Có lẽ không ở đâu mùa lộc lại rõ ràng như ở những vùng miền núi. Những dãy rừng thâm u trong mùa đông, những sườn núi xanh thẫm lá già đều đã bừng dậy những lộc xanh, tơ nõn. Và trên bao la đồi nương, các loài cây ăn quả như cam, chanh, bưởi đã bắt đầu bung hoa để kết mùa quả mới. Ngắm nhìn những đàn ong chuyên cần về đi trên những nương đồi căng tràn sức sống ấy, tôi mường tượng về những chắt chiu, chăm sóc, về những ngọt ngào mà mùa màng mang tới. Mùa lộc, vì thế vừa xôn xao, vừa đằm sâu trong tình yêu lặng lẽ của người nông dân.
Chị Trần Thị Xoan (xã Kim Hoa, Hương Sơn) cho biết: “Gắn bó với núi đồi từ thuở lọt lòng, gắn bó với nghề trồng cam hàng chục năm nay, với tôi, không phải mùa thu hoạch mà mùa cây cối đâm chồi, nảy lộc, bung hoa mới thực là mùa lộc. Hình ảnh những quả cam cuối vụ đỏ rực trên cành xen giữa những lớp lộc non xanh mướt và những đám hoa trắng tinh khôi luôn khiến cho tâm hồn tưởng như đã chai sạn của tôi trở nên xao xuyến lạ kỳ. Những khoảnh khắc đó khiến tôi yêu thêm công việc của mình, yêu núi đồi, yêu những vườn cam của mình hơn để dồn sức chăm sóc kỹ lưỡng hơn, đặt vào đó nhiều niềm tin, hy vọng hơn”.
Mùa lộc của người trồng cam bù chính là mùa hoa đơm trái mới. Ảnh: Đậu Bình
Tùy vào từng lĩnh vực canh tác, trồng trọt mà mỗi người nông dân lại tìm thấy cho mình những niềm vui khác nhau trong mùa lộc. Niềm hân hoan có khi đến từ việc đi thăm những ruộng lúa bắt đầu trổ đòng đòng, từ nỗi đợi chờ đám lạc vừa gieo bật mầm, mở lá… Niềm vui cũng có khi giản dị như khi người ta cầm bông hoa bí để thụ phấn chờ đợi mùa quả mới. Và rạo rực khi nhìn những vườn dưa lưới trồng theo công nghệ mới phát triển từng ngày…
Mùa lộc không chỉ diễn ra ở cây cối, mùa lộc còn mang sắc thái, đặc trưng hơn ở nghề nuôi hươu vùng miền núi. Đã qua thời bĩ cực sau khi hươu sao “mất ngôi hoàng đế”, nghề nuôi hươu giờ đây đang trở lại khá phổ biến và cho thu nhập cao. Giai đoạn vui nhất của nghề nuôi hươu chính là mùa cắt lộc. Việc ngắm nhìn những cặp nhung hươu từ khi đổ đế rồi lớn dần lên cho đến khi thu hoạch cũng mang đến rất nhiều cảm xúc. Người nuôi có kinh nghiệm chỉ cần nhìn đế nhung là đã đoán biết được cành lộc sẽ trổ dài hay ngắn, nặng hay nhẹ… để mà vui, mà chờ đợi.
Những người nuôi hươu ở Hương Sơn cho hay, mùa lộc nhung bắt đầu từ trước tết nhưng hầu hết du khách đều nấn ná đợi sau tết mới đi cắt, bởi mong muốn đem lộc về nhà. Bởi thế, những cặp nhung vừa độ thu hoạch ngay sau tết luôn luôn được giá, nhất là những cặp nhung đẹp, chất lượng. Và dù giá nhung sau tết cao hơn trước tết nhưng người mua vẫn rất vui vẻ, phấn khởi. Mùa lộc nhung, vì thế không chỉ có ý nghĩa đối với người nuôi hươu mà còn có ý nghĩa đặc biệt với khách hàng.
Nghề nuôi hươu mang lại thu nhập cao cho người dân Hương Sơn. Ảnh: Đậu Bình
Không gắn với những thanh tân, tơ nõn, không về cùng mùa hoa đượm sắc hương nhưng biển cả lại là nơi mùa lộc đến thật sớm và rất dồi dào. Sau tết cũng là thời điểm vụ cá bắc bước vào giai đoạn thuận lợi nhất nên mỗi ngư dân ra khơi đều mang theo nhiều niềm tin yêu, hy vọng.
Không biết đã bao lần đến biển trong những ngày đầu năm mới nhưng lần nào cảm xúc của tôi cũng thật phong phú. Có một chút ngưỡng mộ, một chút mến thương, một chút tự hào. Đứng trên bến cảng, quan sát ngư dân chuẩn bị ra khơi, định bụng sẽ nói một lời động viên họ nhưng tôi chợt khựng lại khi bắt gặp những nét cười rắn rỏi, những động tác khoan thai mà dứt khoát của những cư dân miền biển. Tất cả đều toát lên niềm hứng khởi, sự kiên định, tình yêu với nghề, với biển cả.
Niềm vui giản dị của ngư dân nhổ neo ra khơi. Ảnh: Anh Hoài
Ngư dân Phạm Xuân Huy ở thôn Giang Hà (xã Thạch Kim - Lộc Hà) cho biết: “Từ sau tết đến nay, thuyền của tôi đã đi 3 chuyến, chuyến nào cũng trở về trong thắng lợi. Hôm nay là chuyến thứ 4, hy vọng, chúng tôi lại tiếp tục gặp may mắn để sớm trở về. Lộc biển đầu năm không chỉ mang lại nguồn lợi về kinh tế mà còn có ý nghĩa động viên tinh thần to lớn đối với những người bám biển như chúng tôi”.
Biển là nơi mưu sinh nhưng biển cũng chính là một phần Tổ quốc. Những chuyến ra khơi đầu năm bao giờ cũng thật thiêng liêng và được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn bởi nó mang tính khởi đầu. Đó cũng chính là thời điểm mà người dân đã trải qua những khó khăn, vất vả về thời tiết trong hơn nửa đầu thời gian của vụ cá bắc.
Lộc biển. Ảnh: Hương Thành
Không còn tâm lý sẵn sàng “nghênh chiến” với những gầm gào biển cả mỗi lần ra khơi nữa, những chuyến đi đầu năm của ngư dân như thong dong hơn, nhàn nhã hơn, nhiều hy vọng hơn. Người miền biển vẫn nói với nhau rằng, mùa lộc của vụ cá bắc chính là ở những tháng cuối vụ. Thời điểm này, hầu hết những tàu thuyền ra khơi, vào lộng đều sớm trở về với cá nặng đầy khoang.
Ngư dân Trần Văn Tâm (thôn Phú Mậu, thị trấn Lộc Hà) cho biết: “Hôm nay, tàu của tôi mới đi chuyến đầu tiên. Ngư trường chúng tôi đến là vùng đảo Bạch Long Vỹ nên chuyến đi sẽ kéo dài từ 10 ngày đến cả tháng. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ ngư cụ, thực phẩm và các điều kiện cần thiết để nhổ neo. Hy vọng, sẽ sớm gặp được luồng hải sản để sớm trở về trong thắng lợi, mở đầu một năm may mắn, thuận lợi”.
Sau kỳ trở hoa, những quả bưởi tí hon đã bắt đầu thành hình, thành dáng, mang theo những niềm hi vọng mới của người nông dân. Ảnh: Đậu Bình
Mùa lộc mới đã lên hương, lên sắc, lên hình trên khắp nẻo quê hương. Trong xôn xao niềm vui mới, con người như quyện hòa, gần gũi hơn với thiên nhiên. Để trong những mối giao cảm, trong sự gắn bó ấy, đời sống lại được thổi vào một luồng sinh khí mới, rạo rực và thiết tha hơn…
Ảnh: anh hoài - đậu bình - hương thành
thiết kế: huy tùng