LTS: Singapore đã quá đỗi nổi tiếng với câu chuyện hóa rồng từ một làng chài nghèo đói chỉ trong vòng một thế hệ kể từ khi tách khỏi Malaysia trở thành quốc gia độc lập năm 1965.
Ngày nay, Singapore đang tiến hành quyết liệt công cuộc chuyển đổi số với tham vọng trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới và đã có những nền tảng vững chắc sẵn sàng cho thời đại 4.0, từ vốn nhân lực, năng lực cạnh tranh số, năng lực sản xuất đều thuộc tốp đầu thế giới.
Bí quyết gì khiến Singapore luôn làm nên những điều kỳ diệu như vậy? Việt Nam có thể học hỏi được gì để chuyển đổi số thành công? Trên tinh thần giải mã bí quyết của Singapore, bài viết đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam chuyển đổi số để phát triển bứt phá, hùng cường trong thời đại 4.0.
Chuyển đổi số để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân
Hành trình chuyển đổi số của Singapore khởi đầu với việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu trên hệ thống máy tính ở thập kỷ 1990. Đến năm 2000, 90% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến.
Ảnh: Nikkei |
Năm 2010, Singapore đã cung cấp dịch vụ công tích hợp. Mốc đột phá là vào tháng 11/2014 khi Thủ tướng Lý Hiển Long khởi động sáng kiến xây dựng quốc gia thông minh trong 10 năm với 3 trụ cột chính là kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.
Một điểm mốc khác là vào tháng 5/2017, Singapore thành lập Văn phòng Chính phủ số và Quốc gia thông minh, tạo nên sự thống nhất, đồng bộ và thông suốt trong chỉ đạo, vận hành và do vậy, đẩy nhanh hành trình chuyển đổi số.
Chính phủ Singapore dẫn dắt và giữ vai trò then chốt trong công cuộc chuyển đổi số để mang lại cuộc sống tốt đẹp, tiện ích cho người dân, xây dựng đất nước thành nơi đáng sống, nơi làm việc và giải trí tuyệt vời.
Với mục tiêu đầy tham vọng và hợp lòng dân, Singapore đã huy động cả hệ thống vào cuộc, quy tụ các chuyên gia công nghệ tầm cỡ, các nhân tài ưu tú, các DN và người dân chung tay xây dựng Chính phủ số.
Người dân tham gia hầu hết các khâu làm nên sản phẩm và dịch vụ số với quy trình 5 bước chặt chẽ: Khảo sát và lấy ý kiến người dân; thử nghiệm từ việc sử dụng của người dân; đánh giá khiếm khuyết; thiết kế lại và hoàn thiện việc số hóa dịch vụ.
Chính phủ xây dựng 11 hành trình dịch vụ với những tiện ích thiết yếu của người dân như làm cha mẹ từ lúc đứa trẻ sinh ra đến lúc học phổ thông, người lao động tìm kiếm việc làm, chăm sóc sức khỏe… Tất cả đều được thực hiện một cửa, do vậy, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức, vừa thay đổi nhận thức, thói quen và cách làm việc của cán bộ.
Điển hình như ứng dụng “Cuộc sống Singapore” (LifeSG) đã nhận được sự quan tâm và tham gia nhiệt thành của đông đảo người dân. Dịch vụ số này tích hợp hơn 40 dịch vụ tiện ích như đăng ký giấy khai sinh, trợ cấp trẻ em, tìm trường học tối ưu, thông tin về các chương trình, các ưu tiên dành cho người cao tuổi, về việc làm, các khóa học phát triển kỹ năng, cập nhật các chương trình phúc lợi mới nhất của Chính phủ...
Tại sân bay Changi của Singapore, công nghệ nhận diện khuôn mặt và mống mắt đã thay thế nhận diện bằng vân tay ở các cổng xuất nhập cảnh nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc. Ảnh: Straitstimes |
Không dừng ở đó, nhằm gia tăng sự sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm và dịch vụ số cho toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, Singapore đã triển khai chương trình “Tiến tới số hóa” giúp người cao tuổi biết sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số với mục tiêu đem đến một cuộc sống đầy đủ thông tin, tiện ích và hài lòng. Chính phủ thậm chí còn triển khai chương trình “một kèm một” để trang bị cho người cao tuổi kỹ năng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ số.
Hỗ trợ DN chuyển đổi số
Không đơn thuần dừng ở việc tạo môi trường thuận lợi hay để mặc DN trôi nổi, Singapore lập 23 bản đồ chuyển đổi số chỉ đường cho 23 ngành gồm cả lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, bao phủ hầu hết các ngành chính, chiếm 80% GDP quốc gia.
Các bản đồ này gồm kế hoạch tăng trưởng và gia tăng năng lực cạnh tranh với sự hỗ trợ của 4 trụ cột là năng suất lao động, việc làm và kỹ năng, đổi mới sáng tạo, thương mại và quốc tế hóa. Cụ thể hơn, bản đồ vạch ra các chiến lược và ưu tiên chính, giải đáp các vấn đề như: Làm thế nào để tăng năng suất lao động? Đâu là những kỹ năng thiết yếu trong tương lai? Làm thế nào để DN gia tăng xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ?
Nhằm tạo tiếng nói và nhận thức chung trong cộng đồng sản xuất về cơ hội và thách thức của cuộc CMCN 4.0, Singapore xây dựng Chỉ số sẵn sàng công nghiệp thông minh (Smart Industry Readiness Index).
Đây là công cụ để các DN tự đánh giá về hoạt động sản xuất và mức độ sẵn sàng của mình. Chỉ số gồm khung tham chiếu và các công cụ giúp các nhà sản xuất bất kể lớn nhỏ và ngành công nghiệp biết cách khởi đầu, xác định quy mô và duy trì hành trình chuyển đổi sản xuất của mình thế nào cho phù hợp. DN sử dụng Chỉ số để thiết kế lộ trình cải tiến, đưa ra giải pháp, để đánh giá và sàng lọc các sáng kiến, đánh giá mức độ tiến triển…
Singapore đã rất đúng và trúng khi dành sự hỗ trợ về tài chính, tư vấn, ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân lực để nâng cao năng lực chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ. Một loạt dự án hỗ trợ DN vừa và nhỏ được triển khai.
Dự án SME Go Digital, dự án SME Digital Tech Hub giúp các DN vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ số trong tiếp cận thị trường mới, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Dự án Start Digital hỗ trợ DN vừa và nhỏ đào tạo nhân lực về tiếp thị kỹ thuật số, thanh toán điện tử, an ninh mạng trong vòng 18 tháng. DN được miễn học phí trong 6 tháng đầu và giảm học phí thời gian còn lại.
Singapore cũng bố trí các chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn miễn phí từ A đến Z cho các DN vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số.
Singapore còn xây dựng các nền tảng số để tiếp nhận, xử lý, trả kết quả hồ sơ cho DN, để DN tiếp cận thông tin về đất đai, quy hoạch một cách công khai, chi tiết và hoàn toàn miễn phí.
Covid-19 đã được Singapore tận dụng để tăng tốc chuyển đổi số nhằm một mặt kiểm soát, giảm thiểu hậu quả của đại dịch, mặt khác, nhằm nhanh chóng cán đích trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới.
Singapore đã dành hơn 500 triệu SGD để hỗ trợ các DN và người dân đẩy nhanh chuyển đổi số nhằm giảm thiểu tác động cuộc khủng hoảng này. Kết quả là, theo báo cáo của Microsoft, có tới 73% DN cả quy mô vừa và lớn đã đẩy nhanh tốc độ số hóa theo nhiều cách khác nhau để ứng phó với đại dịch, từ việc đưa ra các sản phẩm kỹ thuật số, thanh toán kỹ thuật số đến thương mại điện tử và tự động hóa.
Singapore được đánh giá là một trong những nước kiểm soát dịch Covid-19 tốt nhất thế giới. Cũng bởi vậy, Diễn đàn kinh tế thế giới chọn Singapore thay vì Thụy Sĩ tổ chức hội nghị thường niên năm 2021.
Chuyển đổi dứt khoát theo từng bước với kết quả rõ ràng
Singapore không chỉ hoạch định chính sách kỹ lưỡng mà còn coi “thực thi là tối quan trọng”, đảm bảo đầy đủ các định chế hỗ trợ việc thực thi chính sách hiệu quả, đặc biệt chú trọng tuyển chọn các chuyên gia công nghệ tầm cỡ giàu kinh nghiệm có tầm nhìn chiến lược làm đầu tàu trong hành trình chuyển đổi số.
Đây là yếu tố quan trọng mang lại thành công của Singapore trong công cuộc chuyển đổi số. Thực tế cho thấy nhiều nước hoạch định chính sách tốt nhưng do thiếu các định chế hỗ trợ thực thi hiệu quả và các tư lệnh tài năng, tâm huyết nên chính sách thường không được thực thi đến nơi đến chốn, thậm chí chỉ tồn tại trên giấy tờ.
Singapore đặt ra các lộ trình chính mỗi năm, tập trung vào các lĩnh vực cụ thể để cải tiến và số hóa. Hành trình chuyển đổi số được thực hiện theo từng bước với lộ trình rõ ràng để người dân và DN có thời gian làm quen và dần thích ứng. Các sản phẩm và dịch vụ số liên tục được cải tiến để hoàn thiện hơn. Khi phát sinh vướng mắc giữa Chính phủ và người dân, kể cả những vấn đề nhỏ nhất trong “hành trình dịch vụ” số hóa phải được giải quyết luôn và ngay.
TS Phạm Mạnh Hùng - TS Bùi Khắc Linh
(Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)