Hàn Quốc lần đầu có hơn 5.000 ca bình phục, cách ly người nhập cảnh

Hàn Quốc sẽ tiến hành việc bắt buộc cách ly trong 2 tuần đối với tất cả những người nhập cảnh bắt đầu từ ngày 1/4 vì số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng.

Hàn Quốc lần đầu có hơn 5.000 ca bình phục, cách ly người nhập cảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19 đối với hành khách đến từ châu Âu tại sân bay quốc tế Incheon, phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận số ca khỏi bệnh ngưỡng 5.000 người; tiếp tục duy trì số ca nhiễm mới ở mức trên dưới 100 trong 17 ngày liên tiếp, trong khi số ca nhiễm từ nước ngoài vẫn đang tăng mạnh.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 0 giờ ngày 29/3, với 105 ca mới được phát hiện, số ca nhiễm COVID-19 đã lên 9.583 người.

Số ca tử vong là 155 (thêm 11 ca mới), chủ yếu vẫn là người cao tuổi (trên 80) và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn là 222 nâng tổng số lên 5.033 người, chiếm 52,5%.

Tính đến ngày 29/3, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 369.530 người (kể từ ngày 20/1/2020) tăng 7.647 trường hợp; hiện có 4.398 ca đang được cách ly điều trị (giảm 125 người) và 15.028 người tiếp tục phải theo dõi (giảm 1.536 ca).

Số ca nhiễm mới phát hiện qua công tác kiểm dịch tại sân bay tăng thêm 21 ca (chiếm 13,8%) nâng tổng số thành 189 ca.

Trong nỗ lực quyết tâm dập dịch COVID-19 trước thềm lễ khai giảng năm học mới (dự kiến diễn ra vào ngày 6/4 tới), Chính phủ Hàn Quốc tăng cường biện pháp “dãn cách xã hội," hạn chế tối đa các hoạt động tập thể, sinh hoạt tôn giáo, các dịch vụ vui chơi giải trí... cho đến ngày 5/4.

Cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 29/3 cho biết nước này sẽ tiến hành việc bắt buộc cách ly trong 2 tuần đối với tất cả những người nhập cảnh bắt đầu từ ngày 1/4 vì số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ nước ngoài ở Hàn Quốc đang gia tăng.

Ông Chung Sye-kyun thông báo tất cả những người nhập cảnh Hàn Quốc, bất kể quốc tịch nào, sẽ phải cách ly. Người nước ngoài không có địa chỉ thường trú ở Hàn Quốc sẽ ở cách ly trong các cơ sở do Chính phủ Hàn Quốc chỉ định và tự trả phí.

Ông Chung Sye-kyun phát biểu trong một cuộc họp Chính phủ thảo luận về các biện pháp chống COVID-19: “Để ngăn chặn việc nhập cảnh Hàn Quốc với các mục đích không quan trọng, chẳng hạn như du lịch, chúng ta sẽ mở rộng biện pháp cách ly bắt buộc đối với tất cả người nước ngoài trong thời gian ngắn.”

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 29/3 cho biết Bình Nhưỡng đang huy động các trung tâm nghiên cứu danh tiếng trong nước để cùng phối hợp đưa ra các biện pháp khoa học nhằm ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.

Thông tin đăng tải trên tờ Lao động, Cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, cho biết mặc dù chưa có trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 được báo cáo ở Triều Tiên song Bình Nhưỡng đã kêu gọi toàn dân nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát bằng các tăng cường kiểm soát biên giới và siết chặt biện pháp cách ly cộng đồng.

Các nhà nghiên cứu về công nghệ sinh học và nông nghiệp tại Viện hàn lâm khoa học quốc gia cũng đã được điều động đến từng huyện thị của 11 tỉnh thành phố để tiến hành xét nghiệm và tầm soát virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, những hướng dẫn về kỹ thuật xét nghiệm cũng đã được phân phát trên quy mô toàn quốc.

Các nhà khoa học của Đại học Kim Nhật Thành (trường đại học hàng đầu ở Triều Tiên) đã tiến hành nghiên cứu về nguyên nhân gây ra hiện tượng động vật chết hàng loạt ở các tỉnh Nam Hwanghae và tỉnh Kangwon.

Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát trên bán đảo Triều Tiên hồi năm 2019, Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này cũng như các loại bệnh dịch liên quan đến động vật khác.

Những nỗ lực này cho thấy họ thực sự lo ngại rằng chỉ cần để xảy ra một đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong vật nuôi cũng có thể phá hỏng nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19 vốn được xác định còn kéo dài.

Dư luận chung lo ngại rằng Triều Tiên rất dễ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 bởi nước này có chung đường biên giới dài với láng giềng Trung Quốc đồng thời lại thiếu thốn trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất để có thể xét nghiệm và điều trị cho những người bị nhiễm.

Mới đây, các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Bác sỹ không biên giới và Hội chữ thập đỏ quốc tế (IFRC) đã được phép chuyển cho phía Triều Tiên thiết bị y tế, bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và các trang thiết bị cần thiết liên quan khác.

Hồi cuối tháng Hai vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết đã tài trợ cho Triều Tiên 1.500 bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo yêu cầu của Bình Nhưỡng.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Hiệp hội địa lý LB Nga vừa thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

Trong một báo cáo chung được công bố ngày 31/10, hai cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cùng Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo rằng tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ trở nên trầm trọng hơn ở 22 quốc gia do nhiều nhân tố đang leo thang.
Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Ngày 5/11/2024, cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn tổng thống, người lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 4 năm tới.
Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Ông Sheikh Naim Qassem, người được bầu làm thủ lĩnh mới của Hezbollah ngày 29/10, là nhân vật đã gắn bó, cống hiến cho với lực lượng này trong hơn 30 năm.
Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Quốc gia Ðông Phi đang bị đẩy đến bờ vực nạn đói, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến "cuộc khủng hoảng bị lãng quên" này.
Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Được đánh giá là một trong những cơn bão nguy hiểm và tàn khốc nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay, cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết cơn bão đã khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và 41 người khác mất tích.