình, đồng thời sử dụng 1 bằng tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội giả để xin Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cấp chứng chỉ hành nghề dược trái pháp luật.

Lê Nguyễn Thanh Tùng đã cung cấp ảnh, thông tin cá nhân của mình và của anh trai là Lê Nguyễn Thanh Tuấn để nhờ làm 2 bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả.

Hoàng Minh Tuấn và Đậu Đình Đại đã cung cấp ảnh, thông tin cá nhân của mình thông qua trung gian để nhờ Đinh Văn Quyết làm bằng bác sỹ thú y giả cho mình nhưng chưa sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phát hiện.

Hà Tĩnh: Xét xử 15 đối tượng làm giả bằng cấp, giấy khám sức khỏe

Hội đồng xét xử tiến hành phiên xét hỏi các bị cáo.

Trong vụ án này, Đinh Văn Quyết là người trực tiếp làm 2.957 tài liệu giả, trong đó có 2.952 giấy khám sức khỏe giả (mới in ra chưa kịp tiêu thụ), đã hưởng lợi 1 triệu đồng.

Lê Hữu Định, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Anh Hào, Đặng Văn Phong, Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Ngọc Dũng, Nguyễn Văn Anh, Trần Văn Mạnh, Trần Văn Nhàn đồng phạm với vai trò giúp sức, trong đó các bị can được hưởng lợi: Lê Hữu Định 5,8 triệu đồng, Nguyễn Thành Trung 2,5 triệu đồng; Nguyễn Anh Hào 1,5 triệu đồng; Đặng Văn Phong 5,8 triệu đồng; Nguyễn Thị Thanh Nga 1,7 triệu đồng; Nguyễn Văn Anh 1,4 triệu đồng.

Trần Văn Mạnh, Trần Văn Nhàn và Nguyễn Ngọc Dũng đều chưa được hưởng lợi; riêng Nguyễn Thị Thu Hà, do quen biết và làm giúp, nên không hưởng lợi.

Nguyễn Thị Phương Dung cung cấp thông tin cá nhân để làm tài liệu giả cho mình và sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật; Lê Nguyễn Thanh Tùng, Hoàng Minh Tuấn và Đậu Đình Đại đều cung cấp thông tin cá nhân để làm tài liệu giả cho mình nhưng chưa sử dụng.

Qua xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt Đinh Văn Quyết 42 tháng tù giam, phạt tiền 5 triệu đồng; Nguyễn Thị Phương Dung 24 tháng tù giam, phạt tiền 5 triệu đồng; Nguyễn Thành Trung và Lê Hữu Định mỗi bị cáo chịu mức án 36 tháng tù giam, phạt tiền 5 triệu đồng;

Nguyễn Anh Hào, Đặng Văn Phong, Nguyễn Thị Thanh Nga và Nguyễn Thị Thu Hà mỗi bị cáo 24 tháng tù treo, phạt tiền 10 triệu đồng;

Lê Nguyễn Thanh Tùng, Trần Văn Nhàn, Nguyễn Ngọc Dũng, Trần Văn Mạnh và Nguyễn Văn Anh mỗi bị cáo 18 tháng tù treo và phạt tiền 10 triệu đồng;

Hoàng Minh Tuấn, Đậu Đình Đại mỗi bị cáo bị phạt tiền 35 triệu đồng.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.