PCCC cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke (bài 2):
>> Những “lò thiêu” rập rình khai hỏa...
Mặc dù thời gian gần đây, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke đã được kiểm tra, kiểm soát tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, chỉ sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng ngày 1/11 tại cơ sở karaoke ở đường Trần Thái Tông (Hà Nội), công tác PCCC đối với loại hình kinh doanh này mới được đặt ở mức báo động đỏ. Và, nó sẽ phát huy tác dụng khi chính các chủ kinh doanh đã “ngấm đòn”, biết bảo vệ chính mình.
Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn Hà Tĩnh đều vi phạm các quy định về PCCC. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ).
Trước nguy cơ hỏa hoạn và những hậu quả nặng nề bởi các vụ cháy ở những điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, tháng 10/2015, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 47/2015 về đảm bảo an toàn PCCC. Theo đó, về trang thiết bị, các cơ sở kinh doanh này phải trang bị bình bọt, bình khí chữa cháy xách tay, bảo đảm quy định 1 bình/50 m2; hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà; hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động đối với nhà 3 tầng trở lên... Đặc biệt, phải bố trí tối thiểu 2 lối thoát nạn trong buồng thang bộ kín. Đây là yêu cầu quan trọng nhất đảm bảo tránh thương vong khi xảy ra hỏa hoạn vì lúc đó, cầu thang máy trở nên vô dụng.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đảm bảo đầy đủ các quy định này đối với các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh ta đến thời điểm này xem ra còn xa xỉ. Theo báo cáo từ phía cơ quan chức năng, hầu hết các điểm kinh doanh karaoke đều chưa đáp ứng đầy đủ các quy định theo tinh thần Thông tư 47, nơi nhẹ thì vi phạm về bình chữa cháy quá hạn, thiếu biển chỉ dẫn, phương án chữa cháy, biển hiệu phía ngoài che chắn gây khó khăn cho công tác chữa cháy, nặng thì thiếu lối thoát nạn, thiếu hệ thống báo cháy tự động đối với nhà cao tầng… Trong khi đó, điều đáng nói là tất cả các cơ sở kinh doanh này đều được cấp phép!
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trưởng phòng Văn hóa TP Hà Tĩnh Phạm Mạnh Hiền – đơn vị có thẩm quyền cấp phép hoạt động kinh doanh karaoke cho biết: “Dịch vụ karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi khắt khe các yếu tố về tiếng ồn, PCCC, ANTT. Quá trình thẩm định, cấp giấy phép hoạt động cũng được thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, trước khi Thông tư 47 ra đời, các quy định về PCCC có phần đơn giản hơn, vì vậy, những cơ sở được cấp giấy phép trước đó chưa đáp ứng các yêu cầu PCCC...”.
Thế là đã rõ! Sau hơn 1 năm kể từ Thông tư 47 ra đời mà hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về PCCC hiện hành có một phần trách nhiệm từ phía các đơn vị chức năng, thiếu quyết liệt trong kiểm tra, xử lý.
Đành rằng, để thay đổi được kết cấu một công trình như cơ sở karaoke là chuyện không phải ngày một ngày hai, nhất là đối với các công trình được cải hoán từ nhà ở, xây dựng từ trước. Vì với những công trình này, mọi khoảng không đều được tận dụng tối đa cho hoạt động kinh doanh, còn công tác PCCC vẫn là “chuyện ở đâu xa lắm”.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Công Dũng – Phó Trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trước khi được công an thành phố chấp thuận cho đi vào hoạt động phải có đầy đủ các thủ tục, trong đó có văn bản thẩm định đảm bảo an toàn PCCC của Phòng Cảnh sát PCCC. Thời gian qua, Công an thành phố cũng đã thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các điểm kinh doanh ngành nghề có điều kiện này, trong đó có nội dung về PCCC và chưa để xảy ra trường hợp cháy nổ đáng tiếc nào.
Nhằm giải quyết dứt điểm thực trạng này, mới đây, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác PCCC của các cơ sở karaoke và vui chơi giải trí tập trung trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Phòng Cảnh sát PCCC phối hợp với Công an thành phố và các lực lượng chức năng đang triển khai tổng kiểm tra các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố.
Lực lượng chức năng hướng dẫn quản lý cơ sở karaoke sử dụng thiết bị PCCC
Thượng tá Hoàng Trọng Thịnh – Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC cho biết: “Đợt tổng kiểm tra lần này nhằm phát hiện những thiếu sót trong công tác PCCC của các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke để kịp thời phòng ngừa, có phương án xử lý dứt điểm. Qua thực tế kiểm tra ban đầu cho thấy, hầu hết các cơ sở đều có sai phạm. Chúng tôi đã lập biên bản, trao đổi, ấn định thời gian, phương án khắc phục. Nếu các chủ cơ sở không khắc phục được thì sẽ kiên quyết tạm đình chỉ, hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”.
Những nỗ lực từ phía lực lượng chức năng là điều kiện cần để hóa giải, giảm nguy cơ bắt lửa của những “lò thiêu”. Điều kiện đủ để đảm bảo an toàn PCCC còn là ý thức trách nhiệm của các chủ kinh doanh và chính bản thân người sử dụng dịch vụ karaoke. Rõ ràng, với những cơ sở karaoke, việc trang cấp thiết bị PCCC không phải là một bài toán kinh tế lớn. Tuy nhiên, do chưa thực sự nắm bắt hết tầm quan trọng của công tác PCCC, của “4 tại chỗ” nên nhiều cơ sở không mua đủ số lượng quy định, không có các bảng biểu chỉ dẫn, phương án xử lý cần thiết. Chị Nguyễn Thị Tuyết - chủ cơ sở Karaoke Elite 2 ở đường Phan Đình Giót cho biết: “Qua hoạt động kiểm tra về PCCC của lực lượng công an, chúng tôi mới biết mình còn thiếu những gì để bổ sung, khắc phục. Nếu xảy ra cháy, nổ trong quá trình hoạt động kinh doanh, hậu quả thật khôn lường nên không thể chủ quan. Đảm bảo an toàn PCCC cũng là đảm bảo cho hoạt động kinh doanh, quyền lợi sát sườn của chủ kinh doanh, không lơ là được”.
Tất cả đã và đang đi vào quỹ đạo, công tác PCCC của các điểm kinh doanh karaoke được thắt chặt. Hy vọng và tin rằng, với nỗ lực của các cấp, ngành, cá nhân, đơn vị liên quan, những hậu quả đau lòng như vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 1/11 tại cơ sở karaoke ở Hà Nội không còn là nỗi ám ảnh, làm mất đi những nét đẹp của dịch vụ giải trí này. Niềm mong còn lại là chính ý thức của mỗi công dân, hãy trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để ứng phó và hãy là những “khách hát thông minh” để tẩy chay những cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC.