Sân đền thờ Nguyễn Công Trứ là nơi sinh hoạt thường xuyên của CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ - Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ảnh: Sỹ Ngọ
Đánh giá về những sáng tác của Nguyễn Công Trứ, hiện có nhiều ý kiến trái chiều nhưng riêng ở thể hát nói, hầu hết ý kiến đều thừa nhận tài năng và tư chất đặc biệt mà ông gửi gắm trong đó. Ông cũng được coi là người có công đầu trong việc đưa hát nói vào văn học và biến nó trở thành một trong những thể tài văn học độc đáo mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Với niềm đam mê nghệ thuật hát ca trù, Nguyễn Công Trứ đã tìm thấy “đất” để thỏa sức sáng tạo khi sáng tác thể thơ hát nói. Và cũng nhờ những nhịp sênh, phách trong những đêm ả đào say sưa, Nguyễn Công Trứ đã hoàn thiện và nâng tầm những sáng tác hát nói của mình.
Hát nói vừa là một thể thơ, vừa là trong 46 điệu thức của loại hình nghệ thuật dân gian ca trù. Nhờ sự chuyển mình, trở thành một thể loại văn học trong các sáng tác của Nguyễn Công Trứ mà hát nói đã trở thành một thành tố chủ yếu, có thể đại diện cho loại hình nghệ thuật ca trù.
Bài hát nói "Làm cho tỏ mặt nam nhi" của Nguyễn Công Trứ được đoàn Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018. Ảnh: Giang Nam.
Có thể thấy, hát nói là một bộ phận hợp thành quan trọng của di sản văn học Nguyễn Công Trứ, hơn thế, thể thơ này với sự phóng khoáng về niêm luật, là nơi để Uy Viễn Tướng công thể hiện được đầy đủ nhất chí khí, hoài bão, khí chất ngang tàng trong con người ông. Như Tiến sỹ Nguyễn Viết Ngoạn từng nhận xét: “Hát nói đến và nhờ Nguyễn Công Trứ đã làm cho thi ca nước Việt thời phong kiến như có một cuộc cách mạng tâm hồn thật sự”. Còn nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thì nhận xét: “Có Nguyễn Công Trứ, cây đàn văn học Việt Nam có đủ dây vũ dây văn, mà ông chính là sợi dây vũ cường tráng luôn luôn rung lên những âm sắc nam nhi sảng khoái làm phong phú cung đàn văn chương đất nước”.
Rõ ràng, những nhận xét đó là hoàn toàn xác đáng bởi trước và sau Nguyễn Công Trứ, chưa có ai khơi gợi rồi viết về chí nam nhi một cách đầy nhiệt huyết như thế: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” (Đi thi tự vịnh); “Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc/ Nợ tang bồng vay trả trả vay/ Chí làm trai nam bắc đông tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” (Chí làm trai)…
Bằng cách nhắc đi nhắc lại nhiều lần về một khát vọng sống, Nguyễn Công Trứ đã tạo nên một triết lý sống nhập thế đầy tích cực ở trong thơ của mình. Những bài thơ ấy cũng đã khiến cho kho tàng ca trù thêm phong phú và sinh động.
Bài Vịnh Tỳ bà hành là một trong những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ được nhiều đoàn ca trù biểu diễn tại Liên hoan Ca trù toàn quốc đang diễn ra tại Hà Tĩnh. Ảnh: Đình Nhất.
Một quan viên say sưa bên chiếu hát, hẳn cũng không thoát ra khỏi những mối thâm tình với đào nương. Với bản tính ngang tàng, phóng khoáng, ông không giấu giếm mà còn bộc bạch điều đó một cách mạnh mẽ. Tình của ông không chỉ tình trong một thoáng như thể “Thú tiêu sầu rượu rót đề thơ/ Có yến yến hường hường mới thú” (Tài tình) mà còn chất nặng tâm tư: “Sầu ai lấp cả vòng trời/ Biết chăng chẳng biết, hỡi người tình chung” (Sầu tình); rồi đầy hào hoa, nặng tình, lụy tình: “Khách thập thúy say màu hoa diễm/ Đối mặt hoa mà cầm, mà kỳ, mà tửu, mà thi/ Trăm hoa cũng bẻ một cành” (Yêu hoa), “Dầu nghìn dặm băng sơn quế hải/ Đã tình duyên xe lại cũng nên gần/ Liễu hoa vừa gặp chúa xuân/ Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn/ Anh hùng hà xứ bất giang sơn!” (Duyên gặp gỡ)… Đó cũng chính là mảnh đất để đào nương thể hiện những tuyệt kỹ ca trù cũng như những lớp lang cảm xúc trong tâm tư mình.
Trong gia tài sáng tác gồm 63 bài hát nói còn sao lục được của Nguyễn Công Trứ có rất nhiều bài đã được các CLB ca trù dàn dựng, biểu diễn phổ biến. Trong đó, nổi bật nhất và được nhiều địa phương hát nhất là: Chí làm trai, Vịnh Tỳ bà hành, Bài ca ngất ngưởng, Yêu hoa, Sầu tình, Duyên gặp gỡ, Một ngày nên nghĩa… Sự tài tình và biến hóa trong sử dụng ngôn ngữ của ông đã góp phần tô đậm hơn tính uyên bác, đài các nhưng vẫn rất bình dị, khiêm nhường, bình dân của ca trù.