Hàn Quốc sẽ tước giấy phép của 7.000 bác sĩ đình công

Hàn Quốc thông báo kiểm tra các bệnh viện để truy cứu những bác sĩ nội trú không trở lại làm việc và tước giấy phép hành nghề của 7.000 người.

"Kể từ hôm nay, chúng tôi lên kế hoạch kiểm tra các bệnh viện để xác định những bác sĩ nội trú không trở lại làm việc. Chúng tôi sẽ hành động theo quy định, pháp luật mà không có trường hợp ngoại lệ", Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong phát biểu trên truyền hình ngày 4/3. "Những bác sĩ chưa quay lại làm việc có thể gặp rắc rối nghiêm trọng trên con đường sự nghiệp của họ".

Theo ông Cho, với những bác sĩ đã trở lại làm việc, chính phủ sẽ xem xét tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp truy cứu trách nhiệm đối với họ.

Thứ trưởng Y tế Park Min-soo tuyên bố trong cuộc họp báo sau đó rằng chính phủ sẽ bắt đầu quy trình tước giấy phép hành nghề của khoảng 7.000 bác sĩ nội trú đã tham gia đình công. Đây được coi là phản ứng cứng rắn nhất của chính phủ Hàn Quốc nhằm đối phó với phong trào đình công tập thể của các bác sĩ nội trú.

"Chúng tôi sẽ có phản ứng nghiêm khắc và nhanh chóng với những người gây ra hành động tập thể dẫn đến hỗn loạn trong ngành y", ông Park nói.

Khoảng 9.000 bác sĩ nội trú Hàn Quốc, tương đương 70% bác sĩ nội trú cả nước, đã nghỉ việc kể từ ngày 20/2, dẫn đến nhiều ca phẫu thuật bị hủy và gây đình trệ dịch vụ khám chữa bệnh ở nước này.

Chính phủ cảnh báo bác sĩ đình công sẽ phải đối mặt biện pháp xử lý về hành chính và hình sự, trong đó có treo bằng một năm, ngồi tù ba năm hoặc phạt tiền 30 triệu won (22.455 USD) nếu không trở lại làm việc vào 29/2. Hiện chỉ có hơn 560 bác sĩ quay lại làm việc theo lệnh, số khác vẫn tiếp tục đình công.

AFP-20240303-34KP6G8-v4-Previe-5331-3993-1709523645.jpg
Bác sĩ Hàn Quốc biểu tình tại Seoul ngày 3/3 để phản đối chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y. Ảnh: AFP

Bác sĩ nội trú Hàn Quốc nghỉ việc tập thể để phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng tuyển sinh 2.000 sinh viên vào các trường y từ năm 2025. Bác sĩ nội trú vốn đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ phẫu thuật và dịch vụ cấp cứu tại các bệnh viện đa khoa lớn.

Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy hai bên sẽ nhượng bộ. Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), đại diện cho bác sĩ tư nhân, hôm 3/3 tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ ở thủ đô Seoul với sự tham gia của hàng nghìn bác sĩ để phản đối chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y.

Hiệp hội Y khoa Thế giới, đại diện cho các bác sĩ, "lên án mạnh mẽ hành động của chính phủ Hàn Quốc nhằm trấn áp tiếng nói của những người đứng đầu KMA", đồng thời khẳng định quyền của các bác sĩ được hành động tập thể, trong đó có đình công.

Chính phủ Hàn Quốc cho hay việc tăng sinh viên trường y là cần thiết bởi nước này có tỷ lệ bác sĩ trên dân số thấp nhất trong các nước phát triển. Việc này sẽ cải thiện dịch vụ y tế tại vùng sâu vùng xa và đáp ứng nhu cầu của đất nước đang già hóa dân số nhanh chóng.

Trong khi đó, bác sĩ nội trú cho rằng họ bị quá tải và tình trạng này chỉ có thể được cải thiện bằng cách tuyển thêm bác sĩ nhiều kinh nghiệm, không phải tăng số sinh viên và bác sĩ mới ra trường.

Một cuộc thăm dò gần đây của Gallup Korea cho thấy 75% người dân Hàn Quốc ủng hộ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y.

vnexpress.net

Đọc thêm

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Ngày 7/1, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin xác nhận nước này đã phát hiện các ca nhiễm virus human metapneumovirus (HMPV), song khẳng định với người dân rằng căn bệnh này không nguy hiểm.