Học Australia từ ý thức đến lối sống nơi công cộng

(Baohatinh.vn) - Australia cũng giống như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, có rất đông người dân từ các châu lục đến sống. Trên đường phố và trong tàu điện, xe buýt, sân bay, nhà hàng, siêu thị... có đủ người các châu lục với nhiều màu da. Có cả những người phụ nữ theo đạo Hồi với tấm khăn choàng đen đặc trưng, người châu Á thì nhiều nhất vẫn là Trung Quốc và Việt Nam. Song, bất kể ở đâu đến, chủng tộc nào, điều kiện sống ra sao, khi đi lại, ứng xử nơi công cộng, tất cả đều phải tuân thủ quy định của pháp luật.

hoc australia tu y thuc den loi song noi cong cong

Australia đa sắc tộc nhưng tất cả đều tuân thủ tốt quy định của pháp luật.

Ra đường đi bên trái

“Em ra đường em đi về bên phải”, bài học thuộc lòng ấy khiến không ít người Việt Nam mới sang phải khó khăn khi làm quen với văn hóa giao thông ở Australia. Tay lái trái, buồng lái bên phải xe, xe đậu đỗ dọc đường nhà mình ở thì phải về phía trái, còn đậu đỗ ở siêu thị, sân bay, khu trung tâm, khách sạn... thì phải đúng nơi có chữ P, dù là bãi đậu nhỏ hay là nhà gửi xe cao tầng. Và những nơi ấy, bao giờ cũng có ô dành cho xe của người khuyết tật, tuyệt nhiên người thường không ai dám đậu.

Lên xe buýt, tàu điện nổi, tàu điện ngầm, máy bay, hay đơn giản chỉ là lên xuống cầu thang trượt nơi siêu thị, tất cả đều nhường đường sang bên trái và ưu tiên phụ nữ, trẻ em, người già. Cuộc sống hối hả, nhộn nhịp nhưng lại rất trật tự. Ấy là khi xe điện, xe buýt dừng, người trên xe bước xuống hết rồi người dưới mới được lên, nếu không, lập tức sẽ có nhân viên quản lý nhắc nhở. Những nhân viên này, rất khác ở Việt Nam, nhiều người là phụ nữ. Họ cao lớn, mặc đồ bảo hộ lao động, nét mặt trang nghiêm.

hoc australia tu y thuc den loi song noi cong cong

Một góc đường phố ở Melbourne.

Chỉ riêng nói chuyện sang đường thôi, đã là một nét văn hóa ăn sâu vào lối sống, khiến tất cả đều tuân thủ như một cỗ máy được lập trình. Khi đi bộ, người Úc dù đi rất nhanh, nhưng khi dừng để chờ sang đường, không thấy ai bồn chồn, nôn nóng. Hạ tầng giao thông hoàn chỉnh ở tất cả các thành phố của Australia đã góp phần quan trọng hình thành nên ý thức này.

Các góc ngã tư đường phố đều có vạch kẻ và hệ thống đèn hiệu dành cho người đi bộ. Khi đến đó, mọi người phải bấm vào nút đèn bên cột tín hiệu và chờ, khi nào đèn hiệu bật xanh dành cho người đi bộ mới được sang. Khi xe nhiều phải chờ là đương nhiên, nhưng khi xe ít, chưa có đèn hiệu, cũng chưa ai sang đường. Muốn đi bộ sang cửa hiệu bên kia đường cũng phải vòng lại từ đầu ngã tư chỗ dành cho người đi bộ. Ngược lại, còn một người đi bộ chưa sang hết, xe ô tô vẫn chưa đi. Còn bởi vì hệ thống con chíp được cài đặt sẵn dưới nền đường, bánh xe đằn lên vệt đường khi đèn xanh chưa bật, ngay lập tức camera chớp sáng. Và thế là dăm bảy hôm sau, một hóa đơn tiền phạt được gửi đến địa chỉ người lái xe ở. Mất dăm trăm đô-la Úc là chuyện thường.

Trên đường phố Australia cũng thi thoảng thấy xe cảnh sát đi tuần tra, nhưng bóng dáng cảnh sát mặc sắc phục thì rất hiếm, vì tất cả người tham gia giao thông đều có tính tự giác cao và đều rất sợ cảnh sát phát hiện mình không đeo dây an toàn, xi nhan đèn hiệu sai... Còn chuyện quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đã có hệ thống camera giám sát. Vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ vì ngoài ô tô, tàu điện và xe buýt, không có việc đi lại bằng xe máy. Vẫn có xe đạp dành cho những người thích đạp xe, xe máy dành chở hàng giao dịch nhưng rất ít.

Còn chuyện xếp hàng thì bất kể ở đâu: Siêu thị, nhà hàng, ngân hàng... cứ có 3 người trở lên là xếp hàng đã thành thói quen.

Một môi trường sạch sẽ và thoáng đãng

Đường phố, siêu thị, nơi đậu đỗ xe, công viên... dù ở Sydney hay Melbourne và tôi tin là khắp nước Úc, rất hiếm khi thấy một mẩu rác, đất cát vương vãi. Công trường thì đã được khoanh vùng cách ly với xung quanh. Bụi bặm hầu như không có, dù Úc vốn là đất của đồi núi, sa mạc, gió biển thổi rất mạnh. Mỗi gia đình đều có hai thùng rác lớn, một thùng rác thường và một thùng rác tái chế, phân biệt nhau bởi màu sắc.

hoc australia tu y thuc den loi song noi cong cong

Môi trường thoáng đãng, sạch sẽ

Thùng rác tái chế gồm đồ nhựa, giấy, sắt... Hàng tuần đến ngày quy định, gia đình tự đẩy thùng (có chân trượt) ra cổng để xe chở rác đến lấy. Nhân viên lấy rác cũng không hề phải dùng đến tay vì đều điều khiển bằng máy móc. Xe hút bụi và rửa đường không biết làm việc khi nào nhưng các tuyến phố, vỉa hè khi nào cũng sạch lỳ. Đặc biệt, ở Melbourne, một thành phố gần như đã hoàn thiện, ít phải đầu tư xây dựng và sửa sang, đường phố các khu trung tâm đều rất sạch. Còn nhà dân, để ngăn cát bụi bay vào nhà khi gió lớn, đã có một lớp lưới mắt li ti ngoài cùng.

Nhà dân đều ở cách biệt với các khu trung tâm buôn bán, thay vào đó là các cửa hàng, cửa hiệu, khu nhà làm việc, công trình công cộng, trụ sở các tập đoàn, trường học... Cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh hàng ăn uống cũng tuân thủ nghiêm quy định về môi trường, biển hiệu gắn trên tường, không ai được phép dựng ra đường. Thế nhưng, ai cũng biết để tìm đến thưởng thức. Ở các quán hàng, không có tình trạng khói bụi bay mù mịt khi chế biến.

Để tạo ý thức, nhất thiết phải cưỡng chế

Trước khi sang Australia, tôi đã từng nghe nhiều người, trong đó có đồng nghiệp, ca ngợi về môi trường sống và giao thông ở các nước tiên tiến, trong đó có Úc. Hàng triệu người đã đi nước ngoài và cũng không ít người trở về. Nhưng tôi chứng kiến, trong số những người ấy, khi về Việt Nam, không ít người đi lại lộn xộn, vứt rác bừa bãi.

hoc australia tu y thuc den loi song noi cong cong

Khu trung tâm Sydney.

Ý thức không tự đến ngày một ngày hai, mà đòi hỏi cả một quá trình giáo dục và cưỡng chế. Phải xử phạt nghiêm vi phạm an toàn giao thông, xử phạt nghiêm vi phạm bảo vệ môi trường. Nếu chỉ giáo dục không thôi thì đâu lại vào đó. Bao nhiêu em học sinh đã được học về chuyện: Ra đường đi về bên phải, rồi phải bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi? Bao nhiêu người lái xe được học về an toàn giao thông? Ai không thuộc lòng câu: Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Nhưng đơn giản nhất, ngồi trên xe ô tô vẫn hạ kính vứt rác xuống đường, vào quán ăn thưởng thức sơn hào hải vị vẫn vứt rác, lon bia xuống nền nhà. Sau mỗi đám cưới, tiệc tùng, thử nhìn xuống gầm bàn: Giấy loại, rác, vỏ lon bia... vứt bừa bãi. Cũng người Việt mình đấy thôi, nhưng sao sống ở xứ người thì nghiêm chỉnh vậy, về quê hương mình lại cẩu thả và lộn xộn đến thế?

Nhiều người Việt Nam rất giàu so với mức sống của những người lao động bình dân ở Úc, nhưng về ý thức nơi công cộng, phải nhìn nhận thẳng thắn, họ rất nghèo. Và nhất thiết, các quy định về xử phạt hành vi nơi công cộng cần phải chi tiết hơn nữa, thực thi nghiêm khắc hơn nữa, để cùng với hạ tầng giao thông và môi trường được cải thiện, văn hóa nơi công cộng của người Việt Nam được nâng lên.

(Còn nữa)

Australia - tháng 9, Hà Tĩnh - tháng 10/2017

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.