Gói bánh chưng ngày tết đã trở thành phong tục đáng quý của người con Việt Nam, là mối gắn kết các thế hệ
Chiều 30, phố thị bắt đầu chậm lại. Cái tiết trời dịu nhẹ, êm đềm quyện lẫn hương trầm ngào ngạt thật vừa với tâm trạng con người. Dù là người xa quê lâu ngày trở về hay ở ngay giữa lòng quê hương thì chiều cuối năm vẫn mang ý nghĩa thiêng liêng vô cùng, đó là được quây quần bên gia đình ấm áp.
Trở về như một lời hẹn, trở về như một trách nhiệm, hơi ấm chiều 30 tết đã lan tỏa trong không gian gia đình ấm áp. Đó là lúc, người ta hoài niệm lại những hồi ức cũ kỹ nhưng đủ sức nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi đứa con khi trưởng thành. Là lúc người ta sống với những cảm xúc chân thật, yêu thương chân thật.
Nồi bánh chưng chờ nấu chín
Chiều 30 tết, dù no đói thế nào thì mỗi gia đình đều có một mâm cơm cúng đặt lên bàn thờ tổ tiên. Khói hương nồng nàn tỏa hơi ấm, như sự hiện hữu của sum họp giữa thực và ảo, kết nối giữa các thế hệ.
30 tết, thắp hương lên bàn thờ tiên đã trở thành truyền thống tốt đẹp, nhắc nhở con người nhớ về nguồn cội
Đến bây giờ, khi cuộc sống hiện đại với nhiều hàng hóa tiện lợi, bố tôi vẫn giữ thói quen gói bánh chưng ngày tết để cúng ông bà tổ tiên. Như trở thành lời hẹn ước, năm nào chúng tôi cũng tề tựu đủ anh em, con cái trong ngày bố nấu bánh chưng. Gạo nếp, thịt mỡ, lá dong được chuẩn bị sẵn từ trước đó, dưới bàn tay khéo léo của bố, những chiếc bánh vuông vức lần lượt được xếp vào nồi. Mẹ tôi vẫn tất tả những công việc còn lại của năm cũ, dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa những gì còn thiếu, chuẩn bị cho cả gia đình cùng đón chào năm mới.
Ngày cuối năm, người ta cũng dễ để xí xóa, hỉ xả cho nhau. Ngày bé, bố tôi thường nhắc nhở chị em tôi: “Ngày cuối cùng của năm, gia đình không nên có tranh cãi, to tiếng với nhau. Biến những khúc mắc thành yêu thương để năm mới đón thêm nhiều may mắn”. Lúc đó, tôi cứ nghĩ đó là tâm linh, “có kiêng, có lành”, lớn lên một chút, tôi mới hiểu hết rằng đó chính là hơi ấm tình thân, mà dẫu có cố gắng cũng không thành khiên cưỡng!
Bữa cơm ngày tết dù đạm bạc nhưng sum vầy
Chiều nay, đường không còn tấp nập kẻ bán người mua, không còn xô bồ náo nhiệt của mấy ngày sắm tết. Chỉ thỉnh thoảng, người ta vẫn bắt gặp hình ảnh những người sắm tết muộn, chọn những bông hoa, cành đào ven đường, để rồi hương sắc mùa xuân của tạo vật ấy sẽ làm bừng sáng mái ấm của họ trước thềm năm mới.
Những chuyến xe cuối cùng của năm cũ đã về bến, đem theo những đứa con xa quê trở về nhà ăn tết. Tết đang đến thật gần...