“Hoạn Thư ghen” - khi nhân vật trong kiệt tác Truyện Kiều bước ra đời thực

(Baohatinh.vn) - Sự nhập tâm, biến hóa tài tình của các nghệ sỹ đến từ CLB Sân khấu Biển Hẹn (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Hải Phòng) trong vở kịch thơ “Hoạn Thư ghen” vừa được công diễn tại Hà Tĩnh đã đưa các nhân vật từ trong kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du bước ra đời thực…

Vở kịch thơ “Hoạn Thư ghen” được công diễn tại Trung tâm Văn hóa TP Hà Tĩnh hai đêm 23 và 24/9.

Diễn viên U70 hóa nhân vật tuyệt sắc giai nhân tuổi đôi mươi

Đây là lần đầu tiên vở kịch thơ “Hoạn thư ghen” được công diễn ở Hà Tĩnh, đúng vào dịp kỷ niệm 255 ngày sinh và tưởng niệm 200 ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du. Vở kịch do các nghệ sỹ đã ở tuổi 60 - 80 tuổi thể hiện, vào vai những nhân vật tuyệt sắc giai nhân và tài trí ở tuổi đôi mươi.

Trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ, không ít lần khán giả cười ồ bởi cảnh “tréo ngoe” của nhân vật Thúc Sinh khi vướng vào mối tình tay ba và những màn đối phó với người vợ ghê gớm, mưu mẹo. Nhưng, cũng không ít lần trầm hẳn xuống khi chứng kiến sự giằng xé nỗi đau của nàng Kiều, sự ê chề bị đánh ghen hay cả nỗi đau mà chính Hoạn Thư phải mang “chồng chung chưa dễ ai chiều được ai”.

Khán giả không rời mắt trước diễn biến hấp dẫn của vở kịch thơ.

Cái tài của đạo diễn NSƯT Trần Tường và các diễn viên gạo cội chính là “thổi” vào tác phẩm quá quen thuộc cảm xúc mới lạ mà rất đời, đưa khán giả “chạm” được vào những nàng Kiều, Hoạn Thư, Thúc Sinh bằng xương, bằng thịt.

Chị Trần Thị Hà (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi bị cuốn vào lối diễn tự nhiên, chân thật và hấp dẫn của dàn diễn viên gạo cội. Dù không còn ở lứa tuổi đôi mươi nhưng thần sắc, kỹ thuật sân khấu của diễn viên đã đẩy cảm xúc người xem lên cao nhất. Đặc biệt là nhân vật Hoạn Thư, khán giả có cái nhìn thấu đáo, cảm thông hơn đối với nhân vật được xem là có “đòn ghen” thâm độc nhất lịch sử văn học Việt Nam”.

Truyền tải thông điệp nhân văn…

Lối ghen đi vào lịch sử văn học Việt Nam nhưng cũng rất kín kẽ, nhân văn...

“Hoạn Thư ghen” là một trích đoạn tiêu biểu trong Truyện Kiều. Đoạn trích không chỉ xây dựng hình ảnh ghen tuông của Hoạn Thư mà còn bởi tính đời trong tác phẩm. Đó cũng là điểm hấp dẫn khiến vở kịch thơ thu hút và lấy lòng được khán giả.

Nhà giáo Hoàng Xuân Khóa - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kiều học Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Kiều học Hải Phòng cho biết: “Chúng tôi đã dày công xây dựng, luyện tập suốt 6 tháng liền để đưa đến cho khán giả vở kịch hay nhất, thể hiện được tư tưởng, ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà Đại thi hào Nguyễn Du để lại cho nhân loại; đồng thời, truyền tải thông điệp về cách hành xử văn minh, văn hóa trong đời sống vợ chồng và xã hội”.

Hoạn Thư của vở kịch thơ “Hoạn Thư ghen” bước ra vẫn là người đàn bà ghê gớm, nham hiểm, trả thù chồng và tình địch theo kiểu “giết người không dao”. Nhưng, đó cũng là một người sắc sảo, trọng tài và có ứng xử văn hóa. Dù ở địa vị xã hội cao (là con gái quan Lại Bộ) nhưng bà vẫn chọn cách hành xử kín kẽ, giữ danh dự cho chồng và hạnh phúc gia đình - “Nỗi lòng kín chẳng ai hay/ Ngoài tai để mặc gió bay mé ngoài”.

... và gửi gắm đến đương đại thông điệp về giữ gìn hanh phúc gia đình (ảnh: Internet)

Thông điệp đó còn nguyên giá trị ở đương đại đến hơn 200 năm sau. Hành xử văn minh và nhân văn, loại bỏ người tình và giáo dục thói trăng hoa nhưng vẫn “giữ lửa” cho hôn nhân gia đình.

Đồng thời, vở kịch còn là ý nhị đưa ra cảnh báo thực trạng đang diễn ra ở xã hội thời nay về hành xử ghen tuông. Đó là những màn đánh đập, la hét, xé áo quần, cắt tóc… ngay giữa thanh thiên bạch nhật; hay những đáp trả cạn tình, cạn nghĩa của vợ chồng khi xảy ra mâu thuẫn…

Điều đáng nói, nó như loại vi-rút đang lan truyền trong giới trẻ, thậm chí đánh ghen lột đồ, dằn mặt tình địch còn được cổ súy và “đẩy thuyền” của “hội chị em”. Vô hình trung, bạo lực được thừa nhận và đẩy những mối quan hệ vợ chồng mất đi giá trị thiêng liêng vốn có, tiềm ẩn những mối bất ổn xã hội.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói