Go-Jek, hãng khởi nghiệp đạt giá trị tỷ USD đầu tiên của Indonesia đang tìm kiếm cơ hội để phát triển dịch vụ đi chung xe tại 3-4 quốc gia ở Đông Nam Á. Đây là động thái nhằm tăng cường sự cạnh tranh với các đối thủ Grab, Uber của startup Indonesia.
Nadiem Makarim - nhà đồng sáng lập, kiêm CEO Go-Jek không tiết lộ cụ thể sẽ nhắm tới quốc gia nào hay cung cấp dịch vụ gì. Tuy nhiên, ông Makarim từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng, Go-Jek sẽ chọn các quốc gia đông dân và vẫn có thói quen dùng tiền mặt, vì thanh toán điện tử là một trong những chìa khoá để thúc đẩy thị trường mới của startup này.
Go-Jek chuyên cung cấp dịch vụ xe ôm công nghệ tại Indonesia. Ảnh: Bloomberg |
Theo đó, Philipines, Việt Nam và Thái Lan có thể sẽ là điểm đến hàng đầu của Go-Jek. Bởi sau Indonesia, ba quốc gia này có dân số đông nhất Đông Nam Á, với quy mô 270 triệu người.
Nhờ nguồn vốn đầu tư từ SoftBank Group và Didi Chungxi - "Uber Trung Quốc", Grab đã đẩy mạnh sự phát triển ngay tại Indonesia, sân nhà của Go-Jek. Hiện tại, startup có trụ sở ở Singapore đang hoạt động tại bảy quốc gia Đông Nam Á. Trong khi đó, đây mới là bước chân đầu tiên ra thị trường quốc tế của Go-Jek.
"Chúng tôi đã luôn luôn ở thế phòng ngự. Đã đến lúc phải cạnh tranh cùng họ", ông Makarim chia sẻ về kế hoạch mở rộng thị trường của Go-Jek. Trước đó, Makarim học cùng lớp với CEO Grab - Anthony Tan tại Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ).
Hiện tại, Go-Jek và Grab đều cung cấp các dịch vụ thanh toán trên di dộng. Đây được xem như một cách để mở rộng quy mô và xây dựng một mô hình kinh doanh nhiều tiềm năng, khi cung cấp dịch vụ tài chính cho một lượng lớn người ít có điều kiện tiếp cận với ngân hàng.