Do bị ngập từ ngày 17/7 và ngâm trong nước lũ hơn 1 tuần nên những đám ruộng ở xã Hương Minh (Vũ Quang) đã bị hư hại ở mức từ 70-100%...
Bà Lê Thị Loan ở thôn 2, xã Hương Thọ (Vũ Quang) nhìn về phía cánh đồng gần nhà than thở: "Vụ mùa này gia đình tôi làm 5 sào cả lúa, lạc, đậu. Sau đợt lũ, chỉ còn nhìn vào hơn 1 sào lúa chỉ bị ngập nhẹ, nước rút sớm; còn gần 4 sào ngô và đậu thì mất trắng. Nước rút, nắng lên các đám ruộng trồng ngô và đậu của gia đình đều bị héo lá, lầy thân rồi chết. Vụ hè thu này xem như gần mất trắng".
Anh Chương (ở xã Sơn Giang) đang cắt ngô bị đổ gãy do mưa lũ về làm thức ăn cho trâu bò...
Đến cánh đồng thôn 5, xã Sơn Giang (Hương Sơn), chúng tôi bắt gặp anh Chương đang tranh thủ cắt những thân ngô còn dùng được sau lũ về làm thức ăn cho trâu bò. Anh cho biết, nhờ tranh thủ gieo trỉa được sớm nên khi có đợt mưa lũ vừa rồi đám ngô ở ruộng này đã tốt, sắp ra bắp, dù bị đổ gẫy vẫn có thể tận dụng được một ít để cho trâu bò ăn. Tuy nhiên, những diện tích như thế này trong thôn, xã không nhiều, đa phần là mới trỉa được hơn 1 tháng nên khi bị ngập là gần như mất trắng...
Một ruộng ngô ở cánh đồng thuộc thôn 6, xã Sơn Giang (Hương Sơn) bị hư hại nặng do mưa lũ
Tiếp xúc với chúng tôi, hầu hết các hộ dân đều cho rằng khó có thể tái sản xuất lại những diện tích đã bị hư hại. Bởi theo họ, lúa và đậu đã hết thời vụ, còn lạc và khoai lang thì chưa biết tính thế nào. Nếu được hỗ trợ giống, phân bón thì sẽ tái sản xuất một ít diện tích để làm thức ăn chăn nuôi. Nói vậy, song, người dân cũng không mặn mà vì lo ngại thiên tai diễn biến bất thường, chậm lịch thời vụ và nhiều khó khăn khác...
Nhiều diện tích đậu ở xã Sơn An (Hương Sơn) vẫn còn nước, cây đang dần chết
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi nước rút, toàn huyện Hương Sơn có 542/2.215 ha ha lúa, 719/1.128 ha đậu, 382/970 ha ngô, 19/45 ha lạc và 40/145 ha rau màu bị hư hại, không thể phục hồi...
Tương tự, tại thời điểm này, toàn huyện Vũ Quang có 6 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn và 104 ha khác bị thiệt hại từ 50-70%; 127 ha đậu bị thiệt hại từ 70-100%; 91 ha ngô bị thiệt hại trên 50%... Với mức hư hại như trên thì cây trồng trên các diện tích bị ngập úng này không thể phục hồi, phải sản xuất lại.
Nước rút, trời nắng lên cũng là thời điểm một số diện tích đậu bị ngập ở xã Hương Thọ (Vũ Quang) héo lá, chết đồng loạt...
Trước tình hình này, phòng nông nghiệp 2 huyện và chính quyền các địa phương đang tiếp tục soát xét, đánh giá tình hình để có phương án bổ cứu sản xuất, xin hỗ trợ giống. Cùng với đó là đôn đốc, chỉ đạo nhân dân thăm đồng, chăm sóc số diện tích bị hư hại nhẹ và chuẩn bị phương án để tái sản xuất đối với những diện tích không thể phục hồi.
Do quá lịch thời vụ nên người dân đang được khuyến khích chuyển từ trồng đậu sang trồng khoai, ngô để phục vụ chăn nuôi và khuyến cáo không nên bỏ hoang đồng ruộng...