Đội hình ra sân của tuyển Việt Nam ở trận đấu cuối cùng vòng loại Asian Cup 2019 trên sân của Jordan. Ảnh: Đoàn Huynh. |
Sự có mặt của những cầu thủ đến từ HAGL là điều dễ hiểu, nhưng việc SLNA trở thành đội bóng có đóng góp nhiều cầu thủ nhất (có thời điểm 4 người trên sân) gây ra bất ngờ lớn.
Lâu nay, người hâm mộ vẫn có suy nghĩ không tốt, thậm chí ác cảm rằng SLNA chỉ sản sinh ra những cầu thủ có lối chơi thô bạo theo kiểu “bóng đi - người ở lại”. Về lý thuyết, họ luôn làm chậm nhịp điệu thi đấu vì thói quen phạm lỗi. Điều đó trái ngược với triết lý bóng đá của HLV Park Hang-seo vốn đề cao tính kỷ luật và khả năng phản công khoa học.
Tuy nhiên, phải có lý do gì đó khiến chiến lược gia người Hàn Quốc ưu ái các cầu thủ SLNA?
Luôn để lại “tiếng xấu” về lối đá quyết liệt đôi khi vượt quá giới hạn luật, nhưng khả năng của các cầu thủ SLNA thì chưa bao giờ bị đánh giá thấp. Ở nơi ấy, chẳng thiếu các ngôi sao có trình độ kỹ thuật thượng thừa. Trước đây có anh em nhà Văn Sỹ, sau này là lứa Văn Quyến, Như Thuật, Công Vinh... Kế nữa có Trọng Hoàng, Phi Sơn và bây giờ là Hồ Khắc Ngọc và Phan Văn Đức. Rõ ràng, SLNA thừa con người để chơi bóng đá tấn công đẹp mắt nhưng hoàn cảnh không cho phép họ làm điều đó.
Từ khi thăng hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam năm 1991 đến nay, SLNA chưa bao giờ được xem là “đội bóng nhà giàu”. Nhân tài luôn bị bòn rút bởi các CLB khác. Như một phản ứng tự vệ, họ buộc phải chọn lối chơi có phần thô ráp để bảo đảm việc được tồn tại ở sân chơi cao nhất. Đấy là lý do khiến nhiều cầu thủ SLNA mới 18-19 tuổi đã được đôn lên đội một, và bắt nhịp với sân chơi khắc nghiệt V-League nhanh như thể họ đã hít thở bầu không khí ấy từ lâu lắm rồi.
Chính tính “thực chiến” ấy là phẩm chất mà HLV Park Hang-seo nhìn thấy. Ông muốn khai thác năng lực tốt nhất của họ bên cạnh các thói quen xấu. Ông đặt các cầu thủ xứ Nghệ ngay bên cạnh những ngôi sao phố Núi như sự bổ sung chất thép cho những bài thơ lãng mạn. Với Quế Ngọc Hải đá quét sau lưng, Lương Xuân Trường sẽ có đủ thời gian và không gian thực hiện các đường chuyền tầm trung. Một Công Phượng ưa thích rê dắt cần mẫu đồng đội như Phan Văn Đức biết cách chớp thời cơ nhằm tránh lãng phí cơ hội.
HAGL làm người hâm mộ quan tâm nhiều hơn đến bóng đá Việt Nam, nhưng chính sự thực dụng của SLNA lại bảo đảm cho khả năng có được thành tích trên các đấu trường quốc tế. Những nét dữ dằn trong lối chơi của cầu thủ xứ Nghệ cũng có thể khiến đối phương cẩn trọng khi truy cản những cầu thủ tấn công của đội tuyển Việt Nam. Đó là sự bổ sung chứ không phải loại trừ.
Nhưng hãy nhìn vào bảng điểm V-League hiện tại. SLNA xếp thứ ba từ dưới lên, trong khi nhờ chiến thắng nhọc nhằn 3-2 trên sân nhà Pleiku gặp tân binh đang đứng chót bảng Nam Định, HAGL mới có được năm điểm. Đây là thực trạng của ba mùa gần đây. Hiếm đâu như Việt Nam, các cầu thủ tốt nhất lại đến từ những đội bóng có thành tích kém cỏi.
Điều này được lý giải là cả hai đều không có ngoại binh tốt. Bầu Đức tuyên bố không cần cầu thủ ngoại, còn SLNA thì đơn giản là… không có tiền. Nhưng thống kê suốt chiều dài lịch sử V-League cho thấy, các tiền đạo ngoại quyết định đến 30% khả năng vô địch. Ngay như Hà Nội FC, dù có trong tay nhiều cầu thủ nội tài năng, việc đứng trong top 3 suốt gần 10 năm qua có công lớn từ những ngoại binh như Hoàng Vũ Samson hay Gonzalo.
Có người nói vui rằng nếu V-League không có ngoại binh thì có lẽ SLNA và HAGL đã vô địch ít nhất một lần trong 5 năm qua. Nhưng đổi lại, việc được đối đầu với các đội bóng có ngoại binh giỏi lại tạo cơ hội để các cầu thủ trẻ ở SLNA cũng như HAGL trưởng thành nhiều hơn. Sự áp đảo về số lượng tại đội tuyển quốc gia hiện nay chính là câu trả lời. Nếu giữ nguyên được đội hình hiện nay thêm một vài mùa giải nữa, người hâm mộ có thể sẽ thấy HAGL và SLNA khác hơn rất nhiều.