Hôm nay, ông Đinh La Thăng hầu tòa lần hai

Cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí Đinh La Thăng bị xét xử ở khung hình phạt cao nhất của tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế, mức án cao nhất có thể tới 20 năm tù.

hom nay ong dinh la thang hau toa lan hai

Ông Đinh La Thăng tại tòa tháng 1/2018. Ảnh: TTXVN.

Sáng nay (thứ 2, ngày 19/3), TAND Hà Nội khai mạc phiên sơ thẩm xử vụ án gây thiệt hại 800 tỷ đồng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), dự kiến kéo dài hết ngày 29/3.

Bảy người hầu tòa cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) gồm ông: Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT PVN), Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN), Ninh Văn Quỳnh (cựu phó tổng giám đốc PVN), Nguyễn Xuân Thắng (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Nguyễn Thanh Liêm (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Vũ Khánh Trường (64 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Phan Đình Đức (58 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN).

Riêng ông Quỳnh bị truy tố thêm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự 1999)

Ông Đinh La Thăng mời năm luật sư bào chữa, Nguyễn Xuân Sơn có bốn luật sư, Ninh Văn Quỳnh có hai luật sư... Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu.

Ông Đinh La Thăng có thể đối mặt án tù 30 năm

Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng ký Thỏa thuận để PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại dương (Oceanbank) nhưng không thông qua HĐQT.

Cơ quan tố tụng cho rằng ông Thăng quyết định việc góp 800 tỷ vốn của PVN trong khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank; ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Ông cũng không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.

Ngày 1/1/2011, Luật tổ chức tín dụng (đã có hiệu lực) quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”. Song với vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Đinh La Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15%. Ông này còn tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank.

Theo bản cáo trạng, việc làm này trái quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Tổ chức tín dụng 2010, tạo điều kiện cho các bị can Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng vào Oceanbank.

Hậu quả theo cáo trạng là toàn bộ số 800 tỷ của PVN bị mất khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại bắt buộc với giá 0 đồng.

Cơ quan tố tụng còn kết luận ông Thăng là người quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện. Với tư cách là người đứng đầu PVN, ông có trách nhiệm bảo toàn vốn của PVN vì thế phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng góp vào Oceanbank.

Trong quá trình điều tra ông Thăng đã chấp hành các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Trong giai đoạn truy tố, bị can nhận trách nhiệm trước pháp luật với tư cách người đứng đầu Tập đoàn PVN và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Phiên tòa lần này, ông Thăng cùng các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức bị đưa ra xét xử theo khoản 3, điều 165 Bộ luật Hình sự 1999. Mức án cao nhất tới 20 năm tù.

Theo quy định về tổng hợp hình phạt tại phiên tòa của Bộ luật Hình sự 1999 cũng như Bộ luật Hình sự 2015, mức hình phạt tù có thời hạn cao nhất mà một người phải nhận không quá 30 năm tù. Do đó, dù ông bị tuyên mức án cao nhất tại vụ án này song tổng hợp với mức phạt của vụ án đã xét xử tháng 1 (13 năm tù), hình phạt phải nhận sẽ tối đa là 30 năm tù.

Cựu kế toán trưởng PVN trả lại 20 tỷ đồng quà biếu

Ở vụ án này, ngoài những sai phạm của ông Đinh La Thăng, điểm gây chú ý khác là việc nhận quà biếu lên tới 20 tỷ đồng của ông Ninh Văn Quỳnh.

Theo cáo trạng, ngày 18/9/2008 PVN ký thỏa thuận hợp tác với Oceanbank và trở thành cổ đông, đối tác chiến lược nắm 20% vốn điều lệ của ngân hàng này. Khi đó, ông Nguyễn Xuân Sơn được PVN giới thiệu làm thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Oceanbank từ ngày 1/1/2009 đến ngày 15/11/2010. Còn ông Ninh Văn Quỳnh giữ vị trí Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN.

Cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm và ông Nguyễn Xuân Sơn bàn bạc về việc huy động vốn cho Oceanbank. Ông Sơn đề nghị ông Thắm chi chăm sóc khách hàng với lãi suất ngoài hợp đồng để có thể huy động được vốn từ PVN. Được ông Thắm đồng ý, ông Sơn đã nhiều lần chi chăm sóc khách hàng với số tiền lớn.

Theo cơ quan tố tụng, một trong những người được ông Sơn chăm sóc kỹ nhất là ông Ninh Văn Quỳnh. Số tiền ông Quỳnh nhận từ ông Sơn chia làm nhiều lần và lên tới 20 tỷ.

hom nay ong dinh la thang hau toa lan hai

Ông Ninh Văn Quỳnh đã nhận một bản án vào tháng 1/2018. Đồ họa: Tiến Thành.

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Hà Văn Thắm diễn ra cuối năm 2017, cũng như lời khai tại cơ quan điều tra, ông Sơn khai đưa lại cho ông Quỳnh khoảng 30-40 tỷ đồng để nhờ cảm ơn lãnh đạo PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên trong Tập đoàn sử dụng dịch vụ, gửi tiền tại Oceanbank.

Sang giai đoạn năm 2010-2014, khi ông Sơn về làm Phó tổng giám đốc PVN, ông Hà Văn Thắm tiếp tục nhờ ông Sơn nhận tiền để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho nhóm khách hàng dầu khí gửi tiền tại Oceanbank. Ông Sơn nhớ, trung bình khoảng 45 ngày thì Nguyễn Xuân Thắng, Phó giám đốc Khối Khách hàng lớn và Đối tác chiến lược Oceanbank (em họ ông Sơn) lại nhận tiền từ Oceanbank đưa về cho mình khoảng 5 tỷ đồng để đưa lại cho ông Quỳnh.

Tuy nhiên, tại phiên tòa hồi tháng 9/2017, ông Ninh Văn Quỳnh khẳng định chỉ nhận từ ông Sơn 20 tỷ. Ông dùng tiền để gửi tiết kiệm, mua nhà, mua ôtô, đầu tư chứng khoán, chi tiêu cá nhân, nghỉ mát, lễ tết, ngoại giao…

Ông sau đó xin với cơ quan điều tra được cùng gia đình nộp lại toàn bộ tiền đã chiếm đoạt. Ngoài 20 tỷ nộp bằng tài sản như nhà, xe, sổ tiết kiệm, ông Quỳnh còn nộp hơn 300 triệu tiền mặt được cho là tiết kiệm từ từ lương, thưởng.

Ngoài vụ án này, hồi tháng 1/2018, ông Quỳnh cũng "góp mặt" trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC cùng ông Đinh La Thăng. Ông Quỳnh nhận mức án 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Bảo Hà/VnExpress

Đọc thêm

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Không chỉ là bài học riêng cho 3 bị cáo, phiên tòa mà TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở còn là lời cảnh tỉnh cho những ai hám lợi để vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Đói ăn vụng, túng làm liều

Đói ăn vụng, túng làm liều

Chỉ vì cần tiền thỏa mãn nhu cầu cá nhân, Nguyễn Văn Trọng (SN 1989, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã bất chấp hậu quả, sa chân vào con đường bất chính…
Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Quy định mới về xử lý người vi phạm Luật ATGT có hiệu lực thi hành được nhiều người dân đồng tình, tuy nhiên vẫn có một bộ phận cho rằng, mức xử phạt quá nặng.
Khi lòng tham lấn át lý trí

Khi lòng tham lấn át lý trí

Dù trong độ tuổi lao động nhưng Phùng Hà Trang (trú ở TP Hà Tĩnh) không tu chí làm ăn, mà rẽ lối sang con đường phi pháp. Kẻ lừa đảo đã phải nhận 15 năm tù giam.