Triết lý Tâm - Tài nâng tầm tư tưởng, tài năng của Nguyễn Du

(Baohatinh.vn) - Điều khác biệt của Đại thi hào quê Hà Tĩnh - Nguyễn Du với các nhà tư tưởng, các bậc thức giả đương thời là ông đã đề cao chữ Tâm, đánh giá nó gấp ba lần chữ Tài.

Đọc Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ngay từ những dòng đầu tiên cho đến những dòng cuối cùng, tôi đã cảm nhận sự khác biệt rất rõ với Truyện Kiều cả về một số chi tiết trong nội dung cũng như nghệ thuật xây dựng nhân vật, đặc biệt là triết lý nhân sinh, quan niệm Tâm - Tài của Nguyễn Du.

Triết lý Tâm - Tài nâng tầm tư tưởng, tài năng của Nguyễn Du

Trên sân khấu, thân phận nàng Kiều và thân phận những người phụ nữ trong Truyện Kiều cũng nhiều lần được tái hiện. Ảnh Internet

Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ đề cập đến sự khác biệt này trong đoạn mở đầu và đoạn kết của Truyện Kiều.

Mở đầu Kim Vân Kiều truyện, sau khi dẫn 8 câu thơ thất ngôn tả cảnh mùa xuân, hội Đạp Thanh, nói về phận bạc duyên may, tác giả viết: “Xưa nay đại phàm những bậc giai nhân tuyệt sắc, thường không được hưởng hạnh phúc, giàu sang mà hay gặp những cảnh khắt khe, khổ sở. Xem như: Chiêu Quân, Quý Phi, Phi Yến, Linh Đức, Tây Tử, Điêu Thuyền... toàn là những bậc hương trời sắc nước cả, nhưng số mệnh có ra gì đâu.

Đó chẳng qua là con tạo ghét ghen, đã cho 10 phần nhan sắc thì bắt phải chịu 10 phần chiết mạ, đã cho một chút tài tình, lại tăng lên mấy tầng nghiệp chướng”. Mở đầu Truyện Kiều là những câu thơ mà hầu như người Việt Nam nào cũng thuộc làu:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

Cảo thơm lần giở trước đèn

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

Triết lý Tâm - Tài nâng tầm tư tưởng, tài năng của Nguyễn Du

Triết lý sống Tâm - Tài chính là sự vượt xa về tài năng cũng như tư tưởng của Nguyễn Du đối với Thanh Tâm Tài Nhân.

Cái “cõi người ta” ấy thực ra không phải chỉ là những thân phận phụ nữ và cũng không hẳn chỉ là “trăm năm”. Cái sự biến cải khôn lường “bãi biển thành nương dâu” ấy chính là triết lý nhân sinh, nỗi niềm thế sự đã thành điển hình có sức khái quát rất cao, đọc lên nghe có gì đó ngậm ngùi, buộc người ta phải suy ngẫm, chiêm nghiệm, phải tự soi xét bản thân và thời cuộc.

Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Những điều trông thấy của Nguyễn Du, dẫu được viết như là đề từ của Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) nhưng không chỉ gói gọn trong những kiếp người, những thân phận được lấy từ Kim Vân Kiều truyện mà là cả một “cõi người ta”.

Nguyễn Du từng chứng kiến, từ người gảy đàn ở Long Thành (Long Thành cầm giả ca), từ những kiếp cô hồn trong “Văn chiêu hồn” và những cảnh ngộ trong “Sở kiến hành” lần nhà thơ đi sứ Trung Quốc cũng như sự biến cải khôn lường của triều đình nhà Lê, gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền mà trong những năm tháng gió bụi nhà thơ đã trải qua. Vì “đau đớn lòng”, nhà thơ mới kêu lên “tiếng kêu mới đứt ruột” (Đoạn trường tân thanh) để thức tỉnh cả thế giới.

Ở đoạn kết cũng vậy, triết lý nhân sinh, thuyết Tài - Mệnh tương đố và những đúc kết về cuộc đời thể hiện cách nói rất riêng của Đại thi hào Nguyễn Du:

Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai

Trong đời sống hằng ngày, người ta hay đúc kết: Cũng là cái số cả, tất cả do trời định, trời thương thì mọi sự tốt đẹp, suôn sẻ, không thương thì rủi ro, bất hạnh. Trong Truyện Kiều, nhiều lần Nguyễn Du đã để cho nhân vật Thúy Kiều cảm thấu sâu sắc triết lý này và chấp nhận quy luật Tài - Mệnh tương đố: Hạt mưa sá nghĩ phận hèn/ Liều đem tấc cỏ quyết đền ba sinh...Phận dầu, dầu vậy, cũng dầu... Đến phong trần, cũng phong trần như ai...

Triết lý Tâm - Tài nâng tầm tư tưởng, tài năng của Nguyễn Du

Hình tượng người gảy đàn ở Long Thành được tái hiện trong phim Long Thành cầm giả ca. Ảnh Internet

Thời nay, đọc những câu này lên: Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao nghe có gì đó cam chịu, an phận thủ thường, không phù hợp nhưng nhiều người vẫn thích ngâm ngợi, nhất là những người có tuổi. Nguyễn Du đã nâng quan niệm về chữ “thân” trong ca dao: Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày; Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai... thành một triết lý: Muôn sự tại trời, trời kia bắt mỗi người có một thân phận, người càng có tài thì mệnh càng bạc.

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa

Lời khuyên ấy đặt trong hoàn cảnh xã hội bình đẳng và tiến bộ ngày nay, khi người phụ nữ đã được giải phóng, gông cùm của xã hội phong kiến đã hoàn toàn bị xóa bỏ thì không hợp nhưng đặt vào hoàn cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII, đặc biệt là với những người con gái tài sắc, nhiều khát vọng tình yêu và khát vọng đổi đời mới thấy hợp lý.

Đây cũng chính là sự mâu thuẫn trong nội tại tâm hồn, tư tưởng của Nguyễn Du: vừa mong giải phóng cho người phụ nữ, đề cao tình yêu và tài sắc của họ, vừa muốn an ủi họ hãy chấp nhận sự nghiệt ngã của số phận (mà thực chất là chấp nhận sự ngang trái do các thế lực cường quyền tạo nên).

Điều khác biệt của Nguyễn Du với các nhà tư tưởng, các bậc thức giả đương thời là ông đã đề cao chữ Tâm, đánh giá nó gấp ba lần chữ Tài. Điều này đã trở thành triết lý kinh điển của thi nhân hàng trăm năm qua luôn được người đời sau đề cập và ghi nhận.

Cho đến hôm nay, nhiều người vẫn coi đó là lời răn dạy cho mình trong công việc cũng như trong cuộc sống: Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Triết lý Tâm - Tài nâng tầm tư tưởng, tài năng của Nguyễn Du

Hình tượng nàng Kiều trong hội hoạ. Minh hoạ Internet

Sự phát triển cái thiện - yếu tố đạo đức xã hội đã có nền móng từ lâu trong đời sống Nhân dân, là căn cốt, cội rễ của nhân cách con người trở thành chữ Tâm là một bước chuyển trong triết lý nhân sinh của Nguyễn Du - một con người từng trải qua nhiều cảnh ngộ, phải quăng quật giữa mưa gió cuộc đời, thấm thía rất nhiều nỗi đau khổ của con người.

Nguyễn Du đã gửi gắm suy nghĩ, đúc kết của mình về chữ Tâm (hay còn gọi là tình người, là tấm lòng yêu thương con người, là đạo đức xã hội) vào kiệt tác Truyện Kiều. Nếu đem đối chiếu với cái kết thúc có hậu của Truyện Kiều thì rất hợp lý: Người sống có Tâm đã được đáp đền, kẻ bạc ác đã bị trừng trị, nàng Kiều sau 15 năm tủi nhục: Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.

Nhưng thực tế, những triết lý ấy còn có một tầm phổ quát lớn hơn, vượt ra ngoài Truyện Kiều, trở thành một lời răn dạy như tục ngữ, thành ngữ của Nhân dân, trở thành nguyên tắc sống và làm việc, ứng xử trong phạm trù đạo đức của rất nhiều tầng lớp trong xã hội...

Sức sống, sự lan tỏa, lay động, thức tỉnh của câu thơ: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài thực sự đã vượt ra ngoài tầm thời đại Nguyễn Du, vượt ra ngoài không gian biên giới Việt Nam, trở thành giá trị xuyên thời đại.

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển hai vế tâm - tài thành đức - tài. Người nói: “Có tài mà không có đức thì thành người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Triết lý sống Tâm - Tài của Nguyễn Du có giá trị bền lâu trong đời sống, giúp cho đạo đức xã hội được bền vững, giúp xây dựng phẩm chất con người mới Việt Nam cũng như nhiều cộng đồng khác trên thế giới. Đây chính là sự vượt xa về tầm tư tưởng cũng như tài năng của Nguyễn Du so với Thanh Tâm Tài Nhân.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Chủ đề 255 NĂM NGÀY SINH ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.