Hiến kế nâng cao hiệu quả hợp tác công tư, biến đổi khí hậu

(Baohatinh.vn) - Sáng 25/11, Ban Điều phối Dự án SRDP – IWMC Hà Tĩnh tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm, giải pháp thực hiện hoạt động đầu tư NN thích ứng BĐKH (CSA) và hoạt động đầu tư hợp tác công tư (PPP)”.

Thời gian qua, các hoạt động của dự án qua sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã góp phần giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tích cực, thay đổi kết cấu hạ tầng KT-XH, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho nông dân theo hướng bền vững.

Qua 2 năm thực hiện dự án PPP và CSA, đã phê duyệt 75 tiểu dự án với nguồn vốn tài trợ 12,3 tỷ đồng cho 1.100 hộ hưởng lợi; có 4 tiểu dự án PPP được UBND tỉnh phê duyệt với mức tài trợ 7,8 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các đại biểu, quá trình triển khai 2 hoạt động này khá thuận lợi do được sự quan tâm của các cấp ngành, sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương và người dân, phù hợp với nhu cầu và mong muốn của người dân, phù hợp và đồng hành với chương trình NTM và mang lại tác động lớn trong phát triển chuỗi giá trị.

Đại biểu trình bày ý kiến tham luận tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện hoạt động CSA như: nhận diện của cán bộ chưa đầy đủ dẫn đến sai sót trong xác định mục đích đầu tư; năng lực các bên (đặc biệt là nông dân) còn hạn chế để tiếp cận hoạt động; để thực hiện CSA đặt ra yêu cầu cao đối với nhà tài trợ trong khi đây lại là hoạt động mới, lần đầu tiên được thực hiện tại Hà Tĩnh; các đơn vị hỗ trợ trực tiếp chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và yêu cầu của nhà tài trợ; đại đa số người dân còn có tư tưởng ỷ lại; một số địa phương chưa thực sự vào cuộc; mục tiêu của dự án là tiếp cận đối tượng nghèo và cận nghèo song trên thực tế, các đối tượng này vẫn chưa tham gia nhiều...

Đối với hoạt động PPP, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực SX nông nghiệp chưa nhiều và nhìn chung, năng lực còn hạn chế. Nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa chưa đồng bộ, phần lớn trong số họ còn sợ rủi ro và chưa chịu khó. Chính quyền địa phương chưa có nhận thức kịp thời và đầy đủ về hoạt động dự án; quy hoạch vùng sản xuất còn manh mún và nhỏ lẻ, khó tiếp cận đến sản xuất hàng hóa.

Để quá trình triển khai hoạt động PPP và CSA đạt hiệu quả trong thời gian tới, các đại biểu đã cùng tham gia thảo luận và đề xuất các giải pháp như: tiếp tục tập huấn nâng cao nhận thức về mô hình CSA cho các bộ huyện, xã và người dân; tìm kiếm các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng sự liên kết giữa DN và người dân; điều chỉnh tỷ lệ hộ nghèo/cận nghèo trong các hoạt động đầu tư giảm xuống so với tiêu chí (30%).

Ban điều phối dự án cần hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho tiểu ban CSA huyện; tạo cơ chế hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư PPP; có quy hoạch đất đai phù hợp cho DN; cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi hình thức hoạt động PPP trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của DN, cán bộ và người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói