Hệ lụy từ cuộc đột kích giải cứu con tin của Israel

Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá cả quân đội Israel và các nhóm vũ trang Palestine có thể đã phạm tội ác chiến tranh trong cuộc đột kích giải cứu 4 con tin Israel ở trung tâm Gaza vào tuần trước.

Khói bốc lên sau cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza ngày 8/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Khói bốc lên sau cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza ngày 8/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo các quan chức y tế Palestine, ít nhất 274 người đã thiệt mạng trong cuộc đột kích hôm 8/6, khi lực lượng Israel giải cứu 4 con tin vốn bị giam giữ ở Gaza trong hơn 8 tháng. Cuộc đột kích hiếm hoi vào ban ngày được thực hiện bởi lực lượng đặc nhiệm của Israel được trang bị vũ khí hạng nặng với hỗ trợ từ trên không, nhằm vào Trại tị nạn Nuseirat ở trung tâm Gaza.

Theo phía Palestine, hơn 600 người đã bị thương trong cuộc đột kích, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ. Đông đảo bệnh nhân từ cuộc đột kích đã khiến các bệnh viện trong khu vực trung tâm Gaza quá tải. Các cơ sở y tế này vốn đang hoạt động với nguồn cung cấp thuốc, thực phẩm và nhiên liệu hạn chế.

Ông Jeremy Laurence, phát ngôn viên của Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền Volker Turk, ngày 11/6 phát biểu rằng Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ “vô cùng sốc” trước tác động từ cuộc đột kích của Israel đối với người dân thường.

Ông nói trong một bài phát biểu: “Cách thức tiến hành cuộc đột kích ở khu vực đông dân cư như vậy đặt ra câu hỏi nghiêm túc rằng liệu các nguyên tắc phân biệt, cân đối và phòng ngừa – như được quy định trong luật chiến tranh – có được lực lượng Israel tôn trọng hay không. Văn phòng cũng vô cùng đau buồn khi các nhóm vũ trang Palestine vẫn giữ nhiều con tin, hầu hết là dân thường, điều này bị luật nhân đạo quốc tế nghiêm cấm. Hơn nữa, việc các nhóm vũ trang giữ con tin ở những khu vực đông dân cư như vậy, đang khiến mạng sống của người dân thường dân Palestine, cũng như chính các con tin, gặp thêm nguy cơ từ các hành động thù địch”.

Phái đoàn Israel tại LHQ sau đó phản hồi rằng ông Turk "cuối cùng đã nhận ra Hamas sử dụng người Palestine làm lá chắn sống". Trong khi đó, phong trào Hamas chưa lên tiếng về diễn biến này.

Phương tiện bị phá hủy sau cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza ngày 8/6. Ảnh: THX/TTXVN
Phương tiện bị phá hủy sau cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza ngày 8/6. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoài ra, ông Laurence cho biết ông Turk hoan nghênh nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ được thông qua hôm 10/6 nhằm tán thành đề xuất ngừng bắn ở Gaza do Mỹ hậu thuẫn và nhấn mạnh tất cả các bên phải đảm bảo “dòng viện trợ nhân đạo không bị cản trở”. Vào ngày 11/6, Hamas cho họ tán thành nghị quyết của LHQ và sẵn sàng hợp tác với các nhà hòa giải để tham gia đàm phán gián tiếp hơn về việc thực hiện nghị quyết này.

Đây là nghị quyết ngừng bắn thứ hai được Hội đồng Bảo an thông qua. Vào tháng 3, Hội đồng Bảo an cũng đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức nhưng chưa được thực hiện.

Nghị quyết vừa được Hội đồng Bảo an thông qua vạch ra một lộ trình ba giai đoạn để đảm bảo chấm dứt hoàn toàn và bền vững cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Giai đoạn một bao gồm một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, đầy đủ và toàn diện, song song với việc trả tự do cho các con tin là người cao tuổi, phụ nữ và người bị thương, trao trả thi thể của một số con tin bị sát hại và trao đổi tù nhân Palestine.

Nghị quyết kêu gọi Israel rút lực lượng khỏi các khu vực đông dân cư ở Dải Gaza, tiến hành hồi hương người Palestine, đồng thời đảm bảo hoạt động phân phối viện trợ nhân đạo diễn ra an toàn và hiệu quả trên diện rộng.

Giai đoạn hai sẽ diễn ra việc các bên chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch để đổi lấy việc thả tất cả các con tin còn lại vẫn đang bị giam giữ ở Gaza và rút hết lực lượng Israel khỏi Gaza. Giai đoạn ba sẽ là khởi động một kế hoạch tái thiết qui mô lớn kéo dài nhiều năm dành cho Dải Gaza và trao trả cho Israel tất cả hài cốt con tin.

baotintuc.vn

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.